Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

Những người bạn của tôi

CỐ THẨM PHÁN

(Tưởng nhớ nhân ngày giỗ thứ sáu Trần Khả Trung )

      Đừng tưởng tôi bỏ dấu sai . Tôi nói về bạn ta, thẩm phán Trần Khả Trung, đã mất gần sáu năm trước .Thời còn trung học, Khả Trung thân thiết với Hoàng Minh. Nhà nó đường Lý Thường Kiệt, phía đầu Doi, nơi các bạn chung lớp từng ghé chơi coi nhà nó làm nghề mộc rồi xuống đầu Doi, ghé nhà Thu Vân họp lớp nhân hè, nhân Tết. Lúc Hoàng Minh chú ý chị năm, nó tự nguyện theo hỗ trợ bạn. Nhà chị năm bên kia sông, đoạn ngang đầu Doi . Có hôm hai tên này phục thấy chị năm xuống cầu mé sông giặt áo. Hai tên dám lặn bên này sông qua gần chỗ chị năm, bất ngờ trồi đầu lên, khiến chị năm bị phen hốt hoảng. Tưởng mấy tên hay phá phách, tính chữi, dòm lại thấy hai ông tướng chung lớp, nên chị năm kịp thời điều chỉnh âm thanh, chỉ còn phát ra trong cổ họng!

KT
Thành, Minh,Lan,Dung,Trung và hướng dẫn viên

     Khi Hoàng Minh hay thăm hỏi chị năm, Trung cũng siêng thăm hỏi một cô bạn ngồi cận chị năm trong lớp. Nó cũng có nhiều kỷ niệm riêng, nhưng chưa kịp kể với tôi trước khi rời bỏ cuộc chơi này. Nhưng còn Hoàng Minh nên cũng nối kết được nhiều chuyện cũ. Trung ủng hộ tinh thần Hoàng Minh, nhưng nó cũng cần Hoàng Minh ủng hộ lại. Trung muốn thăm cô bạn kia, không dám đi một mình. Chắc sợ bị oánh hoặc chó rượt. Hai tên tới nhà cô ta, Minh đứng đợi bên ngoài gần cả tiếng, theo Minh kể. Khi Trung ra là cánh tay nó bị nhiều vết chém không đứt, chỉ đỏ ửng. Trung khoe bắp vế nó chắc còn đẹp hơn nữa. Nó đau thấy rõ, nhưng gương mặt nó vui mới lạ.
         Vết cắt 75 bị tôi sử dụng nhiều lần trong các chuyện viết về bạn cũ. Đây cũng không ngoại lệ. Chỉ biết năm 76 Trung thi hành nghĩa vụ quân sự, đóng quân bên Vĩnh Long. Nghe đâu nó lập gia đình với cô thôn nữ bên đó, tuổi nhỏ nhiều so với nó. Đám rước dâu chỉ có Hoàng Minh là bạn cũ tham dự. Bạn cô dâu còn mặc áo nữ sinh! Năm 92 tôi chuyển về làm việc gần nhà, có điều kiện nghe ngóng thêm thông tin về bạn cũ. Nghe nói Trung đã ra quân mấy năm trước, làm việc ở một nông trại nuôi tôm tận trong rừng mắm Vĩnh Châu. Trung ra quân vì tính thẳng thắng, nóng nảy, đánh nhau với một đồng đội, lỗi không từ phía nó. Biết đâu chuyển nghề nó sẽ khấm khá hơn. Đời binh ngũ, đồng lương sao nuôi nổi vợ và ba con. Rồi Trung chuyển về làm Ban Thanh tra tỉnh, sau đó qua bên Tòa án tỉnh. Trung phải ra thủ đô học về chuyên môn, thẩm phán. Lúc đó tôi đã thường xuyên liên lạc với nó, nên biết các quãng đường nó đang đi.

( Trung,Dung,Lan,Thành,Minh )
       Có lẽ do năng lực tốt, nhất là nó nói năng khá dẻo miệng, Trung được lên làm thẩm phán sau mười năm chuyển ngành. Nó dành dụm mãi chưa đủ cất cái nhà không lớn. Tôi hùn cho nó cái cửa cho mau thành nhà. Các bạn khác có chia xẻ gì thêm tôi không biết, chỉ biết cái nhà nó chút xíu làm rất lâu mới xong. An cư, nó cũng rãnh rỗi họp bạn cũ nhân có dịp. Tôi phải nhiều dịp ra miền Trung lo chuyện làm ăn, sẵn xe, bạn nào sắp xếp được công việc thì theo chơi. Nhưng lúc đó các bạn họp mặt chưa được đông như sau này. Thường chỉ có Minh, Trung, Thành đi với tôi nhưng các lần đi chỉ có hai trong ba người, ít khi được đầy đủ. Công việc của tôi chủ yếu ở Bình Định. Trên đoạn đường từ Sài Gòn ra đó, tỉnh nào tôi cũng có bạn học chung đại học nên tôi ghé các nơi, chuyện trò ăn uống vui vẻ. Khi về, nếu còn thời gian theo đường Tây nguyên biết thêm các địa danh mới, ghi hình làm kỹ niệm. Tính Trung vui vẻ, hay nói chuyện tiếu lâm và bia rượu không từ. Khoảng thời gian vui vẻ đó kèo dài bốn, năm năm.
    Trung gởi con trai đầu lòng làm việc trong hãng tôi. Cháu tuy học không cao, nhưng chịu khó và làm việc nghiêm túc. Trung cám ơn tôi, nói con tao giờ là lao động chính trong gia đình! Bởi thu nhập của cháu cũng khá. Bạn vui tôi cũng vui lây.
    Thời còn trong lính và sau khi ra quân, Trung hay gặp gỡ với Kế Vị. Nhưng Kế Vị thay đổi chỗ làm từ Kế Sách qua Vĩnh Châu, rồi về Mỹ Xuyên nên tôi ít gặp. Chiều thứ bảy trên đường từ Mỹ Xuyên về nhà ở Cống Đôi, Kế Vị hay ghé thăm Khả Trung kiếm chút men cay, nói chuyện đời. Riết thành nếp quen. Có lần Kế Vị tới thăm, Trung than đau bụng quá. Trước đó Trung cũng nói với các bạn về chuyện hay đau bụng. Nó nói đau bao tử, mua thuốc giảm đau uống rồi. Trung không đi bác sĩ, tụi tôi cũng không khuyên can, một phần do thời điểm đó tụi tôi còn khỏe, chưa có kinh nghiệm đau bệnh hoặc đi bác sĩ, một phần do chủ quan nghĩ là Trung chắc bệnh nhẹ thôi. Kế Vị hẹn hôm sau, chủ nhật, tới cùng Khả Trung đi siêu âm bụng. Kế Vị thông báo cho các bạn tình trạng bệnh quá nặng của Khả Trung mà tôi không dám tin. Tôi chạy thăm nó, nó buồn, phải vô cơ quan bàn giao công việc mới đi Sài Gòn khám bệnh được. Nó mất đúng một tuần để làm thủ tục giao việc dang dở cho đồng nghiệp và vô bệnh viện đa khoa Sóc Trăng làm giấy chuyển viện theo thủ tục của bảo hiểm y tế. Thứ hai tuần sau tôi đưa nó lên bệnh viện Trưng Vương ở đường Lý Thường Kiệt Sài Gòn, nơi nhận khám bệnh theo bảo hiểm y tế chuyên ngành bệnh tuyến dưới chuyển lên. Nó chợt khó khăn việc ăn uống, do bệnh chuyển giai đoạn nguy ngập. Tôi ra về, sau khi thấy nó yên ổn nơi bệnh viện, không quên để lại nó một điện thoại để tôi dễ thăm hỏi hàng ngày. Qua nói chuyện, tôi biết tên bác sĩ trưởng khoa điều trị cho nó, nhớ cái tên này quen quen. Bác sĩ này chung bốn tháng quân trường với tôi hai mươi mấy năm trước. Tôi liên lạc được, nhắc chuyện quen xưa để gởi giùm chăm sóc bạn chu đáo hơn. Bác sĩ đó nói riêng với tôi là bệnh của Trung quá nặng, tới bệnh viện quá trễ. Nếu may mắn kéo dài sự sống thêm một tháng. Tôi hỏi còn cách nào kéo dài hơn không, còn hơn tháng là Tết rồi, kéo dài ăn Tết cái đã rồi tính tiếp. Bác sĩ phân tích về chuyên môn, lá gan liệt, không tiêu hóa được thức ăn, cơ thể sẽ mõi mòn như ngọn đèn leo lét. Khuyên nên đưa Trung về nhà thoải mái hơn bệnh viện, và dễ lo…hậu sự. Tôi trao đổi với vợ và em trai Trung, nói lại với đám bạn nhậu nhà. Đưa Trung về nhà nhưng không nói cho nó biết bệnh tình, động viên nói về nhà uống thuốc nam mát hơn và lo ăn Tết. Đám bạn và tôi lên bệnh viện đón Trung về. Lòng ai cũng buồn thương bạn nhưng ai cũng tỏ vẻ vui vẻ, mừng nó về. Ghé ăn cơm trưa, thấy nó chỉ cho vô miệng có mấy muỗng cơm, tôi thấy buồn thêm. Trung điện thoại về nhà nhắn chị hai nó làm đồ ăn chiều cúng cơm người cô và mời nhóm bạn đang xe chung, ở lại chung mâm. Đâu ai nỡ chối từ, làm thêm điều vui là thêm chút an ủi bạn mình. Tôi mua cái ghế dựa nó nằm cho thoải mái. Trung nằm trên ghế nhìn tụi tôi vô vô. Không biết nó có cảm xúc vui chút nào không, chớ hôm đó bia đắng lắm. Tính ra Trung ở viện đúng hai tuần.
     Tôi cũng siêng thăm nó. Nhắn người quen bên Kiên Giang gởi trái dứa gai qua vì nhiều người đồng bệnh Trung nói uống trái này mát gan. Ai chỉ thuốc gì vợ Trung cũng chạy tìm bằng được. Cỡ tuần sau Trung ốm thấy rõ, mặt hốc hác, hai gò má như nhô cao, mắt thâm sâu hơn. Các bạn tới thăm, nó nói chuyện rất tỉnh táo, còn tự tin. Thậm chí cơ quan cho người tới lấy chìa khóa tủ hồ sơ nó quản lý, Trung còn nói bộ tính tao nghỉ luôn sao mà lấy hết hồ sơ! Mấy bạn từ Phú Tâm ra thăm, Trung nói chuyện còn ráng pha chuyện vui đùa, mặc dù nó nói sao bây giờ cơn đau ngày một nặng và bụng hơi căng lên. Hai bạn ra về, Trung nói vợ và con trai dìu mình ra nằm trên ghế dựa và nó lịm dần rơi vào cơn mơ tới chốn vô thường, quên đường trở lại kiếp nhân sinh.
    Con trai Trung liền điện thoại khi tôi đang ở hãng. Nó vừa báo tin vừa khóc. Tôi liền chạy qua.Trung nằm yên đó, chỉ như đang ngủ say, chỉ khác giấc ngủ này dài đăng đẳng. Tôi báo tin các bạn. Mấy bạn Phú Tâm còn nói giỡn chơi hoài, tôi mới gặp nó lúc nảy, còn nói chuyện vui vẻ! Tính Trung vậy đó, chịu đau, vui với bạn tới phút cuối cuộc đời. Trung mất sau hai tuần từ bệnh viện về nhà, nhằm ngày 22 tháng chạp, kịp để ông táo mang tin báo lên trời! Chôn cất nó ở đất sau nhà, Trung nằm cạnh ba và má nó. Mỗi lần giỗ là các bạn tới khá đông. Con trai lớn nó trở thành cột chính trong gia đình. Do vậy, nó trễ hẹn hoài với cô bạn gái. Cuối cùng lễ cưới cũng diễn ra. Tôi và nhiều bạn cùng dự cho Trung vui, cũng không quên đồng hành tiếp sức chú rễ. Hoàng Minh lo con gái Trung học chuyên môn và cháu làm việc ở cơ quan do một người bạn điều hành.
    Tôi viết những dòng này khá trễ, muộn còn hơn không, nhân giỗ thứ sáu của Trung sắp tới. Tôi nói với tụi bạn là tụi mình ai cũng có góp sức cho Trung đi sớm. Nhưng đâu ai bắt lỗi phải đó. Căn bản là ta tự vấn lương tâm đã thiệt tình, hết lòng vì bạn mình là thoải mái trong lòng. Trung, chắc nó cũng rất vui vẻ ở đâu kia vì nó thấy các bạn cũ đều không ai chê trách, nói gì sai trái nó, đều bằng chân tình động viên gia đình nó, ít nhiều giúp gia đình nó chuyện này, chuyện nọ . Và nhất là còn nhớ tới nó trong tâm tưởng...
                                        hoquocluc@hcm.vnn.vn, 10/2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lâm Thanh Sơn Tết Đoan Ngọ nhăm ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch hằng năm là một ngày Tết truyền thống tại một số quốc gia Đông Á như Việt Nam,...