Văn-Truyện ký

  
      Tại sao lại gọi là Bố, ngay cả đám bạn thân nhất của tôi cũng ngờ ngợ. Ở Sóc Trăng và không phải là dân Bắc di cư mà gọi ba má là bố me thì có lẽ hơi quái đản. Đó là do mấy ông anh tôi đi học ở Sài gòn, bắt chước bạn Bắc kỳ nên gọi như thế, và chúng tôi đồng loạt hè nhau gọi Bố Me mà tôi thật sự không nhớ từ lúc nào. Về sau cả xóm nhà cư xá cảnh sát cũng thi nhau gọi Ba chúng nó là Bố, có lẽ vì thấy ngồ ngộ, vui vui.
     Tôi là đứa con gái thứ bảy trong gia đình. Me tôi vẫn thường nhắc tôi sinh thiếu tháng nên có hơi èo uột. Mỗi ngày trước khi đi làm, Bố dùng khăn bông ủ trong lòng cho ấm rồi quấn quanh tôi, hy vọng hơi ấm của Bố sẽ giúp tôi ngủ ngon, hay ăn, chóng lớn. Tôi vẫn hay vênh váo với các anh vì tin rằng Bố cưng mình đặc biệt hơn, nhất là Bố hay nửa đùa nửa thật “mấy đứa con trai ồn ào, phá phách không chịu nỗi”. Các anh chị tôi ngoài tên trong khai sinh, còn thêm tên ở nhà Minh, Vân, Hải, Bình, Luận...tới phiên tôi chắc Bố mẹ hơi... nhàm nên kêu là bé Bảy cho tiện việc sổ sách. Sau đó gia đình tôi có thêm bé Tám, Bé Chín rồi …bé Chót, hy vọng tới đây là vãn tuồng. Không ngờ bé Chót đến giờ… chót phải đổi tên bé Mười vì bé Út ra đời. Càng gây cấn hơn khi Út ít trong vòng chỉ hai năm thôi phải biến thành Út lớn vì Út nhỏ không hẹn mà góp mặt. Chưa hết, sau đó Me tôi sinh thêm một “chung nữ”, cuối cùng đành trở lại kêu tên bé Hồng chắc vì không còn “nick” nào thích hợp cho cái sự thôi, nữa, phân vân của Bố Me. Tới bây giờ cho dù cả bọn chúng tôi cũng hơi…trọng tuổi rồi, gia đình vẫn kêu chúng tôi y chang như thế. Riêng Bố lại đặc biệt gọi trại bé Bảy thành bé Buổi, đám con nít lối xóm tha hồ cười nắc nẻ mỗi lần nghe Bố kêu tên tôi, rồi không biết tự khi nào chúng nó xúm nhau “ bé Buổi ơi, bé Buổi hỡi” tới nỗi khi vào học trường Hoàng Diệu cũng có đứa chơi xấu khai tên đó ra cho các bạn cười chơi. Có lần được nghỉ giữa giờ vì thầy đau bệnh sao đó, chúng tôi lang thang ngoài chợ, Bố trông thấy tôi trước nên kêu "Bé Buổi", tôi mắc cở với đám bạn cười khúc khích sau lưng nên chống tay lên hông ngúng nguẩy " Con ra đường tên là TH lận, chứ đâu phải tên đó đâu mà bố gọi kỳ vậy".
     Mỗi năm vào mùa tựu trường, không phải là Me sắm sửa cho tôi từng chiếc áo dài tơ, đôi giày săng đan quai trắng mà chính là Bố. Thậm chí đến cái cặp da thật đẹp, lúc ấy mỗi buổi đi về tôi ôm cặp trước ngực, ngầm hãnh diện với đám bạn gái đang xuýt soa, nhưng rất tiếc tôi chưa cảm nhận được sự ấm áp của tình cha con, bây giờ nghĩ lại mới thấy tình yêu của Bố giành cho mình vô bờ bến tuy rằng tôi không hề nhớ Bố Mẹ đã từng lần nào nói câu " thương con quá" như tôi vẫn lập đi lập lại hằng ngày với các con mình bây giờ.
     Bạn tôi gần đây viết cho tôi khoe con gái nhỏ của anh đeo theo anh, ngủ với anh thường hơn với mẹ cháu, làm tôi nhớ lại hồi khoảng bốn năm tuổi tôi cũng thích ngủ với Bố. Bố tôi đi nhậu sau giờ làm việc buổi chiều nên hay về trễ, mà Bố ngủ ở nhà sau tối om. Tôi vốn sợ ma nhưng đêm nào cũng xâm mình ngủ trước chờ Bố. Tôi nổi tiếng ngủ xấu tính vì chòi đạp lung tung. Sáng ra thế nào Bố tôi cũng cằn nhằn “ngủ không được vì con bé nhụi chân vô người suốt đêm”.
     Mỗi kỳ lãnh lương của bố là niềm vui to lớn của bọn tôi. Ngày chúa nhật đó chúng tôi được ra chợ ăn bánh bao, xíu mại, uống sinh tố mít, sinh tố mảng cầu và tranh nhau xin nếm thử ly xây chừng đắng nghét của Bố. Nếu lỡ như hôm đó có đứa nào răng sâu cần tới bàn tay của mấy chú nha công ở Đường giữa chăm sóc thì nhất định sau đó chúng tôi sẽ mắt mũi choàm ngoàm vừa thút thít khóc vừa chỉ tay vòi vĩnh cho mình đôi dép nhựa có đính con bướm hồng, cái băng đô màu xanh lơ và chai sơn móng tay đỏ chói trong tiệm Hồng Hương đối diện mà Bố lúc nào cũng chìu đám con gái nhỏ, bỏ mặc lời phản đối của các anh chị lớn cho rằng “Bố cưng tụi nó quá”…
      Bố tôi đặc biệt thích tự tay cắt tóc cho đám con gái. Có khó gì đâu, chỉ với cây kéo và chiếc lược nhỏ, một buổi trưa hè nào đó, Bố dụ khị “cắt tóc ngắn cho mát” và bắt chúng tôi xếp hàng rồi từng đứa, từng đứa …ông miệt mài, chăm chỉ cắt, tỉa. Bum bê là kiểu duy nhất Bố tôi sẽ lần lượt “đản” cho bầy con gái nhỏ, chị Ba của tôi lớn hơn bọn tôi nhiều nên ưu tiên miễn dịch, được vào tiệm Tân tiến Hồng Sơn phi dê đàng hoàng. Vì chờ tới phiên mình hơi lâu nên khi ngồi cho Bố cắt, bọn tôi buồn ngủ gục lên gục xuống, kết quả là sau ót bị hót lên y chang kiểu tóc thời trang bây giờ mà tôi mới đổi. Tiếc rằng lúc ấy không phùng thời nên các thiếm, các chị hàng xóm cứ cười không khách sáo mỗi lần nhìn tụi tôi chơi đùa trong sân với mái tóc “bum bê đờ miễng dùa”. Sau màn cắt tóc thường thì Bố tôi lỗ to vì phải móc túi phát tiền “thền” cho bọn tôi đang bắt đầu khóc nhè vì ngồi lâu tê cẳng gần chết, vì cắt tóc hổng dui gì hết, vì Bố xí gạt, cắt tóc rồi mà đâu có mát gì đâu à.
      Nhớ có lần tôi mê chơi nhà chòi dang nắng suốt buổi trưa rồi bị cảm nên đầu hâm hấp nóng. Tôi ngủ vùi bỏ cơm chiều, Bố đi làm về lât đật trở tôi dậy để đánh gió. Tôi ngang ngạnh viện cớ “không thích mùi dầu cù là” làm trận làm thượng với Bố, khóc lóc để Bố năn nĩ, dỗ dành mãi mới thôi.
     Vào cái tuổi bắt đầu nhận biết sắc diện mọi người chung quanh, tôi thấy Bố tôi rất hiền lành, ít nói, đẹp người, lúc nào quần áo cũng thẳng nếp, tinh tươm. Bố tôi làm việc ngành Cảnh Sát, ban Tư Pháp, chuyên ngồi văn phòng nên mọi người hay gọi là Thầy N. Bureau. Mỗi ngày Bố đi làm với chiếc xe đạp cọc cạch, buổi trưa về nhà ăn cơm, lúc nào cũng dừng ngang đề pô mua một cục nước đá mang về để tăng thêm hương vị cho ly bia mát lạnh của Bố. Có Bố "hậu thuẩn" nhiều khi cũng có lợi, vì mỗi lần có tên bạn trai nào bị xét giữ giấy tờ, Bố đem về cho con gái gửi lại bạn...lấy le. Khi đám con gái chúng tôi tới tuổi làm thẻ căn cước, các chú bác trong ty Cảnh Sát biết mặt tôi nên ưu tiên cho chúng tôi vào trước và đặc biệt không lấy tiền lệ phí. Thế là cả bọn có tiền kéo nhau ra đầu cầu Boong chỗ bến xe đi Bãi Xàu có xe nước đá đậu đỏ bánh lọt, sau khi chè chén phủ phê, có đứa kinh hãi phát giác dưới đáy ly nước mảng cầu sót lại vài con...giòi, cả bọn xanh mặt ghê sợ nhưng rồi tuổi học trò ngây thơ hiền lành đâu biết làm gì chỉ xúm nhau cười ngoặc ngoẻo và đặt tên quán là Voi đen, nói trại của gioi huyền (giòi) ... Sau đó chúng tôi vẫn tới lui quán như chưa hề có chuyện gì xảy ra, có con nhỏ bạn mê uống sinh tố mãng cầu đến nổi tụi tôi gọi nó là ..Ha đen, nó cũng chịu và chết tên tới bây giờ.
     Tôi có mặt trong đoàn Du Ca của trường Hoàng Diệu, khi đi sinh hoạt thường phải mặc đồng phục. Ngang qua tiệm sửa xe có mấy anh chàng táo tợn trước tán tĩnh không được vẻ mặt khó đăm đăm của tôi, sau sinh sự nói lái thật to hai tiếng Du ca, con bé tái tê về nhà khóc lóc ầm ĩ, Bố lại phải ra mặt kêu ông chủ tiệm sửa xe “ nói đệ tử của anh đừng chọc con gái tôi”. Ngày kế tiếp, con bé đi ngang trong bụng đánh lô tô chuẩn bị tinh thần đề cao cảnh giác, nhưng không hiểu sao “bọn trời đánh” chỉ đưa mắt nhìn bổn cô nương và…im thin thít. Tôi còn tưởng bở bọn nó ngán mình rồi, hóa ra…
    Mỗi lần đi nhậu về hơi sứa, Bố thường nằm trên võng nghêu ngao. Bài hát duy nhất Bố tôi thuộc làu là...bài Quốc ca, ngày nào Bố cũng hát Quốc ca, có lần Bố thử hát bài Việt nam, và chị tôi nổi tiếng hát hay nhất nhà với biệt hiệu Bà Bầu lãnh nhiệm vụ nhắc tuồng, vừa lời hát vừa nhịp điệu lên cao hay xuống thấp. Tôi nghĩ, chắc tôi thừa hưởng di sản ca hát từ Bố nên tôi cũng ca dở không kém Bố là mấy, chỉ có điều tôi thuộc rất nhiều nhạc, thế thôi.
     Bố không thích các con cãi nhau, mỗi khi đám xây lố cố tụi tôi đánh lộn hay rầy rà, nạnh hẹ, Bố chỉ nhẹ nhàng khuyên "khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau". Mười hai đứa con, nhưng chưa một lần dùng roi vọt để đánh. Cũng là tôi có lần lầm lỗi nên bị Bố bắt cúi dài, Bố dùng…khăn tắm thay roi phát khe khẽ vào mông tôi để răn đe và sau cùng thì “thôi tha cho con lần này lỡ dại”. Tôi lỳ lợm nằm dài, không chịu ngồi dậy, còn “thách thức” Bố “Bố bắt con cúi thì phải đánh”. May cho tôi, nếu là Me tôi thì chắc chắn tôi bỏ mạng sa trường hôm đó rồi. Bố nổi tiếng trong xóm là người cha duy nhất chỉ dùng lời khuyên lơn hiền từ và những bài thơ ngụ ngôn của La Fontain để dạy con. Tôi học ở Bố điều này và cảm thấy rất hiệu quả cho chính bản thân mình và các con tôi.
     Thời cuộc đổi thay, như bao nhiêu người quân nhân, công chức cùng chung số phận hẩm hiu, Bố tôi cũng đi cải tạo hết gần bốn năm. Thời gian đó, gia đình tôi nương nhờ Bà Ngoại và Cậu Dì. Me tôi tưởng như đột quị vì mất con, xa chồng. Anh Tư và Anh Năm tôi chết trận ở tuổi mười tám, hai mươi. Anh Hai tôi là Trung Úy Không Quân biệt tăm biệt tích sau dạo đổi đời. Ngày Bố tôi về, Bố trông thật hom hem không giống gì với hình ảnh cũ, nhưng cả họ vui mừng hỉ hả. Đứa em họ năm tuổi của tôi cứ trố mắt nhìn Bố tôi chăm chăm trong lúc ông đang cao hứng kể lại cuộc sống lao lung, mãi rồi nó mới trề môi phát biểu một câu làm cho cả nhà bật ngửa “Dượng Hai xấu hoắc chứ đâu có đẹp gì đâu mà sao ai cũng nhắc hoài”. Khi Bố tôi đi tù, em họ tôi mới chừng hơn một tuổi, bọn tôi thì ngày nào cũng nhắc Bố vì thương nhớ và hoài niệm thời vàng son cũ. Thậm chí, có lần Bé Hồng, đứa em út tội nghiệp của tôi than rằng “Thấy nhà con Huệ ăn hột vịt muối mà em nhớ Bố muốn chảy nước mắt”…Bọn tôi vừa cười đứa em khờ vừa chảy nước mắt thật vì hoàn cảnh khốn khó lúc đó.
     Tôi lấy chồng và ra đi. Ngày rời VN, tình cờ Bố cũng có mặt tại Sài gòn để tôi khoanh tay cúi đầu “thưa Bố, con đi” rồi lầm lũi bước theo Cậu tôi ra Bà Rịa xuống tàu. Lúc ấy, tôi cứ nghĩ chưa chắc gì đi được nên không có cảm giác sinh ly tử biệt cho mãi tận khi xa khơi, được tàu Anh vớt, tôi mới oằn mình khóc ngất vì biết từ nay sẽ vĩnh viễn không còn nhìn thấy cha mẹ, quê hương cùng gia đình thân yêu.
     Rồi tin nhà đưa sang, Bố bệnh nặng phải vào điều trị hẳn trong nhà thương, một thời gian sau bác sĩ chê nên Bố về nhà Cậu Mợ tôi để anh chị em tôi thay phiên nhau chăm sóc. Thư Bố viết tôi có thể nhìn thấy hàng chữ đẹp, rắn rỏi ngày nào nay có phần xiên xiên. Bố khen con trai tôi nói chuyện rất dễ thương và mong sẽ có cơ hội gặp được cháu ngoại sớm hơn. Tôi không dám nói ra nhưng trong lòng đã nguyện cầu Đức Quán Thế Âm cho tôi xin mười năm giảm thọ để đánh đổi Bố tôi được khỏe mạnh đến ngày sang đoàn tụ. Nhưng lời khấn nguyện chân thành tự trong đáy lòng đó không bao giờ thành tựu vì Bố mất sau ngày gia đình tôi có giấy tờ chính thức ra đi. Tôi tự trách mình không phải là đứa con ngoan nên không động lòng Trời Phật, lúc còn bé tôi nganh ngạnh, bướng bĩnh vì ỷ lại vào sự cưng chiều của Bố, có biết đâu rằng mấy đứa lối xóm thèm khát được Ba chúng nó đặt tên thân yêu (cho dù chỉ là cái tên vô nghĩa và…xấu ỉn), có biết đâu rằng tình yêu con cái của Bố trải đều cho tất cả anh chị em tôi chứ đâu riêng gì cho tôi. Dĩ nhiên đám tang Bố tôi không có mặt nhưng nỗi đau đớn, mất mát này suốt đời tôi không bao giờ nguôi. Khi tôi thật sự biết ơn Trời Phật đã ban cho tôi một người cha tuyệt vời thì quá muộn cho tôi có cơ hội nhõng nhẽo với Bố tôi rằng “mãi mãi con muốn mình là Bé Buổi của Bố… Bố ơi!”

    
ĐỌC THÊM
                                                             Trở về Trang chủ

  LỊCH SỬ VIỆT NAM 1. Thời kì nguyên sử ( 2879 – 111   CN • Năm 2819 trc CN : người Việt cổ hình thành (lấy tTtên Bách Việt) • Chiến t...