HÌNH TƯỢNG CON MÈO TRONG
TRANH TẾT ĐÔNG HỒ
1.
Con Mèo trong tâm thức dân gian người Việt Nam
Việt Nam vốn thuộc nền văn minh lúa nước nên con mèo có thể là một trong những loài vật đã được thuần hóa từ rất sớm. Do đó trong tâm thức dân gian của người Việt Nam, mèo là con vật rất thân thuộc và gần gũi vì là một loài vật ăn thịt nhưng có ích: nó diệt chuột phá hoại mùa màng, bảo vệ thành quả lao động của con người nên được con người yêu quý. Vì thế, hình ảnh con mèo đã đi vào đi vào văn hóa nghệ thuật với những câu ca dao, tục ngữ như Chó treo, mèo đậy, Mèo mù vớ cá rán, Mèo khen mèo dài đuôi, Nam thực như hổ, nữ thực như miêu,Con mèo trèo lên cây cau, hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà….. Đặc biệt, qua những bức tranh khắc gỗ, mèo còn được xuất hiện ở những nơi chốn tôn nghiêm như hình ảnh mẹ con nhà mèo quây quần được chạm nổi ở bia chùa Linh Quang- Hải Phòng; trong bức chạm khắc “Mèo ngoạm Cá” ở đình Đại Phùng xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng TP.Hà Nội hay bức “Mèo Ngoạm Cá” ở đình Bình Lục xã Hồng Phong,TX. Đông Triều tỉnh Quảng Ninh, hoặc bức chạm “Mèo vờn chuột” ở đình Mậu Duyệt xã Cẩm Hưng huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương. …đều đã phản ánh một nét tư duy trong tâm thức dân gian của người xưa về con vật gần gũi và hữu ích với con người.
Từ khi các dòng tranh dân gian ra đời ở Việt Nam thì hình ảnh
con mèo cũng được góp mặt vào văn hóa nghệ thuật. Trong tranh “Trạng chuột vinh
quy” của làng tranh Đông Hồ, người ta bắt gặp hình ảnh “Tiến sĩ chuột” vinh quy cưới vợ đang biếu quà cho lão mèo già đang
ngồi vễnh râu hiền lành, đưa tay ra nhận chút quà mọn trong tiếng trống, tiếng
kèn hay hình ảnh một “Đám cưới chuột” rình rang nhưng cũng không quên mang
chim, cá làm tí quà mọn biếu cho cụ mèo.
1.
Tranh dân gian Đông Hồ
Tranh dân gian là những tác phẩm nghệ thuật
bình dân được tạo nên bởi những người nghệ sĩ dân dã chỉ quen thuộc với những
công việc, nghề nghiệp của mình mỗi ngày. Mặc dù vậy, tranh dân gian lại đầy
những tính sáng tạo độc đáo khi miêu tả về cuộc sống cũng như những cảm nhận về
thế giới xung quanh. Do
tính chất lâu đời và phổ biến nên tranh dân gian có vị trí rất quan trọng trong kho tàng di
sản văn hóa -nghệ thuật của dân tộc Việt Nam.
Đến nay, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra được 12
dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam như Tranh Đông Hồ, Tranh Kim Hoàng,
Tranh Hàng Trống, Tranh Thập vật, Tranh làng Sình, Tranh Đồ thế Nam Bộ, Tranh
Kính Nam Bộ, Tranh Thờ miền núi, Tranh Gói vải…..[1]. Trong các dòng tranh này
có tranh dân gian Đông Hồ là loại tranh chơi Tết phổ biến của vùng châu thổ Bắc Bộ thuộc
dòng tranh in từ ván khắc gỗ là điển hình hơn cả. Tên đầy đủ dòng tranh dân
gian Đông Hồ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, là một dòng tranh dân gian Việt
Nam gắn bó và thể hiện sinh động xã hội nông nghiệp Việt cổ truyền với những
phong tục, tập quán, sinh hoạt của người dân Việt Nam xuất xứ từ làng Đông Hồ
(xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), ra đời từ khoảng thế kỉ 16 - 17
và phát triển cho đến nửa đầu thế kỉ 20 sau đó suy tàn dần. Đặc biệt tranh Tết
Đông Hồ có nhiều tranh với chủ đề tranh chúc tụng với các bức tranh “Em bé ôm
mèo”, “Em bé ôm phật thủ”, Tranh nhân nghĩa (“Em bé ôm cóc”), Tranh lễ trí (“Em
bé ôm rùa”), Tranh vinh hoa “Em bé ôm gà”, Tranh phú quý (“Em bé ôm vịt”)….
Về hình thức, tranh Đông Hồ được làm từ Giấy
điệp (vỏ con điệp trộn với hồ được làm từ bột gạo tẻ, gạo nếp hoặc bột sắn); màu
sắc đều có nguồn gốc tự nhiên nên tranh thường chỉ có 4 màu, người ta in từng
mảng màu theo thứ tự (mảng màu đỏ, xanh lá đậm, vàng và đỏ) trước, cuối cùng
mới in nét đen.Tranh được in màu lên giấy từ các bản khắc gỗ khác nhau, mỗi bản
khắc lên 1 màu tranh, cho nên đường nét trong tranh không quá rườm rà, kỹ lưỡng. Các tranh xưa thường
có chữ Hán cổ để minh họa nội dung, nhưng dần dần đã bị bỏ.
Ngoài vẻ đẹp về mặt mỹ thuật, nội dung tranh
Đông Hồ lấy đề tài từ các tích truyện, cảnh vật hay sinh hoạt… phản ánh đời
sống vật chất và tinh thần của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ một cách tinh tế,
qua đó thể hiện tình cảm, ước mơ của con người về một cuộc sống phồn vinh, hạnh
phúc, thanh bình thông qua các hình tượng người, vật trong tranh. Đặc biệt,
tranh Đông Hồ có nhiều tầng nấc ngữ nghĩa mà để giải mã chúng là công việc đầy
lý thú nhưng cũng khó khăn.Trước kia, tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp
Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại gở
bỏ, dùng tranh mới. Nhân dịp năm Quý Mão, năm mà con Mèo là bản mệnh của một
năm theo quan niệm của hệ thống âm lịch, chúng ta cùng tìm hiểu hình tượng của
con Mèo trong di sản tranh Tết Đông Hồ.
1.
Con mèo trong tranh dân
gian Đông Hồ
Chủ đề trong tranh dân gian Đông Hồ phản ánh
hầu như tất cả những gì diễn ra trong đời sống bình dị của người lao động như “Chăn
trâu thổi sáo”, “Hứng dừa”, “Đấu vật”…
cho tới những ước mơ, khát vọng cuộc sống tốt đẹp hơn như “Vinh hoa”, “Phú quý”,
“Lợn đàn”, “Gà đàn”, … nhưng tranh
dân gian Đông Hồ không chỉ đề cập đến cuộc sống mà còn có nét hấp dẫn khi đề cập đến các vấn đề của xã hội như “Đám
cưới chuột”, “Trạng chuột vinh quy”… với
cái nhìn hóm hỉnh mà sâu sắc thông qua hình tượng những con vật gần gủi trong
đời sống như Chuột, Mèo trong đó đặc
biệt là sự xuất hiện của con mèo cùng với đàn chuột trong 2 bức tranh nỗi tiếng là “Đám cưới chuột” và “Trạng chuột
vinh quy”.
Đây là hai bức tranh
tuy
cùng tái hiện đám rước chuột, thoạt nhìn qua có vẻ giống nhau nên
xưa nay
khá nhiều người nhầm lẫn, cho rằng đó chỉ là hai tên gọi của cùng một bức tranh
dân gian Đông Hồ nhưng nếu đặt cạnh nhau và quan sát kỹ thì ta mới cảm nhận
được sự khác biệt giữa chúng nhất là về mặt ý nghĩa bởi hình ảnh minh họa, chữ
viết được phản ánh trên tranh gợi nên hai nội dung
hoàn toàn không giống nhau về ngày vu quy và ngày vinh quy.
Trước nay, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ở “Đám cưới chuột”,
bức tranh mô tả một đám cưới xưa khá khá long trọng với đủ cờ, quạt,
kèn, trống và các loại lễ vật nhưng đây lại là đám cưới của nàng chuột và chàng chuột - những “nhân vật” đại diện cho tầng lớp bình dân nhất
trong xã hội. Bức tranh có thể chia làm hai tuyến: Tuyến trước (gần) là là hai
nhân vật chính: chàng rễ chuột đội
mũ, cưỡi ngựa hồng đi trước còn nàng dâu
chuột ngồi kiệu theo sau giữa không khí tưng bừng của đoàn rước và
đông đảo họ hàng nhà chuột lũ
lượt theo hầu hạ, đón rước. Tuy nhiên, chàng
rễ chuột và nàng dâu chuột cùng quân sĩ theo hầu có dáng vẻ sợ hãi, thấp
thỏm, ngó trước, nhìn sau bởi đám rước đi trên con
đường ngoằn nghoèo như báo trước tình cảnh khó khăn. Và đúng như thế, tuyến sau
(xa) cho thấy việc này đã được lường trước
và họ
nhà chuột đã cử “phái đoàn” đi “lót
tay” cho lão mèo già, đang khúm núm cống nạp những phẩm vật khoái khẩu của họ
nhà mèo như: chim câu, cá chép…; còn ở góc trên bức tranh, là
Lão mèo già (nhân vật trung tâm được
các tác giả dân gian tập trung khắc họa, tạo sự chú ý tập trung của người xem) tỏ
ra rất quyền uy đang giơ chân, phồng má, trợn mắt, gương râu, múa vuốt ra uy
doạ dẫm, đón chặn. Ngoài ra, còn có những
chữ Hán làm rõ thêm nội dung bức tranh: miêu (mèo), tống lễ (lễ biếu), tác nhạc
(tấu nhạc), lão thử thủ thân (chuột già giữ mình), chủ hôn, nghênh hôn…[1]
Còn ở bức tranh Trạng
chuột vinh quy lại diễn tả một “đám rước chuột” vinh quy, cũng tưng bừng, rộn
rã với đông đảo họ hàng nhà chuột nhưng không có đường phân cách giữa tranh. Và phẩm
vật “cống nạp” cho lão mèo già chỉ còn con cá chép mà không con chim câu nhưng lại có thêm tên
chuột lính mở đường giương lá cờ mang chữ Vinh quy. Ở đây cho thấy, cùng một
cũng cách cống nạp ấy nhưng lại chứa một thông điệp khác: Cho dù có được vinh
danh, mũ cao áo rộng ở đâu, thì cũng phải
“cống nạp” theo
“ đất lề quê thói” khi đã về tới quê hương bản quán.
Theo cách giải thích này thì hai bức tranh có ý tưởng sâu xa mang tính châm biếm nhằm đả kích sâu cay, tố
cáo tệ nạn nhũng nhiễu, hối lộ, ăn của đút lót của bọn quan lại phong kiến
thống trị mà con mèo là đại diện cho thế lực quan lại, thống trị còn những chú
chuột thuộc tầng lớp hạ đẳng bị cai trị, áp bức, bần cùng. Chính vì thế cho nên
cả đời nhà chuột từ lúc sinh ra cho đến lúc“cưới vợ” và cả khi học hành đỗ đạt, “vinh quy bái tổ” thì
phải thường xuyên sống nhẫn nhục trong sự lo âu dưới nanh vuốt của loài mèo
luôn rình rập! Điều này, dễ tạo được lòng thương cảm của người xem, xót xa cho
thân phận của những chú chuột khi xem qua bức tranh.
Một tác phẩm nghệ thuật, người xem có quyền suy diễn, có quyền phán đoán khác nhau và nếu xem xét từ góc độ xuất xứ, một số tranh Đông Hồ được gọi là tranh Tết, thì chắc hẳn khi sáng tác, các nghệ nhân dân gian cũng chỉ muốn khắc họa khung cảnh trong tranh với những điều tốt lành nhằm tạo không khí vui tươi cho ngày Tết chứ chẳng hề nghĩ đến những chuyện sâu xa để thêm phiền lòng. Và, nếu quả là như vậy thì có thể giải thích về bức tranh “Đám cưới chuột” một cách khác đi cho hợp với phong tục ngày Tết để từ đó, người xem liên tưởng đến bầu không khí rộn ràng của một đám rước dâu vui vẻ, tưng bừng với cờ lộng, trống kèn và sính lễ là những lễ vật đặc trưng, còn chú mèo ngồi ở góc trên bên phải bức tranh có thể xem là người đại diện đón nhận lễ hay là nhân vật để chứng giám cuộc hôn nhân của chuột với ý nghĩa là mang đến điềm lành tới bởi tranh không cho thấy chi tiết nào mang hàm ý hách dịch, hạnh họe hung dữ của mèo như nhiều người trước nay từng nghĩ. Bức tranh này gợi lại khung cảnh đám cưới rực rỡ, nhộn nhịp khiến người ta nhớ lại những ngày tháng xưa kia khi việc cưới không còn chỉ là việc riêng của một cá nhân, một gia đình mà nó còn là công việc trọng đại của một xóm làng, một xã hội thu nhỏ và suy rộng ra ý nghĩa của những bức tranh này là một câu chuyện lan tỏa niềm vui trong mùa Tết: một đám cưới tưng bừng, một lễ rước vinh quy cho thấy sự hạnh phúc tràn trề, về sự đầm ấm hạnh phúc của chú rễ chuột, tiến sĩ chuột một còn con mèo an yên về sự no đủ với cống lễ là cá, là chim
Theo GS. Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá dân gian Việt Nam, những bức tranh này thể hiện rất rõ tâm lý “dĩ hòa vi quý” của người Việt, muốn mọi người xung quanh ai cũng được no đủ, cùng hưởng niềm vui để cuộc sống của mình cũng được yên ổn. Hình ảnh mèo nhận lễ vật của chuột dâng tặng còn có ý nghĩa: tôi muốn tồn
tại thì anh cũng cần phải tồn tại và tôi hạnh phúc thì anh
cũng phải được hưởng niềm vui ấy.[1] Nhân
vật mèo ở đây cho thấy, dù chuột có thể “không đội trời chung” với mình, nhưng
vẫn tỏ vẻ hài lòng, tán đồng trong các ngày lễ
trọng đại của chuột: vu quy và vinh quy. Đây có thể xem như một bản thỏa
thuận ngầm về sự cộng sinh giữa hai mặt đối lập, mà ở đó đích đến cuối cùng là
sự cam kết cùng nhau tồn tại, cùng nhau phát triển.
Tuy nhiên cũng cần phải nói thêm rằng trong thực tiễn cuộc sống
thì “dĩ hòa vi quý” là sống hòa hợp, biết yêu thương, biết nhường nhịn nhưng
không có nghĩa là thờ ơ, cả nể, không dám nêu lên quan điểm cá nhân, sợ mất
lòng người khác mà trở thành người ba phải, không có chính kiến.
Từ đó có thể thấy, ngoài phản ánh nét văn hóa dân tộc thì qua các bức tranh Đông Hồ nói chung và hình ảnh con mèo trong hai bức tranh “Đám cưới chuột” và “Trạng chuột vinh quy” cũng nên nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, hướng mọi người đến sự cộng sinh cùng nhau phát triển để giúp mọi người có cách xử lý tình huống và mâu thuẫn trong cuộc sống một cách có lý, có tình như hình tượng Mèo – Chuột trong tranh
Để cầu mong cho một năm Quý Mão an vui, thiết nghĩ không có gì ý nghĩa hơn là cùng thưởng lãm “Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”[1] của tranh Đông Hồ qua hai bức tranh đơn giản mà ý nghĩa nhất là “Em bé ôm Mèo” với mong muốn các bé ngoan ngoãn nhanh nhẹn, thông minh và mưu trí như Mèo và nhà nhà tràn đầy hạnh phúc, may mắn, giàu sang như bức tranh Phú Quý “ Em bé ôm vịt”./
Lâm Thanh Sơn
( Bài đăng trên Đồng Tháp-Xưa &Nay Tập 78 X
NGUỒN THAM KHẢO
[1] http://nghethuatxua.com/tu-buc-cham-go-xua-meo-ngoam-ca-toi-vai-net-ve-dieu-khac-co-viet-nam/
[1] https://www.elledecoration.vn/cultural-special/heritage/cham-linh-thu-trong-dinh-lang-viet
_________________________________________________________________________
_________________________________________________________________________
[1] https://giaoduc.net.vn/su-nham-lan-giua-2-buc-tranh-chuot-post206483.gd
_________________________________________________________________________
[1] Nguồn: https://giaoduc.net.vn/su-nham-lan-giua-2-buc-tranh-chuot-post206483.gd
_________________________________________________________________________
[1] http://bacninh.com/xem-san-pham/28102/tranh-em-be-om-meo-.html
[1] Trích từ bài thơ “Bên kia sông Đuống”
của Hoàng Cầm.
__________________________
TẢN MẠN SÓC TRĂNG
______________________________
Lý Hoàng Minh
Còn những con đường, những dòng sông thì ta mang trả cho ai và gửi về đâu?
Khi có tuổi người ta hay hoài cổ và thương nhớ một cái gì đó xa vời, nhịp sống hiện tại, từng ngày, từng ngày chuyển mình như vũ bão, nhưng sao chúng ta muốn giữ mãi một vài điều thuộc về xưa cũ, nó không ảnh hưởng gì, nhưng nhiều khi không còn có ích nữa, một tấm ảnh trắng đen nhạc nhòa, một lá thư, cánh thiệp úa vàng. Có thể một ngày đẹp trời nào đó mang đến trao lại cho chủ nhân của nó, để đó cũng chẳng sao, có thể một ngày chúng ta nhìn nó sẽ không còn cảm giác nữa. Đó là những thứ đồ vật, hiện hữu, ta có thể nhìn thấy, cầm nắm nâng niu, còn những kỉ niệm tồn tại trong trí nhớ của ta, trái tim ta, những con đường, những dòng sông thì ta mang trả cho ai và gửi về đâu?
Thật dong dài
khi bắt đầu muốn nói một điều gì đó, những con đường, những dòng sông
và còn nhiều thứ nữa quấn quít quanh đây. Những người từng sống ở Sóc Trăng là cả một khung trời kỉ niệm tuổi thơ êm đềm trôi qua với họ. Tôi đọc quyển sách của Cụ Vương Hồng Sển về một những con đường, phố chợ Sóc Trăng một thời xa xưa nghe là lạ, ấn tượng. Đó cũng là niềm xúc cảm, tôi hồi tưởng viết những dòng nầy, nhớ lại những con đường, nhớ những cây cầu mình từng đi qua, nhớ dòng sông tắm mát và nhớ những người quen biết xa xưa…
“Lúc ô tô chưa ra đời, thì con đường Đại Ngãi, khúc nối liền chợ Sóc Trăng ra chợ Văn Cơ ( Trường Khánh ) là đông người lai vãng và vui vẻ nhứt. Đường nầy thuở ấy đã được trải đá xanh bằng phẳng, hai bên đường trồng cây tràm lá xanh lơ thơ như liễu, mỗi cơn mưa tạnh hương hoa tràm tỏa ra thơm ngây ngất nhẹ nhàng, chiều chiều ông Tây bà đầm người nào thể thao thì tự cầm cương xe độc mã thùng bằng mây đan, người nào đài cát thì chểm chệ ngồi xe song mã, có phu xe cầm cương tróc roi nạt đường”.
Đoạn mô tả trên của Cụ Vương Hồng Sển có thể vào những năm 1920 – 1930, đúng là một con đường dành cho giới quý tộc một thời xa xưa. Thời chúng tôi con đường nầy rợp bóng mát, hai bên là tre
trúc, ít xe qua lại, thanh vắng, dân cư thưa thớt, khu vực nầy có một thời được gọi là làng Nhâm Lăng.
Những ngày đi
học, có tiết nào Cô Thầy vắng thì cả bọn rũ nhau lang thang trên đoạn đường nầy, không đi xe đạp, xe máy hoặc đi xe ngựa như thời xa xưa, chúng tôi đi bộ vòng quanh các ngỏ vào trong xóm, ôi! toàn là
tre trúc rợp mát cả lối đi. Thường chủ xướng các buổi đi chơi là các bạn nữ và cũng chắc có lẻ là các bạn nữ mới có đủ văn vẻ đặt tên cho con đường nầy là “ Con đường Thanh Trúc”, nghe sao
thanh tao mà nên thơ quá. Con
đường nầy ghi nhận biết bao nhiêu cuộc tình học trò ngây ngô dễ thương, có người mang con đường nầy qua tận xứ Mỹ để mà ngồi nhắc nhớ, thông thường chỉ người trong cuộc, mới hiểu con đường nầy là con đường nào.
Sóc Trăng một thời tên gọi là Khánh Hưng thuộc Ba Xuyên, giai đoạn lịch sử bắt đầu thời đó có tên gọi là nền đệ nhất cộng hòa, lúc bấy giờ chính quyền sở tại bắt tay vào kiến thiết tỉnh lỵ, trong những công trình cần thiết có khu thư giản dạo mát cho công chức và nhân dân, từ đó khuôn viên Hồ Nước Ngọt được xây dựng. Tuy nhiên có giai thoại kể lại, vào năm 1959 ông Hoàng Mạnh Thường, tỉnh trưởng Ba Xuyên bấy giờ là một người Thừa Thiên. Xa quê hương, ở Sóc Trăng nhưng tâm hồn lúc nào cũng gởi về xứ Huế. Từ đó, nên ông đã cho xây hồ Tịnh Tâm theo nguyên mẫu hồ Tịnh Tâm trong Đại nội, Huế. Hồ được xây trên khoảng đất ruộng trống, diện tích hồ chừng hai hecta, đào theo đường cong chữ S mô phỏng theo bản đồ Việt Nam, phía Bắc ( ải Nam quan ) quay phía chợ Bông Sen, phía Nam ( mũi Cà Mau ) quay ra hướng ruộng, hồ khởi công đào bằng sức người, cuối năm 1960 thì hoàn thành, con đường rộng đi vòng theo bờ hồ chừng 400m, hai bên là hàng hai dương, có các ghế đá để ngồi hóng mát, giữa hồ là ngôi nhà thủy tạ có cây cầu bắt qua tạo khung cảnh rất thơ mộng. Mặc dầu có tên là Hồ Tịnh Tâm nhưng người dân địa phương đa số gọi tên là Hồ Nước Ngọt. Về vấn đề nầy các bậc cao niên kể lại, thuở xa xưa người dân tại Sóc Trăng muốn có nước ngọt phải dùng ghe chài chở nước từ Đại Ngãi mang về mà dùng. Bởi vậy có câu thơ xưa người ta ngâm nga:
“Đất Sóc
Trăng quê mùa nước mặn
Tôi ra Vàm Tấn chở nước về xài”
( Vàm Tấn tên gọi Đại Ngãi thuở xưa ). Thời thập niên 60 vấn đề cung cấp nước ngọt cho người dân
toàn tỉnh lỵ là cần thiết, do đó ngoài chức năng là nơi vui chơi thư giản, Hồ Tịnh Tâm còn là hồ chứa nước ngọt thông qua một kênh đào dẫn nước ngọt từ Kế Sách về, từ hồ nước ngọt nước được bơm lên dự trữ ở hai hồ lớn của Nha cấp thủy. Sau khi lắng lọc làm sạch nước được cung cấp thông qua đường ống dẫn đến nhân dân để xài. Bởi vậy người dân Sóc Trăng quen gọi là Hồ Nước Ngọt cũng chính là nguyên nhân
nầy.
Đối diện hồ Tịnh Tâm là Trường tiểu học Tịnh tâm, bên cạnh đường là bến xe Cần Thơ, từ bến xe Cần Thơ có con đường đi lên Cầu Thiên Hộ qua khu vực chợ Sóc Trăng và một con đường đến chùa Khleng, tại đây tạo thành một ngã ba, từ dân gian thời đó gọi là "ngã ba ống quần". Câu Thiên Hộ là cây cầu làm bằng sắt lót gỗ có độ dốc cao để thuyền bè lớn đi ngang
không bị cản trở. Xe đi ngang cầu được điều khiển bởi một người gác bằng tấm bảng xoay qua xoay lại ở giữa cầu. Trước năm 1965 các xe đò Coach,
xe tải còn qua
lại cầu nầy được, thời gian các song gỗ hư không được thay thế hay tu bổ, xe qua lại rất nguy hiểm, nên sau này chỉ có xe gắn máy, xe đạp và người đi bộ qua lại cây cầu nầy. Đứng giữa cầu nhìn xuống nước cảm thấy run chân vì cầu quá cao. Hồi thời tôi còn nhỏ đã nghe trong giới học sinh đàn anh đàn chị nói đi nói lại hai câu thơ, ý nghĩa mượn độ cao của cầu Thiên hộ để nói lên nét mỹ miều dễ thương của con gái Ba Xuyên
Cầu nào cao bằng cầu Thiên hộ
Gái nào ngộ bằng gái Ba Xuyên
Sau nầy các bạn tôi ( học sinh Hoàng Diệu ) ứng dụng hai câu thơ nầy tùm lum, nhiều nơi qua các trường khác, đôi
lúc cũng bị các cô phản phé lại,ví dụ như:
Trai nào điên bằng trai Hoàng Diệu
Gái nào điệu bằng gái Ba Xuyên
Do cầu bị hư hỏng trầm trọng, vào cuối thập niên 80 sang 90, cầu dở bỏ hẳn và thay thế bằng một cầu bê tông thấp hơn nhiều, tên cầu Thiên hộ bị xóa sổ từ lúc nầy.
Đoạn xuyên qua thị xã là Cầu Quay, đoạn sông nầy người ta cũng thường gọi là sông Cầu Quay, câu thơ ca ngợi vẽ đẹp thời đó:
Cầu quay nước chảy lững lờ
Dưới sông cá lội trên bờ mỹ nhân
Hồi đó đi
theo các bậc đàn anh
lính tráng, tôi không tập được chất thanh tao tài tử mà tập được tính liều mạng. Cũng là kỷ niệm của con sông Cầu Quay, hôm đó một ngày đẹp trời bọn tôi không có đi học, ba đứa tôi,Thành và Trung ngồi quán cà phê cạnh bờ sông phía đầu Doi, bên kia sông phía nhà
máy Quách Sên là nhà cô bạn cùng lớp. Từ bên nầy sông nhìn qua bên kia, góc
nhìn rộng không
chướng ngại vật, thấy rất rõ, nhưng từ sáng đến giờ đã hai tiếng đồng hồ trôi qua, sao không thây cô
ta ra khỏi nhà. Cái
quán nầy mỗi sáng Chủ Nhật ba đứa luôn ngồi đây như chờ đợi điều gì nhiệm mầu, trời không phụ người hiền, thời may bên
kia sông một một tà áo tím xuất hiện với cái thau đồ đi về hướng cái cầu mé sông.”Cô ta ngồi giặt áo ở bờ sông”, nghe như giống cải lương nhưng mà chuyện có thiệt. Đây là khu vực nước đổ ra ngã ba sông, nên nước chảy siết rất nguy hiểm, không biết gì động lực nào tôi liều mạng nhảy xuống sông lội qua bên đó, nhưng còn do dự rũ thêm thằng Trung cho vửng tinh thần, nó chìu tôi, Thành thì ở trên bờ giữ đồ. Cũng ráng lắm muốn đứt hơi tôi và Trung mới lội qua tới bển, hai thằng cà chói dưới nước rối ngóc đầu lên gần cái thau, làm cho cô ta một phen la lên tá hỏa, tôi nói dưới nước anh yêu em, nhưng sợ quá tưởng là thủy quái chắc cô ta chẳng nghe được gì. Hôm sau vô lớp học, xấu hổ tôi cũng chẳng dám nhìn cô ta. Thời gian trôi qua đã lâu,
chúng tôi đều tóc bạc, thường gặp nhau, nhưng biết có ai nhắc nhớ chuyện cỏn con ấy làm gì, tôi ....ngày ấy bị cá mập cắn, chắc không còn ngồi đây để kể lể những dòng nầy.
Dòng sông "Cầu quay" xuyên qua tỉnh lỵ một hướng đi theo quốc lộ chảy về Ngã Bảy Phụng Hiệp, đầy là loại kênh đào thời Pháp thuộc, lấy tên
quan chủ tỉnh đặt cho sông gọi là sông Maspéro(tên gọi chỉ biêt qua các tài liệu lưu lại),thông
thường
người dân gọi là sông Cầu Quay có đoạn goi là kênh Xáng, thập niên 70 khi xây dựng lộ vành đai người ta xây cầu kênh Xáng, tại vị trí nầy sông Maspéro có một con lạch nhỏ đẫn đi về hướng Bố Thảo, thời đó gọi là kênh Dọng Thoàn. Hướng ngược lại sông Maspero qua hai
cây cầu, cầu Thiên hộ và Cầu Quay, sông chảy đến Đại Ngãi ra sông Hậu rồi đổ ra biển. Cây cầu quay làm bằng sắt cũng được gọi là Câu Quay, mỗi sáng quay sang một bên cho ghe tàu lớn đi qua. Năm 1967 - 1968
cầu bị hư hỏng nặng, sau đó được sửa chữa lại nhưng cố định luôn không còn quay được. Sau nầy giao thông đường bộ phát triển mạnh, cây cầu nầy được thay thế bằng cầu bê tông cho tới bây giờ với tên mới cầu C247
Tại vị trí nhá máy Quách Sên sông rẽ qua một nhánh sông dẫn về Bố Thảo, cây cầu đen của con lộ vành đai bắt qua sông nầy. Sở dĩ gọi cầu đen vì nó bằng sắt sơn màu đen có từ thập kỷ 40, 50, qua thập niên 80 cầu được làm lại bằng sắt lớn kiên cố hơn vị trí cách cầu đen cũ chừng 100m sơn màu xám, cầu đen cũ dỡ bỏ. Vào giai đoạn 1995 - 2000 song song việc tái thiết quốc lộ 1A cầu được xây bằng bê tông vững chắc bề thế đến bây giờ tên gọi là cầu Khánh Hưng. Dọc theo bờ sông phía bên trường Dục Anh là dãy nhà thủy tạ lúc nào cũng nhộn nhịp đông vui nhất là buổi chiều. Các nhà thủy tạ thời đó đa số là quán nhậu, quán ba số bảy trước bán ở nhà thủy tạ sông Cầu bon, bị dở bỏ nay cũng dời về đây. Ngồi trong các nhà thủy tạ nhìn xuống dòng sông, nước trôi lững lờ mang theo các mảng lục bình tản mạn, chiều chiều các cô gái áo lụa, tóc dài dạo mát trên bờ sông, khung cảnh thật đẹp, nên thơ Bởi vậy các tay nhậu thời đó đa số là các bậc thanh tao tài tử, uống vài cốc nhìn xuống dòng sông rồi nhìn lên bờ xuất khẩu thành thơ ngay.
Chuyện sông Cầu Quay của tôi chỉ thế thôi. Hôm nay ngồi lai rai với anh Hợp vài chai bia, anh huyên thuyên kể chuyện tuổi thơ tắm sông Cầu Bon, tôi hơi ngạc nhiên, vì lúc tôi biết nó đã quá cạn. Theo anh Hợp nói sông Cầu Bon ( Point ) là con sông dẫn từ thương cảng Bải Xàu về Sóc Trăng đến đầu Doi để ra sông cái, khi chưa đào con sông Câu Quay thì tại tỉnh lỵ Sóc Trăng đã có con sông Cầu Bon từ lâu rồi, có thể đây là một loại kênh đào nên nó cũng được lấy tên quan chủ tỉnh gọi là sông Delanoue, tên nầy cũng tồn tại qua các tài liệu lưu lại thời Pháp thuộc, người dân thường gọi là sông Cầu Bon, sau năm 1975 có một số tài liệu gọi là kênh Cô Bắc ( không biết ai đã đặt ra ). Những thập niên 50 dòng sông sâu nước chảy thông thương, nên anh Hợp nhảy xuống đó tắm là chuyện thường, sau này dòng sông hẹp, không sâu, con nước lớn tàu ghe ra vào thông thả nhưng nước ròng thường bị mắc cạn nhất là đoạn vào khu vực dãy vựa xuyên qua tỉnh lỵ. Dọc bờ sông, một bên là dãy vựa trái cây, đầu mối từ các vườn trái cây trong huyện, kế đến là hàng dừa thẳng tấp gần cuối đường là Trường dạy đánh máy Lý Anh tồn tại rất nhiều năm, dọc bờ sông có các nhà thủy tạ để ngồi hóng mát. Đối diện với các nhà thủy tạ bên kia sông là khu công viên có các cây dầu cao, có các băng đá để người ta ngồi hóng mát, hai bên lối đi có các cây hoa kiểng, lối đi không tráng xi măng hoặc lót nhựa, mà phủ bắng loại đất đá bazan màu đỏ, giữa khu công viên có cây cầu tuột dành cho trẻ em vui chơi, cạnh công viên là bưu điện trung tâm, trước bưu điện chúng ta sẽ gặp ngay tượng hai hình nằm trên một trụ bệ xi măng. Đây là tượng của hai người lính, một người lính Pháp, một người lính bản xứ, chân người lính đạp lên đầu con chim ó, tượng được đúc bằng gang, nguồn gốc có thể từ bên Pháp mang qua.Có thể nhiều người dân Sóc Trăng không biết cái tượng nầy vì nó được đóng khung sắt bao quanh kín hai người lính và trang trí bên ngoài bằng khẩu hiệu Tố quốc ghi công,có người gọi đó là đài chiến sĩ trận vong chứ không ai gọi là tượng hai hình. Như vậy tượng hai hình đã tồn tại ở đây rất nhiều năm, nhưng nhiều người không biết. Về chất liệu tượng làm bằng gang chứ không phải bằng đồng, vì sau năm 1975 chính quyền cách mạng đã san bằng vị trí nầy, phải nhờ đến cơ giới mới có thể kéo đi được. Tượng được kéo để sau công ty xây lắp cạnh trường Văn Hóa Nghệ Thuật, do chưa giao hẳn cơ quan nào quản lý, kẻ xấu dùng cưa và búa đập lấy đồng đi bán, tượng bị cưa mất cánh tay, đập bể đầu, xứt trán, không nguyên vẹn, nhưng khốn nổi tượng làm bằng gang nên kẻ xấu đã dừng tay, hiện nay người ta di chuyển tượng hai hình về viện bảo tàng của tỉnh
Giữa khu tòa
án và dinh tỉnh trưởng cách nhau một con đường, con đường nầy trồng nhiều cây phượng rợp bòng mát, về mùa hè phượng nở đỏ rợp một góc trời, trông lãng mạn lắm, cánh dân học sinh Hoàng Diệu thời chúng tôi đặt tên cho con đường nầy là”Con đường giao hạ”. Chắn hẳn ai là học sinh vào thời đó cũng có ít nhiều kỉ niệm về con đường nầy.Cuối con đường có một doanh trại quân đội gọi là trại Cổ Loa.
Dọc bờ sông đối diện dãy vựa là hàng dừa, khu vục nầy là bến xe cự ly gần như Sóc trăng đi Bải Xàu, Sóc Trăng đi Nhu gia,
Dù Tho.....gần bến xe là ty quan thuế. Bến xe ở đây có 2 loại xe, xe lam và xe du lịch nhiều nhất là loại xe Peugot 203 và
Traction. Gần nhà tôi ở, tôi có quen chị Ngân học trên tôi mấy lớp, chị đẹp người, tiếng nói rổn rãng, mạnh dạn, hay thu phục mấy đứa nhỏ như tôi làm đệ tử, nhà chị có chiếc xe Traction của ba chị chạy đường Sóc trăng Bải xàu, do quen với chị, tôi đi xe được ba chị không lấy tiền, xe ngồi rất êm. Xe đi qua Bải xàu bằng 2 tuyến, đường Phan Thanh Giản gọi là đường Bải Xàu trên, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm gọi là đường Bải Xàu dưới, đường Bải Xàu dưới rất xấu khoảng năm 1970 thì xe thôi chạy.
Con đường Trần Hưng Đạo thẳng Hai Bà Trưng đến Nguyễn Huỳnh Đức, sáng chiều đầu giờ vô học và cuối giờ tan học trải dài những tà áo trắng nữ sinh trông rất nên thơ đẹp mắt. Thập niên 60, 70 học sinh thường đi bộ, mặt dầu đoạn đường đến lớp có khí đến ba bốn cây số. Khu vực Hai Bà Trưng là khu buôn bán tập trung sầm uất, giới tài phiệt thời ấy có thể đề cập đến Cô Nam Mỹ, Cậu Mười Đởm là đầu đàn trong giới buôn bán vàng bạc; tại Khánh Hưng giới người Hoa buôn bán liên kết thành hội đoàn, bầu ra bang trưởng để điều hành tương trợ, khuếch trương kinh doanh, thời ấy người ta hay nói đến ông bang Vĩnh Xuyên có ảnh hưởng lớn ở thập niên 60, 70, ngành kinh
doanh lúa gạo người ta hay nhắc đến ông Hùynh Tấn Truyền ở Bải Xàu có ảnh hưởng cả khu vực miền tây..Một nhân vật nổi tiếng trong giới điền chủ của những thập niên 30,sau này vẫn còn dư âm gọi là dân giàu xưa, đó là bà phủ An, có căn nhà lớn như một tòa dinh thự, nằm gần nhà lồng chợ kế rạp hát Thuận Hóa. Sở dĩ gói bà phủ An vì bà là quả phụ Đốc phủ sứ Lê Văn An, ông phủ An mất sớm bà quán xuyến sự nghiệp trở thành người giàu nhất miền tây thời bấy giờ với hàng ngàn mẫu đất nằm bên bờ kinh xáng làng Hòa Tú
Con đường Trần Hưng Đạo chạy thẳng về hướng Bạc Liêu là bến xe Bạc Liêu rồi đến khu vực sân bay, dọc hai bên đường là khu hành chính công sở như tòa hành chính, ty quan thuế, nhà băng, ty điền địa, ty kiến thiết. …Đặc biệt trên con đường nầy có ngôi nhà hình tròn nhỏ xinh xắn là thư viện tồn tại rất nhiều năm, sau nầy đến thập niên 90 người ta mới dở bỏ và xây một thự viện mới.Phía sau thư viện có một doanh trại quân đội thời đó gọi là trại Cổ Loa.
Cũng
tại khu vực cuối đường Trần Hưng Đạo chỗ bến xe Bạc Liêu, tại đây có một ngã ba rẽ qua con đường đất nhỏ gọi là đường Cách mạng dẫn đến một dãy nhà thiếc gọi làng
phế binh .
Trên con đường Cách mạng tại vị trí cuối đường lộ 1 có một cái chợ nho nhỏ gọi là chợ Nhật Lệ, chợ này khoảng năm 1970 đã giải tán. Cũng tại vị trí cuối đường lộ 1 có một trường học tên Tiểu học Nhật Lệ. Sau năm 1975 đổi tên là Trưởng tiểu học phường 2, khoảng năm 2000 thì dời trường đi nơi khác sửa lại làm chợ phường 2.
Trên đoạn sông
ngoài Cầu Bon còn
có thêm 3 cây cầu nữa: Cầu Thuận Hóa đi từ lò bánh mì Nam Đô qua dãy vựa và rạp hát Thuận hóa, cầu bon nối liền đường Trần Hưng Đạo với Hai Bà Trưng, trước khi xây cầu Thuận Hóa đã có cây cầu đỏ gần đó đi qua dãy vựa thông với đường Hoàng Diệu, sau khi làm xong cầu Thuận Hóa người ta dở bỏ cây cầu đỏ. Cuối cùng là cầu giải phóng nối liền phố chợ qua xóm hành chánh. Những cây cầu nầy đều làm bằng sắt lót gỗ.
Như vậy dòng kênh
Cô Bắc chảy qua tỉnh lỵ có
4 cây cầu bắt ngang, khi xưa thông suốt từ Bải Xàu đổ ra đầu Doi, do càng
ngày dòng sông càng ô nhiểm, nhiều rác rến nước không lưu thông được, các nhà thủy tạ tồn tại không đẹp mắt gì, nên khoảng sau năm 1960 thì dở bỏ. Tuy dòng sông đã cạn đi nhiều nhưng vẫn còn một số ít ghe thuyền cố vào chuyển hàng buôn bán. Năm 1956
tỉnh lỵ bị một cơn bảo lớn, cây cối ngã đổ rất nhiều, chính quyền sở tại lợi dụng tình thế nầy quyết định không cho ghe tàu vào đây
nữa bằng cách bỏ nhiều gốc cây to xuống sông cầu Bon, vì thế nước nghẻn tắt không lưu thông, dòng sông càng ô
nhiểm. Đến năm 1969 thì đoạn sông Cầu Bon từ bến xe đến Cầu giải phóng được lắp hẳn và giải tán luôn ba cây cầu nầy, còn lại cuối cùng là cầu Thuận hóa, một thời gian sau nầy người ta cũng lắp thêm đoạn sông kế tiếp và giải tán nốt cây cầu nầy
Ngã qua cầu Thuận Hóa là ngã ba Nguyễn Du – Nguyễn Bĩnh Khiêm. Thuở nhỏ sống ở Sóc Trăng, con đường để lại trong tôi nhiều kỷ niệm nhất là con đường Nguyễn Bĩnh Khiêm hồi xưa gọi là Bải Xàu dưới, con đường có cô Vĩnh Trường ở ngôi nhà cổ, đáng kính đáng mến; con đường cùng đi học với Tài, Lực; con đường tôi quen cô bé H.Liên học sau tôi hai lớp, gặp nhau nhìn đỏ mặt; con đường có buổi hẹn hò đi chơi bằng xe đạp, cô bạn cùng lớp bị té để lại vết sẹo, tới giờ còn nghe xót trong lòng ,
con đường tôi
thân thiết chị Ngân, luôn mặc áo dài săn tay áo, có máu
anh chị; con đường tôi thân thiết chị Hạ thùy mị đoan trang. Con đường xưa giờ thay đổi rất nhiều, dấu vết cũ không còn, những người quen biền biệt nơi xa nào đó khó mà gặp. Có thể nói con đường nầy, người để lại trong tôi xúc
cảm nhất thời tuổi nhỏ là chị Hạ.
Nhà tôi ở cạnh nhà chị Hạ, cả nhà tôi bốn người, tôi và ba người anh bà con họ là anh Tín; anh Cáo; anh
Ngoan, ba người nầy lớn hơn tôi chừng năm sáu tuổi, họ đều là lính. Anh Tín là lính hải quân, anh Cáo là lính
không quân, anh Ngoan là lính bộ binh. Họ thường nói kích nhau về sắc lính, nhất là anh Tín luôn tự hào có nhiều cô gái thích vì anh luôn mặc đồ trắng sạch sẽ, anh Cáo thì sáng nào cũng
vậy nguyên bộ đồ quân phục ủi hồ bén ngót đi tới đi lui nhìn ra đường cười khoe cái răng vàng với mấy em học trò áo trắng sáng đi học. Anh Tín đơn vị đóng ở xa lâu lâu mới về nhà một lần, anh thường dẫn tôi đi ăn uống và giới thiệu mấy người bạn gái của anh, kế bên nhà tôi thường chơi thân với chị Hạ, quê ở Ngã Năm, tôi và chị học cùng trường Hoàng Diệu, trên tôi hai
lớp. Anh Tín
thích chị Hạ, hai nhà cách ngăn bằng vách lá, anh Tín khoét lổ chọc chị Hạ, chị giận lắm. Có lần anh Tín viết một bức thư kêu tôi mang qua nhà chị Hạ, vừa đưa chị không coi mà xé nát và cấm tôi nếu có thơ thì đừng qua đây. Anh Tín không buồn gì, mỗi lần anh về nhà hai ba ngày thì đi, tôi
không giúp cho anh Tín và chị Hạ quen nhau được, thời gian sau chiến tranh ác liệt, anh Tín đi biền biệt ít khi về nhà. Tôi suy nghĩ đơn giản chị Hạ xé thơ anh Tín có nghĩa là chị chỉ thích mình tôi. Mỗi ngày tôi và chị cùng đến trường, chị coi tôi như đứa em trai nhỏ, nhưng tôi thì không nghĩ vậy, mỗi lần chị huyên thuyên kể chuyện học hành, chuyện dưới quê, tôi không chăm chú lắm mà thẫn thờ nhìn khuôn mặt trái xoan, giọng nói dịu hiền và nụ cười thật phúc hậu của chị, hồi đó mới học đệ thất nhưng tôi đã có cái cảm giác kỳ lạ, rạo rực khi nhìn bộ ngực căng tròn của chị, có lần chị đứng sau lưng tôi hù một tiếng, bịt mắt và kéo tôi vào lòng, tôi
có cảm giác tê
dại mà không
sao tả được. Năm sau gia đình chị có biến cố lớn, mẹ chị bệnh mất, rồi kế tiếp người em trai kế của chị là anh Quý đi lính tử trận, chị buồn lắm, tôi cũng chẳng biết an ủi được gì, mùa hè về quê, năm học mới đến, chị không còn ở kế bên nhà tôi nữa, mỗi ngày tôi và chị không còn cùng đi học trên con đường Nguyễn Bĩnh Khiêm, chắc có lẻ là chị nghĩ học, chị đi không nói với tôi tiếng nào. Từ đó đến nay đã hơn 40 năm tôi không gặp lại chị, có điều kiện xuống Ngã Năm hỏi thăm nhiều người, người ta nói gia đình chị đã dời đi nơi khác từ lâu lắm rồi.
Sóc Trăng 4/2012
_____________________________________________
VĨNH CHÂU GIÓ MUỐI NẮNG HÈ


Tôi bổng nghe xốn xang về con người
và vùng đất nầy, gió thì mang theo hơi muối biển, mùa hè thì nắng cháy, đường
đi bụi mù, thương cho những người dân lam lũ chân lấm tay bùn. Tôi chợt nghĩ ra
mấy câu thơ:
Vĩnh Châu gió muối nắng hè
Tóc em một thưở vàng hoe bụi đường
Những người nơi ấy thân thương
Củ hành, tôm, lúa vấn vương cả đời
- Đua ghe Ngo ở Sóc Trăng
- Về Cù Lao Dung
- Đình Thần Năm Ông
- Miền Nam Việt Nam 1949-1955https://sites.google.com/site/namkyluctinhorg/tac-gia-tac-pham/s-t-u-v/ttx-vanganh/chinh-the-quoc-gia-viet-nam
Trở về Trang chủ