Thứ Năm, 10 tháng 3, 2011

Văn - Truyện ký


      Nhà văn Thanh Tịnh tả cảnh nhập trường Hàng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàn bạc…khiến tôi bị cảm xúc ăn theo khi mở đầu bài viết này . Hàng năm cứ độ gió chướng về, khi bên đường vào chợ Sóc Trăng có người ngồi bán cốm dẹp là nghĩ tới Lễ hội đua ghe ngo, tiếng Khmer kêu là Ooc Om Bóc, diễn ra đúng rằm tháng 10 trên đoạn sông Đinh phía kho dầu …
     Đến hẹn lại lên, chiều 14 âm lịch hàng năm, thanh niên nam nữ Khmer từ các nơi trong tỉnh về trung tâm Sóc Trăng dự hội . Tôi có ấn tượng về cái Tết này của bà con người Khmer vì tính độc đáo . Nếu thống kê, trong năm ngày nào đông vui nhất tại trung tâm Sóc Trăng, sẽ không là đêm Noel, không là tết Nguyên Tiêu, tết Trung Thu, thậm chí không là tết Nguyên Đán, là đêm 14 và trưa 15 tháng 10 âm lịch . Thời điểm đó trung tâm Sóc Trăng có thể đón tới non trăm ngàn khách . Theo thời gian số ghe ngo tham gia hội thi càng nhiều người coi càng đông . Chùa cạnh tranh chùa nên thậm chí có xã có hai chùa, hai chùa đều có ghe tham dự . Tiền đóng ghe mới từ tín đồ đóng góp, nếu thiếu chính quyền, mạnh thường quân tiếp vô . Ngoài ghe trong tỉnh còn ghe các tỉnh bạn cùng về dự tranh như ghe từ Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cần Thơ, Trà Vinh . Không phải năm nào cũng đủ ghe các tỉnh bạn, nhưng sự có mặt của ghe đua ngoài tỉnh nói lên qui mô cuộc đua hàng năm này ở Sóc Trăng . Thấy đông vui, Lễ hội này được trên công nhận là Lễ hội mang tính quốc gia, có sự tài trợ về mặt tổ chức và kinh phí của trên và truyền hình trực tiếp cả nước coi cho biết .
    Tôi có ấn tượng về Lễ hội này như nói ở trên, còn do hãng tôi hàng năm có tài trợ chi phí cho cuộc thi này . Chỉ năm nay do biết về qui mô Lễ hội, nhiều hãng lớn trong nước biết, đã tài trợ khá lớn vì họ biết đây là dịp quảng cáo thương hiệu rất hiệu quả . Do vậy, từ đầu tháng 10 âm lịch năm nay pa nô, băng rôn treo đầy đường phố trung tâm Sóc Trăng khiến không khí ngày kề Lễ thêm sôi nổi . Để thu hút thêm sự chú ý, trước ngày diễn ra Lễ hội một tuần, Hội chợ trong hồ nước ngọt khai mạc . Năm nay hội chợ lớn nhất với trên hai trăm gian hàng và một sân khấu ca nhạc hàng đêm, thu hút khá đông khách . Ở công viên Bạch Đằng là sân khấu thi diễn của các huyện thị . Đêm 14 âm lịch là chung kết cộng thêm phần biểu diễn của các đoàn được mời đến như cồng chiên Tây nguyên, múa Chăm , Nhã nhạc cung đình Huế, dân ca quan họ Bắc Ninh .
    Nhà tôi trên trục lộ chính, khoảng ba giờ chiều 14 tôi thấy nhiều nhóm người vào trung tâm . Năm nay do có nhiều tuyến xe bus tới các huyện như Thạnh Trị, Phụng Hiệp, Kinh Ba, Đại Ngãi nên thanh niên các nơi về trung tâm dễ dàng hơn, ít tốn tiền hơn, an toàn hơn . Hồi đêm tôi làm sao ngủ được vì người đi trên đường suốt đêm, nói năng cười giởn ồn ào, vui vẻ . Do vậy chắc năm nay sẽ đông vui hơn dù năm nay lúa trúng nhưng gía thấp, nông dân không phấn khởi và hạn chế tiền bạc tiêu xài nhân ngày vui này .
    Thanh niên Khmer cũng có ưu điểm riêng . Hàng năm về dự hội, không biết có hẹn trước hay không, có năm y phục màu đỏ trội hẳn, có năm màu xanh, màu vàng . Nón cũng màu sắc như vậy . Có năm ai cũng mang kiếng mát màu … Năm nay thanh niên trẻ 18-20 chiếm đại đa số, gần như tuyệt đối, nhưng không có gam màu rõ ràng . Năm nay các quán bia rượu ế ẩm vì thanh niên trẻ chưa quen và không có nhiều tiền, chỉ hàng quán bán thức ăn hốt bạc . Cũng có phần thanh niên trẻ có học, biết tin rượu dỏm giờ nhiều lắm, không dám uống bậy . Cái hay là tuyệt nhiên không có ẩu đả, say sưa .
    Chiều 14 đã diễn ra phần thi bơi của ghe nữ gồm 10 chiếc . Ghe của vùng sông nước Cù Lao Dung tham dự lần thứ hai đã đoạt ngôi vô địch với sắc áo vàng . Hãng tôi đã tài trợ ghe này hai năm nay . Hôm nay rằm tháng 10 sẽ diễn ra phần chính của Lễ hội, đó là đua ghe ngo nam . Mới hơn 4 giờ sáng tôi thức đi tập thể dục ngoài công viên . Nhưng đám đông ngoài đường kéo tôi hòa vào dòng người buổi sớm . Dòng người về từ chiều hôm qua, dự xem ca nhạc tại sân Bạch Đằng, vô hồ nước ngọt coi thi thả đèn nước, đèn gió, coi hát dù kê, ca nhạc tại chùa Khleng và các tụ điểm khác ngoài trời …Thức cả đêm . Có số ngồi quán, số đi rong theo các đường chính trung tâm . Riêng cầu Quay bị chiếm lĩnh hoàn toàn, ai qua lại phải chen chân . Dòng người đông đúc kéo dài từ công viên Bạch Đằng tới Nhà Thờ, và cũng khá đông trên lộ rẽ như Lý Thường Kiệt cặp sông cầu Quay, đường vô Mỹ Phương cũ, đường Nguyễn Huệ rẽ vô chợ….Trên đường hai Bà Trưng các quày cơ động bán nón, kiếng, nữ trang rẽ tiền vẫn đông người mua dù trời chưa sáng . Góc đường Hai Bà Trưng và Nguyễn Huệ có mấy người ngồi bán cốm dẹp, bắp luộc vẫn có khách .
     Buổi đua ghe nam chiều nay diễn ra hết sức sôi nổi với số ghe tham dự là 35 chiếc, nhiều nhất từ khi có tổ chức thi tới nay, trong đó có ba ghe tỉnh bạn . Buổi chiều mát nên người tới coi rất đông . Không có nhiều chỗ, nên một số thanh niên đứng sát sông, khi nước lớn lên ướt gần nữa người nhưng vẫn vui, say mê coi từng cặp ghe ngo màu sắc sặc sở lướt qua trên đoạn sông khá thẳng . Sôi động nhất là trận bán kết và chung kết . Vô địch năm 2007 chỉ đạt hạng ba . Còn hai ghe Mỹ Tú giữ nhất và nhì . Lễ hội này mang ý nghĩ là Lễ tiễn nước và tiễn những gì không tốt trong năm, tạ ơn thiên nhiên đã ưu ái để cuộc sống có cái ăn, cái để . Lễ hội là dịp thư giản thoải mái sau năm lao động trên đồng ruộng vất vả và là dịp trai gái có dịp gặp gỡ nhau . Vui và hay quá đi chớ. Tuy là Tết của người Khmer nhưng thấy hay sao không vui ké . Hội đua tan, tôi lại xuống đường . Các trạm xe bus đông như kiến . Chắc chạng vạng mới vãng được người . Ôi các bạn trẻ, thức cả đêm, nay phải đợi chờ . Không sao, một năm chỉ có một lần . Vậy mới đáng nhớ .
                                                                                                              HQL

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lâm Thanh Sơn Tết Đoan Ngọ nhăm ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch hằng năm là một ngày Tết truyền thống tại một số quốc gia Đông Á như Việt Nam,...