Thời trước, khi thực dân Pháp còn xâm chiếm nước ta,chúng áp dụng chính sách ngu dân để cai trị dân ta,Mỗi quận,chúng chỉ mở Trường Sơ học ( École Élémentaire) còn mỗi tỉnh chỉ có đến Trường Tiểu học (École primaire). Chương trình học tất cả các môn đều bằng Tiếng Pháp thậm chí Chính tả Việt ngữ cũng phải gọi là Dictée Annamite. Giáo viên phần lớn là người Pháp một số ít nười Việt nhưng phải dạy bằng Tiếng Pháp.
Cả vùng Nam Bộ chỉ có 3 nơi có trường trung học: Saigon (Pétrus Ký), Mỹ Tho ( Collège de My tho)và Cần Thơ ( Collège de Cantho), nhưng chỉ đến cấp 2. Sau đó, do các nhà trí thức đấu tranh nên chúng nâng dần lên Cấp 3 (Lycée) ở Saigon và Mỹ tho Vì lẽ đó, số người được đi học không có bao nhiêu. Thi lại càng khó. Đầu thế kỷ XX số người đậu Diplôme (hết cấp 2) mỗi tỉnh chỉ đếm được trên đầu ngón tay chớ nói chi đến Tú tài I,II lại càng hiếm
Đến khi phong trào đòi mở mang học vấn, chúng mới mở đến bậc Cao Đẳng ở Hà nội, chớ nước ta chưa có bậc Đại học. Ở trong Nam , số người được ra Hà Nội học Cao đẳng rất hiếm. Phụ nữ Hà Thành kén chồng bằng câu:”Phi Cao đẳng bất thành phu phụ”
Lúc tôi mới biết đi học, nước ta vẫn còn giảng dạy bằng Tiếng Pháp
Tôi còn nhớ, hồi tôi còn nhỏ khi mới lần đầu bước đến trường câu đầu tiên xưng danh với thầy phải bằng Tiếng Pháp: “Comment t’appelle-tu?” Phải trả lời: “Je m’appelle..AN…”
Khi cầm tập vở để học thì phải ghi:
École primaire de……
Classe de Préparatoire B
Cahier de…Devoirs…..
Appartenant à…An Phan Quang……….
Année scolaire 1949-1950…
Vào lớp,các môn học là Écriture, Lecture,Vocabulaire,Grammaire,Orthographe,Mathématique, Histoire, Géographie…
Sau Cách Mạng Tháng Tám 1945,Chính Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà chủ trương xóa dốt và dạy dân chúng học Chữ Quốc Ngữ.Tại các vùng tạm chiếm, chính quyền cũng ảnh hưởng phong trào thay đổi Chương trình Phápbằng Chương trình Việt dần dần từ Lớp Một đến Lớp Mười Hai nhưng cũng gọi theo cách của người Pháp( Lớp Năm, Lớp Tư,Lớp Ba,Lớp Nhì ,Lớp Nhứt rồi Đệ Thất, Đệ Lục, Đệ Ngũ, Đệ Tứ .Thi đậu Trung học Đệ nhất cấp mới vào lớp Đệ Tam. Hết Đệ Nhị thì thi Tú Tài I.Đậu Tú Tài I mới được học Lớp Đệ Nhứt để thi Tú Tài II.Thời nầy,thi đậu Tú Tài II rất khó khăn là cố gắng của các bậc cha mẹ . Còn có con em học Đại Học là điều hiếm hoi thậm chí cả tỉnh chỉ có vài người
Ở Miền Nam , Đại Học ĐàLạt của Thiên Chúa Giáo lập từ trước năm 1960 nhưng không được phổ biến rộng rãi. Đại Học Saigon do chính quyền Saigon lập với số sinh viên ít ỏi. Lúc đầu chỉ gồm Đại học Khoa học, Đại học Văn Khoa, Đại học Luật Khoa rồi kế đến Đại Học Y Dược, Đại Học Sư Phạm, Về sau có thêm Cao Đẳng Nông Lâm Súc,Đại Học Kiến trúc. Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ giảng dạy bậc Trung cấp sau mới nâng lên bậc Đại học
Trước kia,Đại Học Saigòn toàn giảng dạy bằng tiếng Pháp .Từ năm 1962 mới chuyển sang giảng dạy bằng Việt ngữ.Tất cả thầy,cô là Việt Nam phải dạy bằng Tiếng Việt trừ những thầy cô là người nước ngoài thì chương trình giảng dạy mới dùng Tiếng Pháp hoặc Tiếng Anh.Trong điều kiện giảng viên có trình độ phần lớn là người nước ngoài thì sinh viên Việt nam phải cố gắng nghe giảng. .
Giai đoạn chuyển tiếp nầy sinh viên học theo chương Việt thật vất vả khi phải nghe thầy cô người nước ngoài giảng nhưng rồi cố gắng cũng quen dần.. Đối với các môn thầy cô là người nước ngoài , sinh viên có thể làm bài bằng Tiếng Việt nếu không viết được Tiếng Anh hoặc Tiếng Pháp
Kế đến, có Đại Học Huế. Năm !966 Đại Học Cần thơ mới chính thức được thành lập. Kể từ đó, việc học hành ở bậc Đại Học ở miền Tây Nam Bộ mới được phổ biến..học sinh Miền Tây mới có cơ hội được ngồi ghế giảng đường Đại Học.
Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thì các trường Đại Học được mở rộng.Cho đến nay cả nước ta có trên ba trăm trường Đại học,Cao đẳng và dĩ nhiên số sinh viên tăng lên không biết gấp mấy lần. Thế mới gọi là đổi đời chứ.
Sinh viên Việt Nam hiện nay không lo chuyện ngoại ngữ vì thầy cô ở các trường Đại Học đều dạy bằng Việt ngữ . Chữ Việt có khả năng diễn đạt mọi lãnh vực văn hóa ,triết học, khoa học. Những thầy cô dạy các môn Tiếng nước ngoài cũng đều phải sử dụng Việt ngữ.Sinh viên nước ta cũng như sinh viên các nước độc lập được học bằng tiếng mẹ đẻ của mình chớ không như chúng tôi ngày xưa phải học tiếng Pháp trước khi học Tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ.Việt Nam độc lập là đây, độc lập trong chữ viết, độc lập trong tiếng nói trên trường quốc tế.
Sau khi học xong Đại Học ở Saigon với Bằng Cử Nhân , tôi về Sóc trăng day học .Như vậy lúc bấy giờ coi như có trình độ .Cho đến ngày hưu trí sau hơn 40 năm giảng dạy ,khi rời bụt giảng, tôi vẫn như xưa..
Lớp học trò lớn của tôi hiện nay phần nhiều đã gần năm mươi , có người còn lớn tuổi hơn.Hầu hết đều tốt nghiệp từ các trường Đại Học Việt Nam , đa số đều thành đạt và còn được giữ nhiều trọng trách trong Đảng và trong bộ máy nhà nướcCó người làm Bí Thư Tỉnh ủy, có người làm Chủ Tich Tỉnh, Chủ Tịch Huyện hoặc Giám Đốc Sở.Nhiều em có chuyên môn trong lãnh vực khoa học như Kỹ sư, Bác sĩ và có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội
Trong số những người thành đạt có những em đạt được học vị cao hơn tôi ngày xưa như Thạc sĩ, Tiến sĩ Những đóng góp và cống hiến trong các lãnh vực khoa học của thế hệ sau tôi cho xã hội và nhân dân to lớn nhiều lần hơn thế hệ tôi khi các em nầy được giữ cương vị then chốt quan trọng trong xã hội như Bí thư Chủ Tịch,Giám Đốc, Anh Hùng Lao động, Thạc sĩ, Tiến sĩ….
Ngoài ra, còn phải kể đến những em gốc Hoàng Diệu đã sang nước ngoài đậu được Ph.D, M.A làm rạng danh cho học trò Hoàng Diệu Sóc trăng
Vinh danh những học trò thành đạt.Quả thật, học trò tôi bây giờ hơn tôi rất nhiều ,đúng như câu:
“ Con hơn cha nhà có phước, học trò hơn thầy xã hội được nhờ”
Thầy Phan Quang An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét