Các cô thầy trước 75 nay không còn ai ở trường Hòang Diệu vì tuổi lớn và nhiều nguyên nhân khác. Một số cô thầy ra nước ngòai, một số thầy cô đã mất, nhiều thầy cô về quê, về Sài Gòn sinh sống…Ba mươi mấy năm rồi, thỉnh thỏang tôi cũng nghe được tin về cô thầy này hoặc đôi khi gặp thầy cô khác, nhưng ngày càng hiếm hoi. Bởi vậy, chiều qua bắt điện thọai nghe giọng nói hết sức thân quen: “Em khỏe không?”, tôi cảm thấy trong lòng dâng lên niềm vui bất chợt.
Thời trung học không biết sao tôi thích học môn quốc văn và tóan. Bởi vậy những cô thầy dạy tôi hai môn này tôi có quan tâm hơn, nhớ nhiều hơn, có nhiều kỷ niệm hơn. Thật ra lúc đó cuộc sống khó khăn, tôi vừa học vừa bương chải với đời, nên có thời gian đâu mà gần gủi, tiếp xúc nhiều với cô thầy (nói chi thời gian đâu mà thong thả rong chơi như các bạn khác có hòan cảnh tốt), nên có chú ý nhiều tới cô thầy dạy môn học mình thích, cũng ở chỉ mức hơn so các cô thầy khác một chút! Những thầy dạy quốc văn và tóan từ lớp 9 tới lớp 12 tới nay tôi vẫn còn nhớ và có liên hệ, tiếp xúc nhiều hơn các cô thầy khác. Người điện thọai hỏi thăm tôi nói trên là giáo sư hướng dẫn và dạy môn quốc văn lớp tôi, lớp 9A4 khóa học 1971-1972, thầy Phạm Văn Phái. Tôi sử dụng từ cũ “giáo sư hướng dẫn” cho phù hợp bối cảnh lúc đó.
Hồi đó, ở tuổi mới lớn, nhiều mộng tưởng, nhiều bạn đang mơ làm thơ tình và len lén nhìn con gái thướt tha với tà áo dài trắng ở những lớp ngang cấp gần đó, riêng tôi lại lo bay bỗng với những vần thơ hào sảng của Nguyễn Công Trứ, những câu thơ ngạo đời của Cao bá Quát, những bài thơ Đường trào phúng lẫn trữ tình của Nguyễn Khuyến… Rồi còn thơ Trần Tế Xương, Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị, Học Lạc…và cả truyện Kiều nữa. Tôi khóai nhất thơ Nguyễn Công Trứ, bái phục ông mấy lần bị phạt xuống làm lính thú vẫn kiên trì, dũng cảm, đủ nghị lực vuợt qua khó khăn để được phục chức, rồi lên chức…Có lẻ từ sự khó riêng của tôi, tôi thấy ở tiền nhân một gương kiên trì, một nghị lực mênh mông để học hỏi, noi theo…Bởi vậy, lúc đó tôi thuộc lòng hết biết bao bài thơ của ông, thậm chí thuộc luôn Hàn nho phong vị phú dài chắc sáu bảy chục câu, bắt đầu bằng “Chém cha cái khó, chém cha cái khó!...”. Tôi khóai những vần thơ sảng khóai, lạc quan của tiền nhân ngòai sở thích riêng, hòan cảnh riêng của mình, còn do tác động của thầy dạy. Tôi vẫn nhớ mỗi khi vào lớp, thầy luôn tay không như mọi khi. Khi thầy giở giọng, những dòng thơ, lời bình giảng như sẵn có tuôn trào ra một cách trật tự không nhầm lẫn. Sự nhập tâm của thầy khiến thầy như tự tin hơn, giọng giảng như uyển chuyển, hấp dẫn hơn và thậm chí hùng hồn, thuyết phục hơn. Qua những lời bình giảng, tôi cảm ở thầy một mong mõi, thầy muốn truyền tới học trò nghị lực vươn lên trong cuộc sống, chăm chỉ trong học tập và có hòai bão làm việc lớn giúp ích cho đời. Phong thái thầy rất từ tốn, lời thầy rất êm ái khi gieo rắc trong trí óc non nớt học sinh phong cách sống, học tập làm…người, nhưng đi liền đó thầy rất khắt khe giữ các khuông phép. Thầy buộc bài viết của học sinh phải chuẩn về hình thức, coi như đây là việc tập tính ngăn nắp, trật tự trong cuộc sống sau này. Tôi nhớ hòai, khi phát giấy thi kết quả học kỳ, thầy nói trước lớp: “Trò Hải viết bài có nhỉn hơn trò Lực một chút, nhưng bài trò Lực viết rất chuẩn về hình thức. Trò Lực có ý thức về những gì thầy dạy, nên trò Lực đứng đầu, Hải thứ hai..”. Đông Hải ở cạnh nhà tôi, cả hai đều đậu hạng cao kỳ thi vào lớp 6 trường Hòang Diệu. Lúc đó được thầy khen, hạng cao, tôi chỉ biết mừng, không nhận thức cách chấm điểm của thầy có sòng phẳng không, nhưng những gì thầy dạy về hình thức bài viết tôi giữ, làm theo tới bây giờ và có lẻ suốt cuộc đời. Tất nhiên tác động lời thầy dạy đâu phải dừng lại ở chuyện đơn giản vậy. Đó là nền tảng cho những chuẩn mực lớn hơn trong cách sống của tôi sau này.
Thầy từ Sài Gòn về Sóc Trăng thăm con, sẵn dịp thăm hỏi các học trò cũ. Khá lâu không gặp thầy, nay sẵn dịp tôi bèn hẹn và tới thăm thầy. Nhà thầy trong khu yên tỉnh, nhìn ra công viên. Chỉ có hai thầy trò trong buổi chiều lộng gió. Tóc thầy đã bạc phơ nhưng nụ cười thầy vẫn khiêm tốn, hiền hậu như thuở nào. Mừng thầy còn khá mạnh khỏe. Tôi hỏi về chuyện hồi thầy dạy học. Không dè thầy nhớ rất tốt, nhớ tên mấy thằng bạn lớp tôi nữa, như Thanh Vân, Ngọc Thành, Công Trí, Hút Sơn… Tôi nhắc tới tác động về cách dạy của thầy như một lời khen, tuy quá trễ. Thầy chợt trầm tư nói là thầy dạy quốc văn trung học, trong đó truyền đạt được tình yêu đất nước cho học trò là tiêu chí hàng đầu. Mọi người thể hiện lòng yêu nước qua nhiều cách, nhưng ở tuổi học sinh, khi chưa đủ tri thức, chưa nhiều kinh nghiệm…thì cố gắng học, bền chí vượt khó, biết yêu thương, biết quí trọng những giá trị truyền thống…là rất tốt rồi. Nhìn lại, hồi đó ít học sinh trốn học, chày lười, hổn láo, văng tục, gây gổ…chắc chắn phần nào là kết tinh tâm huyết của bao lớp cô thầy. Tôi cũng biết bản thân thầy cũng là một gương sáng cho tôi. Thầy lớn lên ở Sài Gòn, gặp khó khăn từ nhỏ và suốt thời gian đi học. Nhưng kết cục có hậu, thầy học giỏi, ra trường cuối năm 1964 với thứ hạng cao, chọn nhiệm sở ở trừơng trung học công lập Hoàng Diệu tỉnh Ba Xuyên, nơi có ân tình với thầy do chuyện tình cờ.
Sau ngày giải phóng, như các thầy có gốc sĩ quan biệt phái, thầy đã học tập cải tạo. Khi về, một học sinh cũ đã giúp thầy có việc làm trong ngành văn hóa thông tin, nhưng thầy chỉ bám khỏang một năm rưỡi. Rồi thầy thuê chỗ mở quầy bán sách báo và vô cùng tất bật buổi đầu. Nghề mới đó theo gia đình thầy tới bây giờ, con gái thầy đang nối nghiệp. Sau thời gian trôi dạt khá lâu, những năm đầu 90 khi trở về làm việc trong tỉnh lỵ, tôi như gặp thầy hàng ngày khi ghé sạp báo thầy mua báo. Thỉnh thỏang, lúc thầy trò cùng rãnh rỗi, tôi cũng dừng chân để thầy trò có đôi ba câu thăm hỏi cuộc sống lẫn nhau. Hàng năm hãng tôi có làm lịch để tặng nhân viên, biết khả năng thầy, tôi nhờ thầy làm chuyện đó như là một cử chỉ nho nhỏ thể hiện ân tình trò thầy, giúp thầy thêm việc. Không dè thầy làm xong rất tốt, nói giá tiền rất rẽ so người khác. Tôi ngạc nhiên, thầy cười nói thầy làm giùm, chỉ muốn giúp tôi!
Từ nhiều năm qua thầy chuyển về nhà cũ ở Sài Gòn sinh sống. Mấy năm trước thầy sửa sang xong, ăn tân gia, tôi có tới dự cùng một số học trò cũ của thầy đang mưu sinh trên đó. Nhà thầy từ cha mẹ để lại, không lớn, trong con hẻm nhỏ ngoằn ngòeo. Trên đó thầy đã thử thời vận mấy lần như phát hành sách, báo; làm du lịch…và kết quả đều không như mong muốn. Lý do được thầy đúc kết tại thầy quá thẳng tính, không biết nuôi, chiều mấy tay có quyền. Thầy không hụt hẩng, không buồn nhiều chuyện đó. Thầy có bản lĩnh từ thời trẻ, đã chịu đựng và vượt qua nhiều chuyện khó hơn, vẫn yêu đời, lạc quan trong cuộc sống. Nên giờ tôi thấy rất rõ tự bản thân thầy đã và đang là một minh chứng trung thực để lời khuyên dạy ngày xưa của thầy thêm sức sống, thêm sức thuyết phục góp phần cho học trò thêm hành trang hữu ích vào đời. Chính tôi rất thấm thía đường thành đạt của bản thân mình hôm nay đã được lót bằng những viên gạch tảng từ các cô, thầy. Sự tôn kính các thầy cô nói chung, thầy Phái nói riêng luôn trong thâm tâm tôi, mãi mãi…
HQL
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét