Thứ Năm, 10 tháng 3, 2011

Văn - Truyện ký

PICNIC Ở QUÊ NHÀ                                                                    
Gởi tặng các bạn xa xứ của tôi
Cuối tháng tám, ở buổi ăn bún nước lèo sáng thứ bảy như thường lệ bên hông chùa ông Bổn, gánh bún ở đây ngon có tiếng, nước lèo ngọt dịu có thêm thịt quay xắt nhỏ và bánh cống, cả nhóm đủ mặt gồm Minh, Thành, Sơn, Thu, Võ, Kiệt và tôi. Tất cả đều là dân Hoàng Diệu 68-75 bàn nhau làm picnic nhân nghĩ lễ. Loanh quoanh với các điểm trong nội ô Sóc Trăng không còn gì mới mẻ. Tôi nói hay là về quê tôi đi. Ở chợ lâu ngày, nay được thay đổi không khí và có thêm điều mới lạ nên ai cũng khoái. Tôi liền điện thoại cho người anh ở quê, được xác nhận. Cả bọn thống nhất sáng mai, chủ nhật, lên đường và không rủ thêm nhiều vì đường đi khá xa và mùa này mưa nắng thất thường.
    Hơn 7 giờ xe lên đường. Lên xe điện thoại reo, anh Văn ở trong quê điện ra nhắn nói vỏ lãi đã đợi đón, dặn trong này có sẵn mồi, chỉ cần mang theo rượu. Trên xe có Minh, Thành, Võ, Thu, Sơn. Còn Kiệt kẹt đi Sài Gòn. Có thêm chị hai tôi, lâu lâu về thăm quê, và anh Dương, một người từng tham gia chiến tranh, từng đóng quân ở trong quê cách đây hơn 45 năm, tìm về thăm chốn cũ. Từ trung tâm Sóc Trăng xe đi về hướng Bãi Sào, qua Tài Văn, cầu Mỹ Thanh. Qua các điạ danh Khánh Hoà, Bưng Tum, … và tới bến Lẫm Thiết. Cả nhóm lên vỏ lãi về nhà cách đó 3 km đường kinh rạch Cảng Buối. Nối hai bờ rạch, xa xa là cầu xi măng khá vững chải, chen giữa là vô số cầu khỉ do dân tự bắc để qua lại cho nhanh. Trên rạch, lần đầu tôi thấy nhiều ghe xuồng tấp nập như vậy, cái chở nước đá ướp tôm, cái chở tôm đi bán, vì tôm đang vào lúc thu hoạch rộ. Có ghe chở cát, đá. Hai bên kinh nhiều nhà mới xây, có cái đẹp không thua ngoài chợ. Con tôm làm thay đổi diện mạo một vùng quê sâu. Dây điện giăng dọc ngang chằng chịt. Ăn ten cũng khá nhiều. Sau 20 phút quê nhà tôi hiện ra. Ngay đầu đất là cây cầu xi măng nhỏ, chắc chắn do người dân kế bên rủ tôi hùn tiền cùng làm. Cầu nhỏ nhưng có tên là Tiến Sĩ, để kỷ niệm vùng đất sâu, cằn đã đẻ ra một tiến sĩ thứ thiệt, hay làm. Quê nhà ba đời của tôi, ấp Giầy Lăng, nơi có mộ ông nội và ba tôi, là nơi diễn ra trận chiến tàn khốc hàng đầu của tỉnh Sóc Trăng vào mùa khô 1965 trên một phần đất nhà tôi khiến hàng trăm người thiệt mạng. Cảnh cũ ngày xưa chỉ còn lại cây me cổi đứng sừng sửng, trầm mặc, thân sần sì thẹo vít do bom đạn như mang nặng dấu ấn thời gian và kỷ niệm, và hố bom tròn khá lớn bên nhà, nay thành cái đìa chứa cá và nước ngọt cho những ngày hè. Con đường nhỏ dẫn vào ngôi nhà tường nhỏ thay cho nhà lá ngày xưa. Ngôi nhà nhỏ, do anh em tôi hùn tiền xây cách đây hai năm, chỉ để thờ và có chỗ ăn nhậu đông người mỗi khi có hội, giỗ…Một mình anh Văn ở gian nhà lá cũ phía sau cho mát và dễ trông nom các ao tôm ngay sau nhà. Các rặng trâm bầu, hàng mộc trụ, các mãnh ruộng, kinh, đìa, hàng dừa nước… đều đã biến mất trong quá trình lấn dần của các ao tôm sú. Còn miếng vườn nhỏ với mấy cây ổi xá lị, mấy cây ô môi, mấy cây bần ổi để ăn với mắm sặc sống…gắn liền với tuổi thơ anh em nhà tôi đã bị bom đạn hủy từ lâu. Anh Văn đưa cả nhóm đi chài tôm về luộc. Trước đó, chị hai và tôi lo bày đồ lên bàn thờ cúng ba vì lâu lâu mới về .
    Tôi đưa cả nhóm đi thăm họ hàng trong xóm. Ghé Miễu thờ bà chúa Xứ, được những người đầu tới khai phá vùng đất này lập nên cách đây khoảng trăm năm. Đốt nhang, chụp hình lưu niệm. Sau đó cuốc thêm nửa cây số thăm đền tưởng niệm trận đánh Giầy Lăng diễn ra hơn bốn mươi năm trước. Có lẻ có đền tưởng niệm do tính chất quá ác liệt của trận đánh. Tôi đưa anh Dương thăm người cố cựu mà anh ta quen cách đây gần…nữa thế kỷ. Trí nhớ người cao tuổi thật phi thường, anh ta nhớ rất nhiều tên với các đặc điểm riêng và đều được xác nhận đúng, nhưng đa số đều là tên con gái. Những con gái ngày xưa giờ là bà nội, ngoại hết trơn rồi. Tới đầu vàm, cặp ven sông Mỹ Thanh nhìn dòng nước cuồn cuộn chở nặng phù sa bao đời nay. Nước sông chảy mạnh vì cách biển chỉ non mười km. Và vì gần biển nên nước mặn. Nước mặn nên có dịp nuôi tôm, nhưng nước mặn làm phù sa kia vô bổ .
    Trở lại nhà, chia nhau hái mồng tơi trước nhà và mướp hương bên bờ ao để nấu canh với tôm và thịt sườn. Mấy đứa cháu gần nhà hay tin qua giùm nấu đồ ăn. Thằng cháu đang xổ tôm gần đó mang qua gần nữa bao nhỏ, ngoài số tôm chài nhà, luộc lên tha hồ ăn ( chủ ao tôm kiêng ăn tôm nướng ). Tôi đã cẩn thận điện dặn trước là cơm gạo thơm ST phải nấu hơi khô, nấu bằng củi, có mùi khói cho có cảm giác …quê nhà. Đứa cháu nấu cơm xong, cẩn thận xớt qua nồi điện cho sạch. Tôi không biết, thấy cơm trong nồi điện, liền cự nự; nhưng dở nồi thấy dề cơm cháy quá đã thì im luôn. Ngoài ra còn dưa mắm, cá bóng trứng kho khô và thịt quay mang từ chợ vô. Minh thấy nồi cơm thì coi liền, sợ không đủ cơm ăn no. Đứa cháu nói sau bếp còn một nồi lớn, Minh yên tâm, sau đó làm ngay ba chén dằn bụng. Anh Văn vui vì lâu lâu có bạn nhậu và vui vì năm nay trúng tôm có người tới …chứng kiến nên khởi động nhanh, cạn ly một lượt với từng người. Anh Dương thì vui vì thỏa lòng mong mấy mươi năm được thăm lại cảnh cũ, tuy thiếu người xưa, nhưng cũng hưởng ứng đủ. Thành làm chủ xị tuyên bố không say chưa về. Võ, ít nói, nhưng ai mời đều làm vui lòng bạn …rượu. Minh thì vừa nói ai sao tui vậy vừa xới cơm vào chén. Còn Thu và Sơn theo muốn đuối. Hai thằng cháu sắp xếp xong việc ở ao tôm, qua dự khiến không khí thêm phần rôm rả. Còn chị hai ăn cơm ở nhà sau với mấy đứa cháu gái qua giúp làm đồ ăn. Anh Văn yêu cầu mọi người ráng ăn thêm tôm vì dư nhiều quá, còn thịt quay để đó anh kho lại ăn sau, coi như mồi chợ đổi mồi quê .
     Rượu vào, mồi vào, lời ra, kể chuyện đời xưa, chuyện chung quanh nhà tôi. Đất nhà-trước đây là rừng chà là, cây có gai rất dài và tới mùa gió chướng trên từng đọt có đuông, chiên ăn rất ngon, là đuông chà là-do ông nội tôi mua và khẩn với các con từ những năm 30. Trước chỉ trồng lúa. Như những ngày mưa này mấy chục năm trước thì năn bộp đầy lung, cộng với lá vông và tép có từ đặt nò trên rạch trước nhà và kinh trong ruộng làm bánh xèo thì ăn vào là ngủ cả ngày. Cá tép đầy đồng, đâu sợ đói, chỉ không giàu có mà thôi. Nhưng chiến tranh đã giật mất hết. Năm 1965 cả nhà tôi tản cư ra chợ Sóc Trăng. Một gia đình trung nông được cải thành dân nghèo thành thị. Trước đời sống gian nan, ý chí vượt khó anh em nhà tôi mạnh mẽ hơn bao giờ, có người có bằng cấp rất cao. Nhiều lúc tôi nghĩ gía mà không có chiến tranh thì nay tôi có thề là lão nông đang an thú điền viên với cả một bầy con cháu, và tất nhiên đâu có nhiều bạn chợ để làm buổi picnic này. Quả chiến tranh có nhiều mặt, lật đi lật lại đọc hoài không hết. Đúng mười năm sau về lại, đất xưa là một đám rừng rậm, có nhiều chồn, rắn và thỉnh thoảng gặp đạn rơi vải hoặc những mãnh vỏ bom khi dọn cỏ. Ngôi nhà lá được dựng lên từ vật liệu đơn sơ có sẵn. Lúc đó nhà còn biệt lập, vắng vẻ, không có đường bộ nối các nơi khác. Ai nhát gan không dám ngủ vì sau nhà là bãi chiến trường xưa. Hồi cư 5 tháng, sau khi thi Tú tài 75 xong, Thoại, bạn học ngồi kế nhau suốt ba năm cuối trung học đã vào đây ăn cơm độn khoai lang với tôi khoảng nữa tháng, cũng tập nhổ năn, chài cá, bơi xuồng, chặt dừa nước làm bập bè tập bơi….và không có môn nào thành thục. Chạng vạng thì cắm câu, giăng lưới. Đêm, bên ngọn đèn dầu leo lét, nằm trong mùng vì muỗi nhiều quá, Thoại hay nhắc chuyện bạn gái trong lớp nhất là TT Kiển (đang ở Dallas) và Hoài Lan. Nhà Hoài Lan ở chợ Cổ Cò, chỉ cách khoảng 7km đường sông cái, Thoại rủ tôi bơi xuồng đi thăm vì lúc đó đâu có tiền sắm xuồng máy. Biết người biết ta, tôi đâu dám ừ, và nếu đi tới thì có gặp không, vì lúc đó xa xôi làm sao hẹn trước được
    Nhưng có bữa không biết ăn nhằm gì, hai tên liều mạng trên cái xuồng tam bản nhỏ hiên ngang từ rạch ra sông cái. Thoại ngồi mũi, lúng túng với cây dầm lúc khoèo bên này, lúc khoắm bên kia. Đi được một đoạn sông lặng, êm xuôi thì bỗng gió lớn, sông dậy sóng, xuồng không còn chịu đi thẳng, cây dầm trong tay Thoại không còn theo ý muốn. Một đợt sóng khá lớn ùa tới, Thoại hoảng, la lên, giựt mình thức dậy, đánh thức tôi, kể lại say sưa dù là ác mộng. Tiếc là xuồng nhỏ, sông lớn, bơi chưa giỏi nên tới giờ giấc mơ vẫn còn đó. Còn Hoài Lan nay đang ở Melbourne. Không biết hạp thủy thổ hay là có niềm vui ước mơ, nên Thoại, dù ăn cơm độn khoai với cá chốt kho và dưa năn, mập lên thấy rõ trong vòng nữa tháng, nhưng chắc là do ở không, ít hao năng lượng! Lúc đó quanh nhà còn dấu tích nhiều hầm trú ẩn, nhiều hố bom, nhỏ thôi. Thoại rãnh rổi hay đi dòm ngó, rồi về hỏi đó là cái gì. Và hay dòm ngó nên gặp được con rắn hổ sậy, rắn nhỏ như sậy và màu úa, ban ngày hay nằm bất động, khó nhận ra. Thoại khòm, thò tay định bắt rắn lúc rắn đang nằm im trên cây trâm bầu nhỏ bắt ngang miệng đìa làm chỗ bước chân. Nhưng may mắn tôi thấy la lên, Thoại rút tay kịp thời nên giờ đất New York mới có thêm một Ph.D hóa dược. Có lẻ đó là những kỷ niệm để đời, nên hơn 30 năm sau, dù đang ở tận Boston bận bịu với bao lo toan mưu sinh, nhưng khi tôi nhắc chuyện cũ là Thoại nhớ in như vừa xảy ra trước mắt .
     Trận đánh diễn ra hơn 2 tiếng tiêu hủy được 2 lít rượu tỏi từ chợ mang vào thì có 2 người …ngã, ngủ. Chắc mọi người đoán biết là ai. Một tiếng sau anh Văn được kè lên võng đi thăm đồng. Nhà điện chơi ngang, tự dưng cúp, khiến mọi người nực nội, bực bội. Sơn, Võ mở nút áo, tôi lột quần dài, Thành cởi áo. Riêng Minh chỉ còn quần đùi cho mát từ trước.Thành kêu đứa cháu leo bẻ me, ăn cho lạ. Tôi thấy vậy có ý tưởng nên nấu nồi canh chua cho giải rượu. Nấu canh mà bàn như sắp đánh lộn, coi nấu bằng gì. Thu nói thấy có chuối bên hố bom. Võ nói trước nhà có liếp đậu bắp. Sơn nói cây chuối non nấu cũng ngon. Nồi canh chua cấp tốc với me non, hai bắp chuối xiêm, một cây chuối con, một nắm đậu bắp và ngò gai trồng mé ao được ba đứa cháu nấu cấp tốc với tôm tươi. Ngon lạ kỳ, ai cũng thấy nhớ đời với nồi canh chua ngọt vô cùng đó. Ở chợ làm sao có, vừa ăn vừa tự trào. Có mồi mới, Minh làm thêm hai chén cơm cho chắc bụng. Thành nói Minh ráng ăn cho có sức làm thơ. Nghe tới thơ, Dương xin chủ xị thêm ly rượu rồi nhả ra ngay chùm thơ …trái giác: Xứ Giầy Lăng đất cằn khô / Sao nhiều gái đẹp tôi mơ nhớ hoài!. Có lẻ là tâm sự anh ta ấp ủ hơn 40 năm qua, nhờ có rượu và cảnh cũ nên bộc lộ chân tình. Bạn học nam cùng thời xưa đọc tới đây chắc có người giành, mượn ngay vần, đọc liền: Về Cổ Cò , xứ cằn khô / Nhớ cô bạn thuở học trò ngày xưa. Cô bạn đó có thể là Hoài Lan, là Thắm (đang ở Cali) hoặc ai khác nữa tôi không biết hết. Cuối cùng, chòi thơ Lý Hoàng Minh cũng mạnh miệng tuyên bố là vài bữa tui sẽ có bài thơ Giầy Lăng mấy bạn đọc chơi. Anh Văn chỉ cây mai cổi trước hiên nhà, luôn trỗ bông vàng rực rỡ lúc… Thanh Minh cùng lúc với màu vàng óng ánh của hoa hoàng hậu kề bên. Chắc do vùng này mùa khô cằn cởi quá nên mai ra bông không nổi, chậm tới hè. Cây xoài mé đìa chỉ có vài trái mỗi mùa cho có …mặt. Tôi bèn rủ nếu Thanh Minh tới ta vào chơi, ngủ lại đêm để thấy màu hoa lạc mùa. Tiếc là cây vông già quá, tiêu rồi, nếu không sẽ có thêm màu đỏ thắm, thêm lạ. Hàng mộc trụ trước nhà, hoa chỉ nở ban đêm, như hoa quỳnh, sáng ra còn rất đẹp và rất nhiều hoa. Nhưng nắng lên là rụi. Tiếc là nay chỉ còn lưa thưa trong bụi rậm, nên không được chú ý .
    Sau khi tát cạn các tô canh, mọi người thấy khỏe lên. Mấy đứa cháu lo dọn chiến trường. Anh Văn bịn rịn chia tay mọi người. Lội bộ trên đường xi măng ngoằn ngoèo khá chắc chắn cặp dòng kinh, thấy có chút ấm lòng cho dân vùng quê sâu, nhất là trẻ nhỏ, đi học thuận tiện. Vỏ lải vừa tới. Về tay không nên cũng thảnh thơi. Nước lớn đầy, xuôi chiều, ghe chạy mau. Trời thương, không mưa, cũng không quá nắng khiến số áo mưa mang theo còn nguyên vẹn. Hình ảnh cuối buổi picnic là bầy khỉ (sinh 1956) cuối đầu chào các cầu khỉ trên đường về vì sợ đụng đầu. Tới chợ đã xế chiều .
                                                                                                                               HQL

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lâm Thanh Sơn Tết Đoan Ngọ nhăm ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch hằng năm là một ngày Tết truyền thống tại một số quốc gia Đông Á như Việt Nam,...