Thứ Năm, 10 tháng 3, 2011

Văn - Truyện ký


                                                                                                       N.Đ.Đ đầu tháng 9.2009
      Hàng năm cứ vào giữa mùa mưa, khi bụi ngòai đường bớt nhiều và trên không có những đám mây nằng nặng, lòng tôi có chút lo lo, con tôi tới lúc tựu trường…
( Cầu hương hồn ông Thanh Tịnh đừng giận vì có bọn hậu sinh đạo văn thô thiển…)


        Con tôi tựu trường, tôi không còn những giấc ngủ trưa đúng buổi, bởi 12.30 phải chuẩn bị đưa con đến lớp. Con tôi tựu trường, tôi không còn những cái a lô hẹn cuối giờ chiều nơi quán xá nào đó, bù khú với đồng nghiệp, với nhóm bạn bè cùng lứa…Bởi lúc 5 giờ chiều phải lo rước con học về.
      Con tôi tựu trường, lịch thời gian tôi không còn linh họat nữa. Buổi bia nếu có không được kéo dài thời gian. Buổi cà phê không còn được nhàn nhã suốt buổi như những ngày hè.
      Con tôi tựu trường, buổi tối tôi không còn thỏai mái nằm đọc sách, coi TV vô tư. Phải lo coi lại bài học của con. Phải dạy con học. Phải tắt TV sớm để con ngủ được nhiều, bảo đảm đi học không ngủ gục…
    Con tôi tựu trường, cha con tôi mất đi những buổi nhàn tản trên xe dọc theo các công viên nhìn bông phượng, nghe tiếng ve kêu. Ghé đâu đó làm que kem hay ly nước mía, nhìn thiên hạ rong chơi, trẻ nhỏ nô đùa, lắng nghe cái ồn ào của phố thị với những âm thanh quen thuộc vui vui….Cũng nói thiệt, năm nay ve kêu chỉ non tháng và đã tắt tiếng từ lúc mưa xuống. Chắc lủ ve con phải đi học thêm hè! Còn phượng nở cũng tới đầu tháng tám chỉ còn vài bông le ngoe, chắc phượng buồn vì ít thấy cảnh học sinh lủ lượt tới ngắm nhìn như xưa đã từng.
     Ôi mùa tựu trường, bao nhiêu người hớn hở. Hớn hở nhất chắc là nhà xuất bản sách giáo khoa cũng như các cửa hàng sách. Kế tiếp là mấy hãng chuyên sản xuất tập và dụng cụ học sinh. Họ đang hồ hởi “mùa hốt bạc lại tới rồi!”. Nho nhỏ hơn có mấy tiệm may đồng phục học sinh hay cơ sở sản xuất giầy dép, cũng là dịp thu lợi lớn nhất trong năm. Mấy tay bán đá bào, chè, cóc ổi… quanh các trường học cũng đang phấn khởi vui mừng trong bụng….Mấy em học sinh lớp một, đa phần là hồi hộp trong bụng nhưng có niềm phấn khởi tiềm ẩn bên trong vì các cháu tự cảm thấy mình lớn lên hẳn, khác hòan tòan những lúc trước đây, chửng chạc trong đồng phục, nghiêm trang trong giờ học và rất phấn chấn khi nghe tiếng trống tan trường. Các em từ lớp hai trở lên tâm trạng ít xúc động như lớp một, nhưng đều hiểu đang đi vào thách thức cao hơn năm trước. Cặp học sinh đa phần sẽ lớn hơn, nhưng nếu xài cặp cũ, cặp cũng nặng hơn vì sách giáo khoa dầy hơn, nhiều hơn….Việc rèn luyện sức bền của em sẽ “nặng nề” hơn! Nhưng tổng quát các em vẫn mang tâm trạng phấn khởi vì được gặp lại bạn cũ, trường cũ và nối lại những trò chơi cũng có thể là trò cũ nhưng rất thỏai mái ắp tiếng vui đùa.
    Tôi chỉ nhắc các học sinh nhỏ tuổi bởi con tôi tựu trường, lên lớp bốn, học ngay trường tiều học hơn 40 năm xưa tôi cũng đã mài nhẵn đít năm năm tiểu học. Bởi vậy mỗi lúc đợi con tan trường, tôi cũng có chút hương vị ngày thơ, cảm thấy thời gian đợi con tan trường không dài như mấy người khác, nhất là có mấy cha trẻ đón con mà cứ a lô a lô với ai đó. Những năm nào con tôi học trùng với dãy lớp xưa tôi đã học, tôi liền nói với con và kèm theo bao bài học về cách ứng xử thầy trò, bạn bè…, cũng không quên khoe thành tích học của tôi. Con tôi nghe chăm chú, rồi hỏi: “Hồi đó ba học giỏi, vậy ba có khăn quàng đỏ không ba?”. Tôi hơi quê, nói: “ Hồi ba đi học lớp không có quạt, không có điện, không có khăn quàng đỏ…Hồi đó cũng không có trò chơi điện tử, không có bút bi..chỉ có đá bào mà ba luôn không có tiền mua. Nhưng ba vẫn học giỏi! “. Nó không buông, hỏi vậy chớ ba thi được mấy điểm. Tôi chịu. Học bạ con tôi tòan điểm mười, tôi đâu bằng con tôi, bởi hồi xưa tập làm văn được bảy điểm là quý vô vàn rồi! Sau đó tôi không thèm khoe cái sự học của tôi với con nữa!
     Tựu trường, có nghĩa là thỉnh thỏang tôi phải tới dự họp cha mẹ học sinh với tòan người trẻ tuổi hơn tôi. Bởi vậy có lúc con tôi về nói với tôi: “Ba ba, bạn con nói sao ba gìa quá!” nghe mà tự ái. Và họp nói tòan chuyện đâu đâu không dính dáng vì tới cái sự dạy dỗ trẻ em thành người thật sự. Bởi chỉ tòan nghe hỏi và trả lời cách trả bài, cách tính điểm, cách thi có kết quả cao, cách phấn đấu thành lớp tiên tiến…Không nghe ai hỏi cách hỗ trợ nhau sao để các cháu ngoan hơn! Bộ chắc các cháu đều đã quá ngoan rồi, chỉ còn thiếu điểm học chắc!!! Hôm rồi tôi hỏi con nhỏ có biết khẩu hiểu treo ở trường TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN không. Cháu nói cháu biết chữ “hậu là sau” bởi vì hai cha con tôi vừa học xong trước chương trình sử lớp bốn. Tôi có giải thích sao gọi là nhà tiền Lê và hậu Lê. Ừ! Té ra chính tôi bày lắm câu hỏi, nhưng chính tôi dạy con mình cũng chưa tròn trịa lại đòi này đòi nọ!
    Tóm lại, tựu trường có lắm người vui. Nhưng vui nhất không hẳn là học sinh. Tựu trường cũng có người than khổ như những bậc cha mẹ nhà nghèo không lo được cái cặp, quyển tập cho con. Tựu trường làm trẻ em phấn chấn, nhưng cũng làm mũi lòng em nào số phận éo le phải bương chải với cuộc sống từ tuổi thơ, không được đến lớp. Đó là nói lớp nhỏ, em nhỏ. Với các lớp lớn, tựu trường khiến số em náo nức vì gặp lại bạn thiết thân những ngày hè ít gặp mặt hay nhớ tưởng, tựu trường khiến số em âu lo vì thi cuối cấp sẽ tới, phải mệt nhòai hòng vượt vũ môn….Với tôi, như chắc tựu trường làm tôi mất bớt niềm vui thường ngày… Nhưng nói theo triết lý cân bằng vạn vật, tôi sẽ nhận lại những điều thú vị khác từ những mất mát đó như hàng ngày thấy được ánh mắt con gái hồn nhiên vui tươi tới lớp hay ra về, nghe được tiếng con líu lo khoe…điểm và có thêm gia vị để nấu được bài viết này.
                                                                                                       HQL

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lâm Thanh Sơn Tết Đoan Ngọ nhăm ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch hằng năm là một ngày Tết truyền thống tại một số quốc gia Đông Á như Việt Nam,...