Thứ Năm, 10 tháng 3, 2011

Văn - Truyện ký


       Câu chuyện tui lên bàn mổ với cục u dài sáu tấc (?) và nặng gần cả ký hầu như cả thế giới đều biết! (Nói như ông xã tui là hể mấy bà tám biết ai cũng biết). Thật ra cũng không có gì ầm ĩ. Bệnh hoạn của cái tuổi gió heo may thì đủ thứ chuyện, không tăng huyết áp cũng dính tiểu đường, tim gan phèo phổi đã đến lúc rối loạn cào cào, nay nhức đầu mai trúng gió...thì cái cục u... đại (lớn) của tui cũng không phải từ trên trời rơi xuống, nên chuyện cưa cắt đục đẻo để tiệt trừ hậu hoạn là chuyện thường ngày ở Từ Dũ, chuyện nhỏ!
      Nhớ những ngày nằm bệnh viện, vẫn còn cảm giác rờn rợn của kim dao kềm kéo tùng xẻo trên da thịt mình. Tỉnh dậy trong phòng lạnh hồi sức mới thấy mình như được hồi sinh. Ơn trời! Tui thuộc diện chết nhát nên có chút xíu mà đã la làng, ông xã dỗ dành cô vợ vốn hay mít ướt: “Không sao, không sao, anh thương mà, vài bữa nữa sẽ hết đau mà”. Nghe câu này chợt nhớ câu thơ của SBTD “khi lá xanh rì, mình sẽ nguôi ngoai”! Ngày đầu tiên tui cười mim mím (vì còn đau quá). Những ngày tiếp theo đã có sức…tám trong điện thoại với mấy đứa bạn ở tận bên Mỹ gọi hỏi thăm.Giọng thều thào như người sắp chết nhưng vẫn lâu lâu lại phá lên cười (mà nghe đau nhói ở trong ...kia). Nghĩ cho cùng nằm bệnh cũng có cái thú đau thương của nó (vừa bị đau, vừa được thương). Gia đình, người thân lần lượt vô thăm hỏi nỉ non, quà bánh đầy giường, tha hồ mà nhỏng nhẻo với chồng con ”em chả ăn được cái này, em thèm ăn món kia cơ!”...Tha hồ khoái nhe!
      Nhưng có lẽ cái khoái nhất là nghe tin đám bạn trời thần ở dưới quê sẽ lên bệnh viện thăm mình. Điệu này phải nói với bác sĩ hoãn ngày xuất viện để ở lại cho thêm phần “long trọng” của buổi viếng thăm. Đầu tiên là cha con nhà MHS đèo xe Honda vượt cả trăm cây số lên tới SG đã chạng vạng. Ba nó đen bẩm sinh thì không nói gì, tội nghiệp hai đứa nhỏ dang nắng đen như cột nhà cháy. Vừa thấy tui, con nhí đã chạy tới ôm cứng. Hê! Tui đâu phải là má tụi nhỏ!!! Tui làm bộ hỏi: “Lở tui ò í e có ai khóc không cà?” Ba nó vọt miệng: “Khóc thấy bà nội luôn” làm tui cảm động hết sức. Kế đó là ba nàng ngự lâm pháo thủ giang xe Lực khởi hành đâu lúc nữa khuya, nên mới sáng sớm phái đoàn đã ào ào bước vô phòng, dẫn đầu là “đạo hữu” Trí Hiền với áo “bành tô” dài lượt thượt như mùa đông Paris, kế đến là nàng thơ Chuôn Tạ áo len khoác hờ hững, cuối cùng là Tú lêu khêu với cái vest trông lịch sự hết cỡ. Đi thăm bệnh mà hí hửng giống như đi shopping. Nàng nào cũng khí thế tay xách nách mang. Sau đợt chào hỏi rối rít ồn ào, “đổ xăng”, rửa mặt cho tỉnh người qua chuyến đi đêm .. cả bọn ném hết mớ đồ đạc lên giường bệnh nhân để đi...siêu thị. Lâu lâu mới có dịp lên SG chớ bộ! Một công đôi ba chuyện mà. Tới giờ thăm nuôi các nàng lại bao bị hàng coop-mart lỉnh kỉnh gởi dưới gầm giường, chờ Lực công tử khám xong tim (không phải chim!) tới dẫn cả bọn đi ăn trưa trong bệnh viện. Dù còn đau nhói nhưng vì ham vui, tui cũng ráng lê bước tới bàn ăn. Cơm không ngon nhưng nói cười này nọ khiến tui hào hứng kể chuyện con nhỏ nằm chung phòng, khi bác sĩ tới khám và đọc tên để khỏi nhầm lẫn hồ sơ. “Tên gì?”- “Dạ , Nguyễn Thị Chiêm”. Thấy tên hơi lạ, bác sĩ nhướng mắt ngó chăm chăm vào mặt bệnh nhân, hỏi kỹ: “Chiêm có ê không?” Ý ổng hỏi là Chim hay Chiêm, nhưng bệnh nhân bẽn lẽn trả lời: “Dạ , mới mổ nên còn ê ê..” Cả bọn thêm một trận cười và tui ráng ôm bụng sợ cười quá bung chỉ đau thấu trời chứ đừng nói là hơi ê ê..
      Bạn bè ra về, tui xuất viện về nhà ở Củ Chi. Chuyến bay về lại Mỹ phải dời lại hơn tuần vì cả nhà sợ tui có bề gì không ổn trên chặng đường xa. Vết mỗ khá dài và khá sâu nên lâu cắt chỉ, tui có cảm giác bên ngoài người ta may mũi đột, còn bên trong chắc là may..cuốn biên hay vắt sổ gì đó nên cồm cộm đau đau. Hồi trong bệnh viện có con bé chăm sóc và y tá băng rửa vết thương, về nhà thì anh xã cao hứng giành trách nhiệm thay băng mỗi ngày. Dĩ nhiên là bàn tay anh vụng về, lóng ngóng, băng keo anh dán xéo xẹo. Vậy mà thay băng riết rồi anh đâm ..ghiền(?!), có khi thay băng ngày ba lần không cần thiết! Thôi kệ, mấy khi mới có dịp ..bệnh! Tui cũng khoái chí vì có chồng thương, có thương mới thấy cái thú được chia sẻ nổi đau với vợ.
     Nhỏ Chuôn gọi điện thoại báo tin: “Nghe nói mày còn ở lại SG, tụi tao tính lên thăm mày lần nữa coi mày bớt bệnh chưa?” Trời đất! cục u mắc dịch coi vậy mà hay, nó làm tình bạn của chúng tui thêm thắm thiết, thế là tui ok cả hai tay. Cái nhà mới tân trang của mình sẽ có bạn bè ghé chơi khoái thiệt. Nhỏ Chuôn còn hỏi cho chắc ăn: “Tụi tao chừng bảy tám người, nhà mày có đủ chỗ ngủ không?” Dư sức, có hai phòng, con trai ngủ riêng, con gái ngủ riêng. “Vậy mày bệnh, đừng lo chợ búa gì hết, tụi tao đem đồ lên nấu nhe, thằng Lực (nguyên văn) nó dặn như vậy”. Lại “thằng Lực”, sao cái tên này chu đáo thế, nhưng hổng lẻ lâu lâu bạn tới nhà lại nói trẻ thời đi vắng chợ thời xa coi cũng kỳ, tui bèn nhờ nhỏ hàng xóm mua bún mua rau về nấu nồi lẫu Thái và bánh tráng Trãng Bàng cuốn tép. Hai vợ chồng già lục đục nồi niêu chờ bạn.
     Cái tổ chim cu nhỏ xíu chợt xôn xao náo động, khác với sự yên tỉnh hàng ngày. Mọi người đều sà xuống nền gạch lăng xăng chuẩn bị bữa tiệc ngồi. Không biết khách sợ nhà thiếu gạo hay muốn quảng cáo loại gạo đặc sản quê nhà mà đem cả mấy ký gạo thơm lên, trong khi cái nồi lớn nhất của chủ nhân chỉ có thể nấu được… ba người ăn! Nhưng không sao còn nhiều món khác mà, lo gì thiếu cơm! Vui quá làm tui quên cả cái bụng mới xuất viện của mình phải ăn uống kiêng cử, thấy chảo tép kho rim đỏ au, mấy con chim cút vàng ngậy hấp dẫn muốn ăn ghê! Mấy tên con trai còn nói ăn gì bổ nấy khiến tụi con gái hổng dám thò đũa gắp chim sợ bị cười (chỉ lén lén cầm cả con!). Ăn uống dọn dẹp xong xuôi, các bạn tui chắc sung độ, théc méc hỏi: “Hồi trước nghe nói nhà mày ở Thủ Đức (thức đủ) bây giờ lại dọn về Củ Chi (chỉ cu) địa danh nào cũng độc chiêu, lạ nhe!”. Có bạn nói thêm là còn tiền mua thêm cái nhà ở Giá Rai cho đủ bộ! Dĩ nhiên là tui chỉ cười trừ trước đám bạn trời thần.
    Cơm tối xong là cả bọn chui vô phòng. Đám con trai thì chơi uýnh bài, đám con gái thì rù rì đủ thứ chuyện. Phải nói là mang tiếng chơi với nhau cả mấy chục năm, nhưng chưa bao giờ có dịp nằm dài trên giường, gác chân lên nhau hú hí thân mật như vậy. Tú còn nói: “Bữa nay tụi tao bỏ chồng bỏ con lên ngủ với mày là thương mày lắm..Chứ đi vầy tao nhớ cháu ngoại của tao!”. Nói xong nó móc điện thoại ra alô kêu cháu í ới. Mấy bà tám mới chút xíu là ríu mắt ngủ khì. Tui trăn trở với cái bụng ê ẩm vì cả ngày vận động hơi nhiều. Chừng nghe mùi khét mới lật đật ra bếp tắt lửa. Tính mấy ông đánh bài khuya đói bụng, nên nấu nồi cháo trắng ăn với tép rim, ai dè cháo đổi màu vàng! Đến nữa đêm trời bỗng đổ mưa thiệt lớn, tiếng mưa dội lên mái tole nghe rầm rì như sóng vỗ bờ, khiến mọi người có một đêm thẳng cẳng ngon lành…
     Mới tờ mờ tui đã thức dậy chuẩn bị cho bữa ăn sáng. Làm nhè nhẹ kẻo tụi nó thức, ai dè LHK chắc cũng có thói quen thức khuya dậy sớm nên anh chàng mở cửa he hé ra sân hút thuốc. Tui thấy vậy cũng ra theo. Hai đứa ngồi trên ghế đá (ướt nhẹp do cơn mưa hồi hôm) nói chuyện đời xưa, vì mấy khi mới có dịp tâm tình trong không khí thanh thản như vậy. Giọng K đều đều như ông cụ: “Nói thiệt bạn bè ai cũng thương chị, hồi đó khổ đủ thứ, bây giờ mình lớn tuổi có được cơ ngơi như vầy, gia đình êm ấm hạnh phúc như vầy là cha đời rồi, ai cũng mừng cho chị. Mà chị thương anh Sâm cũng là bình thường, nhưng con bé Ph thương được anh Sâm mới lạ. Tui thấy nó quấn quýt bên ảnh, tui cảm động ghê”. Nhớ hồi con bé mới hai tuổi, tui dẫn nó về quê ngoại, biết bạn dạy ở trường Dục Anh, sẵn đường tui ghé vô hỏi thăm. Thầy hiệu phó đi vắng, bác bảo vệ nói thế nào mà hôm sau K nhà ta hớt hải đi kiếm vì nghe có bà nào đó bồng con tới giao(!), báo hại vợ K .. đau tim! Sau lần đó K có ấn tượng nhớ đời tuồng cải lương “Tô Ánh Nguyệt giao con”. Kiệt tiếp: “Bây giờ con nhỏ lớn xộ và má nó thì lấy chồng biệt xứ. Biết vậy hồi đó tui không gã chị đi xa!”. Tiếng cười khà khà của bạn sau câu nói đó làm tui nhớ hoài. Không gã thì để lại làm mắm chắc! Tự dưng thấy thương bạn bè quá đổi, tánh tui nhẹ dạ dễ mũi lòng, đừng chọc tui khóc à nhe!
   Trước khi chia tay, mấy nàng còn đứng ẹo người chụp mấy tấm làm duyên bên cạnh hồ cá có mấy cái bông súng ráng nở do MHS tặng, mang lên từ hôm qua. Còn hai ngày nữa tui bay về Mỹ rồi. Có lẽ kinh tế Mỹ suy thoái ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống của đôi chim già nên tui không hứa bao giờ sẽ gặp lại các bạn, nhưng sẽ ráng bỏ ống heo coi có dư chút nào không. Riêng sau đợt giải phẩu cục u này, sức khỏe tui có phần sa sút và tui cảm thấy hình như là mình “bị” một cục u khác vướng ở đâu đó, tui thỏ thẻ tâm sự với chàng. Ông xã cười chọc quê : “U kê”. Ừ, chắc vậy!
                                                                                                                               Ngọc Ánh



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lâm Thanh Sơn Tết Đoan Ngọ nhăm ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch hằng năm là một ngày Tết truyền thống tại một số quốc gia Đông Á như Việt Nam,...