Thứ Tư, 20 tháng 4, 2011

Văn - Thơ - Truyện ký


Tại quán cà phê Minh Quân

     Quán cà phê Minh Quân trong nội ô tỉnh lỵ mới khai trương khá đẹp với bày trí mở. Hoàng Minh tới sớm với tôi, cả hai chọn chỗ ngồi có thể chứa hơn chục bạn theo dự kiến sẽ tới. Lý Hùng Kiệt tới sau đó, trẻ trung trong áo thun trắng với cái đầu cũng trắng. Rồi Phạm Thu, Hút Sơn, Ngọc Thái từng người có mặt. Nhóm ba nhà (nhà nước, nhà báo, nhà chùa) Chuôn, Tú, Hiền cùng tới một lượt. Cánh Pháp văn có vợ chồng Huệ Dung và Hoàng Mai. Hoàng Mai mới từ Sài Gòn về thăm quê.

Tại nhà của Thoại
       Rủ nhau gặp mặt cuối tuần là việc xảy ra khá thường xuyên với nhóm 68-75 này. Hôm nay cũng vậy. Tới khá đông nhưng chưa đủ. Bên Hoàng Minh còn ghế trống nhưng Hoàng Minh không mời ai vô ngồi cả. Thỉnh thoảng Minh móc điện thoại ra alô. Minh Nguyệt xuất hiện, Minh lo chỗ ngồi kế bên mình, lo nước uống khiến mọi người có chuyện nói. Chuôn so bì Nguyệt về thăm nhà nay chỉ liên lạc với Minh, bỏ Chuôn! Còn Kiệt lo Nguyệt tới chậm một chút chắc Minh sẽ bị tật ngồi nghiêng một bên vì lo ngóng bóng Nguyệt. Trưởng ban liên lạc Hoàng Minh lo chu đáo cho các bạn đâu có gì lạ. Lo cho nữ chút ưu ái hơn lo cho nam cũng là chuyện bình thường. Nhưng mức lo cho Nguyệt có gì bất thường hay tại tiếng cười quí hơn cà phê sáng, nên ai cũng muốn bày cách tặng nhau? Chuyện đó nhỏ như cọng cỏ với tuổi này, hạ hồi phân giải. Bày trò chọc cười cho đã, mất gần hai tiếng đồng hồ cũng chia tay.
Minh và ba Thoại
     Tháng tư quê nhà năm nay trời không nóng như năm rồi. Nghe nói là năm La Nina, còn năm rồi là El Nino, nghĩa là năm nay lạnh nhiều hơn, cân bằng cho cái nóng như đốt năm trước. Thiên nhiên sòng phẳng, nhưng tạo ra các cực chỉ gây khó cho cuộc sống đầy rẫy chuyện không hay. Chắc cũng phần do thời tiết, năm nay con tôm dân nuôi rất èo ọt, chỉ mới tháng tuổi là ẩn mình luôn với đất! Cuối tuần, tôi muốn đi coi tình hình nuôi tôm trong tỉnh, nay nhân tiện có các bạn trong buổi ăn sáng, tôi mời luôn các bạn lên xe, rong chơi cho biết sự tình. Kiệt và Hiền bận chuyện, không cùng đi với nhóm. Vậy là hai bạn mới từ Sài Gòn về thăm nhà là Mai và Nguyệt có dịp cùng các bạn thăm lại Sóc Trăng, Mỹ Xuyên, Trần Đề, Vĩnh Châu một cách bất ngờ, không ai dự tính trước. Xe tới Lịch Hội Thượng, nay thuộc huyện Trần Đề, các bạn đồng lòng quẹo vô thăm ba của Hưng Thoại. Ba của Hưng
       Thoại coi có vẻ rắn rõi, đi đứng mạnh mẽ hơn năm trước khi từ Mỹ hồi hương, da dẻ có đậm màu nắng gió hơn. Các bạn có dịp thực tập tiếng Tiều với pệ. Ngọc Thái hoạt bát khiến không khí ồn ào, vui vẻ. Chuôn, Tú cũng cất tiếng, điểm tô thêm bức tranh thêm màu sắc khiến pệ cười hoài, khiến
Cầu Mỹ Thanh
ai cũng vui theo. Pệ lưu luyến đưa cả nhóm tới tận cửa xe. Trên xe, lại nhắc chuyện nếu pệ ngày nào cũng có nhiều tiếng cười như vậy, pệ sẽ khỏe hoài. Một tiếng cười (thoải mái) bằng mười thang thuốc bổ mà. Xe lên cầu Mỹ Thanh II nhìn về Mõ Ó, nhằm nắng tốt trời trong có thể vươn tầm nhìn tới biển. Nhìn ngược xuống hướng chân cầu, đồng tôm nổi tiếng cả nước (về qui mô và trình độ tổ chức nuôi) lấp lánh dưới nắng. Nhưng sự lấp lánh đó không sống động, bởi những guồng quạt nước cung cấp oxy cho tôm ít cái quay, bởi tôm nuôi đang bị bệnh chết nhiều. Lúc đang ở nhà Thoại, tôi có hỏi Quốc, em Thoại. Quốc nói mới thả giống tôm ba ao, đã đi đủ ba ao rồi!
Cửa biển Mỹ Thanh
      Dù cỡi ngựa xem hoa, chỉ trên xe nhìn qua hai bên đường dọc cánh đồng tôm, nhưng tôi cũng cái nhìn khái quát tình hình, nên tiếp tục xuôi xe qua cầu, tới địa phận Vĩnh Châu, xứ sở của hành tím và củ cải muối. Hai bên đường xã Vĩnh Hải có khá nhiều láng trại lợp lá mới dựng lên để có chỗ che nắng cho hành tím vừa thu hoạch chất đống. Người ta đang tụ nhau lựa hành củ vô bao, xuất cảng. Củ hành vùng này nổi tiếng cay nồng và thơm, hiếm nơi có hương vị như vậy, nên dân Indonesia rất khoái để trộng món sà lách Không khí lao động có vẻ sung túc. Có chỗ đang phơi củ cải, nhưng lúc này không phải là thời điểm chánh của mặt hàng này. Bây giờ Vĩnh Châu có thêm sản phẩm mới, giá trị rất cao là con tôm nuôi, nhưng con đường xe đi qua không nằm trên trục nuôi tôm của huyện. Xe tới khu Hải Ngư sát biển. Biển Vĩnh Châu đang được bồi lấn rất nhanh. Từ mé đường, đưa tầm mắt ra hết vòm cây bãi bồi có thể thấy xa xa sóng biển. Như vậy ít chục năm nữa đất Vĩnh Châu sẽ nở rộng ra khá nhiều.

    Trên đất bãi bồi cây đước trồng lên cao cả mét. Lâu dài sẽ có khu rừng phòng hộ hữu ích hạn chế thiên tai. Vào đốt nhang miếu bà Thiên Hậu kế bên xong, rủ nhau quán hải sản gần đó. Sò huyết rang, tôm sắt nướng, cá nhám xào rau cần và lẫu cá khoai, mực được phục vụ khá nhanh. Rượu mang theo được rót ra, chỉ miễn cho tài xế. Quán cũng bình dân, nhưng hải sản tươi nhất nếu tới vào buổi chiều, khi các tàu cào ven bờ về và cung các sản phẩm thu được tới các quán. Còn đồ đang ăn là có từ hôm qua, nhưng cũng còn tươi ngon lắm. Hơn hai tiếng vui cười vui vẻ, rượu cũng cạn phần và thức ăn cũng vơi, các bạn rời quán, bỏ lại chiến trường ngỗn ngang xương, vỏ…thấy mà ngán cái sức phá của cái… miệng mình. Rủ nhau kiếm chỗ hát karaoke cho xuống…đồ ăn (bởi đâu có ăn cơm mà xuống cơm). Nắng trưa khá nóng, quán có vẻ bình dân thì chê, kiếm

Uống nước mía
ra quán vừa ý thì không có phòng trống nên đành cho xe về theo hướng cầu Mỹ Thanh I. Ra khỏi nội ô thị trấn Vĩnh Châu là đồng tôm ngút mắt kéo dài gần chục cây số tới chân cầu Mỹ Thanh I. Có thể tình trạng tôm nuôi dọc hai bên đường ở đây không khác bên Trần Đề. Tôi chỉ nhìn để kiểm chứng thông tin mình đã có. Qua cầu về lại địa phận Mỹ Xuyên. Ngọc Thái đòi kiếm chỗ uống nước mía. Lái xe làm hài lòng các bạn trên xe. Mát bụng, chuyển sang quá no vì xơi tới hai ly, xơi nhiều vì nước mía đồng quê chỉ 3.000 đồng, quá rẽ! No quá nên bọc bắp luộc Ngọc Thái xung phong đi mua không ai thèm rớ tới.

     Chuyến rong chơi cũng tới hồi cuối. Đi uống cà phê bảy giờ sáng nay tới ba giờ chiều mới về tới nhà, bụng đầy tiếng cười không phải có tiền mua có được. Đó là điều quí giá nhất của sự gặp gỡ. Về tới nhà chắc có người sẽ bị la. Biết sao, chuyến rong chơi là bất ngờ, không ai được báo và chuẩn bị trước. Vậy mà vui, Ngọc Thái cho là như vậy. Thái giành cười nhiều nên như là bụng nó chứa nhiều chuyện hơn, bự lên. Vui hơn hết chắc hai cô bạn bị giam chân trên Sài Gòn, đang tính về quê đổi gió, bỗng được đổi gió một chuyến lang lang đồng quê khá vui vẻ, có chuyện để nhớ và kể cho các con, các cháu ngoại, cháu nội của mình về xứ sở quê nhà.
                                                                                                                                            HQL



Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2011

Văn - Thơ - Truyện ký

                     
    T ình cờ, tới cái tuổi già này, tôi đọc Áo tiểu thư của nhà văn Duyên Anh. Khép trang cuối lại, tôi chợt mĩm cười nối theo nhiều cái mĩm cười trước đó theo diễn tiến câu chuyện. Bởi Áo tiểu thư như là một đoạn phim phổ biến trong mỗi cuộc đời con trai mới lớn trãi qua. Tôi như thấy mình ẩn hiện, lẫn quẫn đâu đó trong Áo tiểu thư ở quãng thời gian tôi bước vào đệ nhị cấp, khi lần đầu học chung con gái.
     Áo tiểu thư kể về nhóm thanh niên mới lớn, tụ tập lại tập tành yêu đương. Cả bọn được nhân vật chính (chắc là tác giả) chỉ dẫn, vẽ đường đi thâm nhập thế giới tình yêu tuổi học trò. Nhưng nhân vật chính cũng trong hoàn cảnh tương tự, không hơn gì đám bạn cùng lứa, chỉ hơn cái liều và biết làm ra những bài thơ sang độc được các báo nhỏ in cho kín trang rao vặt. Từ Áo tiểu thư liên tưởng lại tuổi mới lớn của tôi và của những bạn cùng thời, có những suy nghĩ, những phút giây mềm lòng rất giống nhau, tâm trạng lẫn lộn rất giống nhau dù hoàn cảnh không ai như ai. Nhóm thanh niên mới lớn trong Áo tiểu thư đứng ngoài trường nữ sinh để trông vời tà áo dài trắng tung bay. Còn tôi và bạn đồng lứa có cơ hội nhiều hơn, gặp mặt các bạn nữ hàng ngày trong trường, trong lớp. Nhưng kết quả tới giờ đã hiển nhiên. Trong Áo tiểu thư và chúng tôi đều nhìn áo tiểu thư để trông vời, trông vời mãi mãi suốt cuộc đời.
     Những chàng trai mới lớn trong Áo tiểu thư đều nhát gái, chỉ đứng từ xa ngắm nhìn, lẻo đẻo theo sau. Cả quân sư của nhóm cũng chưa từng dám nắm tay cô bạn mà hắn đã viết một đống thơ tình gởi đưa một cách lén lút vội vả. Nhìn lại tôi, tuy va chạm cuộc sống từ nhỏ, tiếp xúc nhiều người lạ hàng ngày, tôi vẫn tự tin, bền chí, nỗ lực vượt khó nhưng khi sang trung học đệ nhị cấp, khi có con gái học chung lớp, tôi luôn rụt rè trước con gái cùng lớp, cùng lứa. Nói cho đúng chữ là tôi nhát gái, nhát không thua gì mấy chàng khù khờ trong Áo tiểu thư. Tôi không biết do đâu, do tôi tự ti trước cuộc sống vất vả của mình hay do ngày xưa bậc tiểu học và trung học đệ nhất cấp, nam và nữ sinh học riêng, tôi không có nhiều cơ hội tiếp xúc. Nhưng đọc xong Áo tiểu thư, thấy mình không phải là cá biệt, riêng lẻ, là trong số đông, chợt thấy trong lòng có chút là lạ, vui vui.
     Nhớ hồi đó, gần hết năm lớp 9 tôi bắt đầu lo lên lớp 10 sẽ học chung con gái. Nếu học tệ bị thầy cô giáo phạt, như giờ Anh văn tôi hay bị bắt quỳ gối hoặc bị nhéo lỗ tay thiệt đau thì xấu mặt với con gái lắm. Thời đệ nhất cấp, Anh văn là môn học yếu nhất của tôi cùng với môn nhạc. Tôi không có khiếu diễn đạt trường độ và cao độ âm thanh nên phần xướng âm tôi đạt điểm thấp. Dù vẽ các nốt khóa sol đẹp cỡ nào cũng không bù nổi, theo kịp điểm nhạc của bạn bè. Do diễn đạt âm thanh kém nên tôi đọc tiếng Anh cũng kém. Gần cuối tháng nếu còn giờ tiếng Anh là tôi vắng mặt nhằm bảo toàn hạng tháng vì các cột điểm trước đó toàn cao cao, nếu kèm cặp trứng cút cuối tháng bảo đảm thứ hạng sẽ rớt xuống giữa bảng. Do điểm môn Anh văn và các môn học khác của tôi chênh lệch quá lớn, cô giáo Anh văn càng quan tâm tên học trò kỳ cục như tôi. Cô càng quan tâm tôi càng có hạng thấp. Dù sao, là lỗi tại tôi. Do tiếng Anh kém, sợ con gái cười sau này, nghỉ hè năm lớp 9 tôi ôm cuốn văn phạm tiếng Anh Trần Văn Điền do anh tôi để lại học nhừ tử, đảo đi đáo lại mấy lần. Cám ơn ông Trần Văn Điền viết sách dễ hiểu và tôi không thuộc đầu bã đậu nên trước khi nhập học lớp 10 tôi tự tin hẳn phần văn phạm tiếng Anh. Tôi thay đổi suy nghĩ, học chung con gái không chỉ làm tôi lo, cái lo đó đẻ ra cái động lực buộc tôi siêng học hơn, quả là trong rủi có may, trong bất lợi có cái có lợi.
       Danh sách các lớp 10 được công bố. Các lớp 9 bị chia lẻ ra đều cho từng lớp theo sinh ngữ và theo ban. Bởi vậy lớp nào cũng nhiều bạn mới. Chỗ ngồi lớp mới thì tự chọn. Con gái một bên, con trai một bên. Nhưng con trai nhiều hơn con gái nên con gái để trống hai bàn cuối lớp. Con trai chỉ giành bàn bên của mình. Hai bàn cuối bên con gái trống, tôi chọn cái bàn cuối lớp. Cũng hay, để con gái không thấy mình nếu lỡ không may mình bị cô thầy phạt! Những ngày học đầu tiên trôi qua, các bạn làm quen nhau. Nhưng tôi chỉ quen con trai, không dám nói chuyện con gái. Qua khoảng tháng tôi đã biết tên đủ các bạn, biết sức học mọi người. Tôi chỉ hơi lo duy nhất môn tiếng Anh, còn môn nhạc chỉ học những năm đầu đệ nhất cấp. Bất ngờ thầy dạy toán, trong giờ lên lớp, điểm danh làm quen. Thầy hỏi tôi phải là em của anh kế tôi. Sự xác nhận của tôi khiến thầy quan tâm tôi hơn, thầy hay kêu tôi lên bảng trực tiếp giải toán sau này. Thầy cô giáo không phạt học trò như hồi đệ nhất cấp làm tôi nhẹ người.
      Thầy dạy Lý hay hỏi bài Kiển và cô bạn này học hay nhất môn này, còn thầy dạy toán hay kêu tôi lên bảng. Nếu lo ngắm nhìn Áo, không tập trung nghe lý thuyết thì làm sao mà giải được bài tập ngay sau đó. Những bài đầu tiên dễ, nhưng về sau càng khó. Khi đứng trên bảng tôi dễ bị run vì biết chắc con gái đang nhìn lên từ sau lưng, nhất là Kiển ngồi đầu bàn đầu, gần bảng nhất vừa nhắc vừa chọc khiến tôi dễ quýnh quáng mất tập trung. Mỗi khi anh kế tôi học ở Cần Thơ về là tôi phàn nàn, làm em của anh đôi khi bị khổ. Thầy toán tưởng tôi học giỏi, nổi tiếng như anh tôi. Thầy đâu biết phần giải tích phức tạp hơn cái đầu hay tính toán chuyện cơm áo gạo tiền hàng ngày của tôi. Máu nhát gái, sợ con gái cười trong tôi lại nổi lên. Tôi ráng kiếm tiền ra nhà sách mua cuốn giải tích về tự học trước cho chắc ăn. May thay, lục trong đống sách tập cũ của người anh lớn, tôi có thêm mấy cuốn toán toàn bài thi cũ lớp 10, coi như có cơ hội tự học bài trước. Nhờ vậy, thầy giảng tôi hiểu bài vững hơn, nhanh hơn nên việc lên bảng giải bài ngay sau đó không gây khó cho tôi nữa. Môn toán tôi toàn điểm cao nhất. Có bạn nói tôi học giỏi nhờ thầy nâng đỡ. Thật ra tôi học giỏi toán vì đã ráng học, tôi ráng học vì nhát gái, vì sợ con gái cười nhiều hơn.
       Kỳ thi học kỳ I diễn ra. Môn tiếng Anh tôi chỉ thua hơn mười người. Rõ tôi có sự tiến bộ đáng kể trong môn này. Tôi tiến bộ là may, điểm chấm chỉ quan tâm bài viết. Nếu có thi đọc, nói chắc tôi còn lận đận dài dài. Học toán đạt thành tích cao khiến tôi tự tin hơn, học mấy môn khác tích cực hơn. Sự cố gắng đó đã tạo ra cú nhảy bất ngờ. Điểm môn Anh văn học kỳ II tôi cao nhất lớp, rất khó tin. Đó là thành công nhất trong năm học lớp 10, chớ không phải ở các môn học khác. Học hết học kỳ I tôi mới quen dần con gái trong lớp. Với con trai sôi nổi vui vẻ mày tao là chuyện bình thường, còn đứng trước con gái tôi lung túng, mất tự chủ, mặc dù con gái lớp tôi đa phần mặt hoa da phấn, bao nhiêu con trai lớp khác qua xin làm rễ. Còn tôi cứ đứng đó, trong một vườn hoa đủ màu đẹp mắt, mà ngờ nghệch ngẫng ngơ. Ở điểm này, bao nhiêu con trai lớp khác qua xin làm rễ khiến tôi lại liên tưởng so sánh thực tế hồi đó và Áo tiểu thư. Thực tế hồi đó có những bạn nam đồng lứa với tôi rất dũng cảm, biết hy sinh thời gian học tập cho việc tụ họp một số bạn thành nhóm như là để tăng thêm sự tự tin và tập tành trông vời biết bao áo tiểu thư trong ngoài lớp, rồi tìm cách làm quen. Nếu trong Áo tiểu thư những chàng trai mới lớn này chỉ đứng tựa gốc cây ngoài trường nữ sinh, ngắm nhìn và chọn đối tượng để làm quen. Tôi không khỏi cười trong bụng khi đọc trong Áo tiểu thư: Những gốc cây quanh trường con gái là điểm tựa tình yêu của những cậu con trai vừa lớn. Tôi yêu những gốc cây quanh trường con gái. Hy sinh cho tình yêu thơ mộng phải là bờ cỏ quanh gốc cây. Cỏ không mọc nổi. Cỏ chết đi vì những bước chân chờ đợi…Còn các bạn đồng lứa tôi thì học theo …Ngày xưa Hoàng thị. Lẻo đẻo cả bọn theo đối tượng tới nơi cho biết nhà. Biết nhà rồi phải tìm cách làm quen hoặc vào nhà tiếp cận cho chắc ăn! Rồi nhóm tụ tập đó lên kế hoạch làm quen bằng cách cả nhóm chụm đầu viết một cái thơ có cả bọn góp ý. Sau cùng nhóm trưởng viết sạch cẩn thận. Bước tiếp theo là phải tìm cách gởi tận tay đối tượng. Những ngày trước Tết con mèo, bạn cùng thời Lâm Chung từ Mỹ về thăm nhà, đêm 30 Tết bên bàn rượu nhà tôi, kể lại chuyện hồi xưa, lúc còn lớp chín, hắn ở trong một nhóm như vậy. Trưởng nhóm miệng hùm gan thỏ, đứng tên thư mà không dám gởi, và Lâm Chung vinh dự được nhóm tập tành yêu sớm phân công gởi cái thơ tình tập thể đó cho đối tượng. Lâm Chung kể lần đưa thơ đầu hơi lúng túng, bị đối tượng từ chối hất văng cả chồng tập, làm thơ tình bay tung toé! Có lẻ nhóm này ở thời điểm đó chưa có cơ hội đọc Áo tiểu thư. Tình huống này quân sư trong Áo tiểu thư sáng tác ra một bức thư tình mẫu để các đàn em trong tình ái mình ứng dụng. Mẫu thư cũng nên ghi lại đây để lở có ai mới lớn đọc tới đây có cái để lưu ý, để ghi nhớ tập sự sau này. Thơ là:
Em…,
    Em đừng lăng kềnh ra chết sau khi đọc xong bức thơ này. Nếu em lăn kềnh ra chết, loài vật sẽ chết theo, cây cối sẽ chết theo, trời đất sẽ sụp đổ và anh, anh sẽ chết theo. Bởi vì, em yêu dấu, em mà lăn kền ra chết, cuộc đời sẽ chỉ còn hoàng hôn buồn tẻ………..….
Em…………………………………………………………………………….
    Em cũng đừng dại dột xé nát bức thơ này sau khi đọc xong. Bởi vì, thơ tình là thông điệp của tình ái mà thượng đế bắt anh soạn thảo. Xé nát thơ tình, em sẽ bị xuống địa ngục, sẽ ra toà án Diêm Vương, rồi nằm trên bàn chông, rồi leo cầu vòng, xảy chân ngã là chó ngao sẽ ăn thịt em.
    Vậy đọc xong bức thơ này, em phải ướp nước hoa và tưởng tượng anh …(tên người gởi!), một kẻ thèm yêu nhưng nhút nhát. Anh, một người bộ hành phiêu lãng, đường trần gian xuôi ngược để vui chơi và để yêu em.
   Ký tên
   Quân sư còn dặn dò đám đàn em: Thơ này dùng đến muôn đời. Chỉ cần điền ngày tháng năm và tên người mà mày muốn yêu. Mày phải coi như bùa yêu ấy. Để đứa nào chớp là mày hốc xực.
    Đám đàn em nuôt từng lời từng chữ quân sư chỉ bảo, chăm chút chép ra nhiều bản thơ tình mẫu, điền tên gởi, rồi báo cáo kết quả: Gởi con gái bà hàng quýt. Tự dưng nó tặng tôi ba quả quýt đường. Nó còn nhìn tôi say đắm. Tôi gởi luôn em bán mực nướng, cũng được lại quả hai chú mực. Mững này tôi gởi cho vài em bán thuốc lá, vài em bán kẹo, vài em bán nước mía là có quà vặt tối ngày…
     Lâm Chung nếu đọc tới đây chắc tiếc tốn chi thời gian suy nghỉ góp ý câu chữ cho lá thư tình hồi xưa đó. Nếu biết sớm Áo tiểu thư, chỉ chép bài thơ trên bỏ vào hộc bàn ngồi trong lớp của đối tượng sẽ rút ngắn hơn thời gian trông vời…Nhưng mọi con đường đều tới La Mã. Dù không có thư tình mẫu của Áo tiểu thư, các bạn tôi xài chiêu khác. Thư cứ viết cứ gởi dù em có đọc hay không, riết rồi em cũng cảm động. Chiêu này có tên là Nhất cự ly nhì dẽo miệng. Có bạn thì cứ nhắm nhà đối tượng mà tì tì cứ vào…xin làm quen. Chiêu này có tên là Nhất cự ly nhì lỳ mặt! Những chiêu này cũng thu lại kết quả vẻ vang ngoài mong đợi chớ đâu phải giỡn chơi. Nhà văn Duyên Anh, nếu còn sống, dám cập nhật những chiêu này để Áo tiểu thư thêm phần phong phú! Mấy bạn cùng lứa ngoài lớp xin qua lớp tôi làm rễ thành công bước đầu. Các đôi bạn đó cặp kè nhau thì thầm tâm sự khi đầu giờ khi cuối buổi học hoặc đi đâu chơi lúc ngày nghỉ, lúc có tiết vắng thầy cô giáo bất ngờ. Chắc có phần ảnh hưởng, trong lớp tôi rồi cũng có bạn nam làm quen bạn nữ cùng lớp. Cũng có gán ghép người này bạn nọ, từ ít tới nhiều… khiến trong lòng tôi cũng ít nhiều lao xao tình cảm tuổi mới lớn, cảm xúc là lạ đầu đời. Tôi cũng nên mở rộng nói rõ hơn tình hình trông vời của các bạn gần gủi tôi, ít nhiều cũng khiến tôi bị bị tác động. Trong lớp tôi ngồi đầu bàn cuối, kế bên tôi là Hưng Thoại. Nó không cao to, ngồi bàn chót, bị mấy cái đầu nữ tóc bay bay vì gió lùa qua cửa sổ, nghiêng qua nghiêng lại che khuất bảng, khiến nó chép bài khó khăn, nó quay qua chép lại từ tập tôi. Thoại và tôi khá thân, giờ nhìn lại quả tim nó đa đoan lắm, bởi tính ra Thoại trông vời cũng khá nhiều Áo, toàn áo đẹp đẹp, nhưng đa phần chỉ trông vời…vợi. Ngoài Thoại, quanh tôi còn năm bạn nam khác cũng có Áo để ngắm xa xa thôi. Và không ai tỏ vẻ là đàn anh trong lĩnh vực tình trường. Dãy bàn nam bên kia ồn ào hơn, có cả …chuyện tình mà bốn mươi năm sau chưa viết xong trang cuối!
      Lớp tôi còn có các cây thơ nữ có thơ đăng báo tường của trường khá nổi tiếng cả trường. Một bạn cùng thời khá nổi tiếng thơ hay vẽ đẹp, cũng trong bàn rượu, mới hé lộ đã từng có cả trăm bài thơ thời mới lớn đó, có những bài thơ đã gởi và cả những bài thơ chưa gởi đang cất kỹ trong lòng. Quả cái bụng các nhà thơ hết sức mênh mông. Biết chắc các bạn thơ của tôi có lấy khả năng thiên phú của mình để chinh phục đối tượng, còn kết quả ra sao chỉ có người trong cuộc biết. Nhưng nhìn chung kết quả rất…tệ hại. Chắc chất lượng thơ chưa…phù hợp. Còn quân sư trong Áo tiểu thư làm rất nhiều thư sang độc vừa đăng báo vừa gởi tới bạn nữ lấy le, lấy lòng. Đó là những bài thơ đa năng, có thể trị bệnh táo bón cho người lớn tuổi, bởi đọc thấy mắc cười thành tiếng, tốt cho tiêu hóa! Nhưng cũng là những âm điệu du dương làm thổn thức những quả tim vừa nhú mầm mơ mộng nên quân sư còn cho đám đàn em chép để gởi cho đối tượng của từng người. Các bạn tôi chắc không ai đẳng cấp làm thơ kiểu quân sư trong Áo tiểu thư, nhưng chắc các bạn tôi cũng không thua kém trong việc xài thơ tình của những nhà thơ nổi tiếng. Chắc tuổi trẻ mộng mơ lúc đó không chỉ quân sư trong Áo tiểu thư mà ai cũng thuộc: Đi chung một quãng chiều tan học/ Chẳng nói yêu mà yêu thiết tha (Vũ Hoàng Chương) Ai bảo em là giai nhân/ Cho đời anh đau khổ/ Ai bảo em ngồi bên cửa sổ/ Cho vương vấn nợ thi nhân (Lưu Trọng Lư). Thuộc để tự an ủi hoặc tự động viên mình, để viết trong lưu bút, nhật ký cất giữ lên mà thôi.
       Rồi cũng kết thúc năm học. Kết quả học tập cuối năm của tôi rất tốt. Kết quả đó khiến trong bụng tôi vui vô cùng nhưng không biết ai chia sẻ. Cả nhà tôi lo chạy gạo từng bữa, không ai rãnh rổi để tôi khoe cái sự học của mình. Chỉ có thầy dạy toán khen tôi trước khi thầy chuyển lên Sài Gòn. Nhưng có ai biết tôi học hay là nhờ nhát gái, nhờ con gái. Không có con gái trong lớp bảo đảm sức học tôi không tốt như vậy và chắc chắn tệ hơn nhiều. Nhờ con gái vậy đó nhưng tôi không có động tác gì cám ơn con gái cả. Tôi cứ trông vời…. Quên, còn cô bạn chung lớp đẹp gái Hoài Lan cùng đường về vì ở chung đường, thỉnh thoảng đối mặt hay khen tôi học giỏi, khiến tôi nở to lỗ mũi để không khí chạy vào mát rượi tận đáy trái tim. Nở rồi lại xẹp bởi cảm xúc tôi như bị một lực vô hình nào đó chặn lại bởi mỗi khi tôi vô tình hay cố ý qua nhà cô ta, len lén nhìn vào đều gặp lắm kẻ trông vời đang trong đó. Có lẻ điều kém may mắn nhất hồi đó của tôi là không có một quân sư như trong Áo tiểu thư hoặc không tham gia một nhóm tập tành đi tìm cảm xúc mới.
      Đâu phải chỉ các nhóm tập tành trông vời, không chỉ một số bạn tôi biết và cả tôi len lén trông vời. Sau này, khi đã vào đời, khi đã an bài, bạn cũ có dịp gặp, bên bàn trà cà phê bia rượu, cởi mở tâm tình chuyện hồi xưa…Té ra nhiều, rất nhiều bạn nam đã từng trông vời hơn tôi từng biết trước đó. Trông vời với nhiều dạng rất phong phú, rất hồ hởi sôi nổi, rất lặng lẻ thầm lặng. Trông vời từ xa, trông vời đối mặt, trông vời một chiều và cả trông vời…nhau mà không biết, hoặc không dám nói. Vui hơn là nhiều bạn trông vời một bạn nữ, hay một bạn trông vời cùng lúc nhiều áo tiểu thư! Tình cảm đầu đời nó khù khờ, nó phức tạp thậm chí nó lố bịch như vậy đó. Mà có sai trái gì không? Suy nghỉ nhận xét chuyện này phải dựa trên cả yếu tố tâm sinh lý. Nếu vậy sẽ dài dòng lắm. Chỉ cần lấy cảm xúc của chàng quân sư trong Áo tiểu thư khi nhiều năm sau về lại ngôi trường cũ, nhìn lại hình ảnh tuổi mới lớn của mình sẽ là một lý giải rất hay: Những người đang đứng dưới những gốc cây trước và gần ngôi trường con gái đều là những người tuổi vừa lớn, vừa biết đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư. Họ đứng đó…Hồn thả trong mộng, mộng lẫn vào thơ. Không có thực tại ở thời gian và không gian này. Đừng cấm họ mộng mơ. Họ sẽ trở về thực tại khi hành lý đầu đời đã no tròn kỹ niệm. Họ ngẩn ngơ, khù khờ, lố bịch chẳng ra cái thể thống gì cả. Bởi vì, họ vừa lớn. Họ đem sự ngớ ngẩn, lố bịch vào tình yêu, tình yêu rất thơ và rất buồn cười. Tôi thương họ, tôi yêu thương tuổi trẻ biết mộng mơ. Thiếu mộng mơ tuổi trẻ sẽ tàn nhẫn lắm. Gốc cây kia tôi đã đứng. Chẳng có gì làm cho tôi phải xấu hổ. Niềm vui nhẹ nhàng và nổi buồn man mác. Tình yêu học trò là tình yêu phù du, là những cơn mưa bóng mây, là một kỹ niệm buồn cười đáng ghi nhớ... Vậy là các bạn tôi ngày xưa, bạn cùng lớp lẫn bạn cùng thời Công Trí, Hưng Thoại, Huỳnh Thái, Kế Vị, Khánh Phước, Hoàng Minh, Khả Trung, Trầm Thành, Hồng Võ, Hùng Kiệt, Phạm Thu, Minh Đức…và cả tôi nữa, những kẻ từng trung học chữ nhưng tiểu học ái tình, từng thất vọng vì đã từng trông vời vời vợi chẳng nên công cốc gì, từng than trách trái tình đắng hơn trái bồ hòn sẽ cười tươi một cái khi đọc tới đây. Một thời vụng dại lâu rồi chưa lý giải hết, nay sẽ như vừa bay bỗng lên trên mọi vấn vương. Nếu trong Áo tiểu thư, cuối cùng cả nhóm không tìm được, không kết thân được một tiểu thư nào, bởi mẫu thơ tình gởi trúng hai nữ sinh là bạn thân, hai bạn này tâm sự khoe thư khiến cả nhóm bị bể mánh. Còn các bạn tôi cũng không có một mối tình nào đơm hoa kết trái bởi như Áo tiểu thư đã giùm biện bạch, tình cảm đầu đời là thứ tình cảm đầy bồng bột, cảm xúc chưa sâu lắng, xúc cảm chưa chin chắn… Nhưng nếu có mối tình nào có hậu cũng là chuyện bình thường.
      Tôi cũng thấy rất hay những lời kết trong Áo tiểu thư: Cơn mưa đã tạnh. Trời lại xanh như trời đã xanh. Tôi vào đời với gói hành lý bọc kín bằng một tà áo tiểu thư. Tà áo mãi mãi thơm như tuổi trẻ và tình yêu. Cảm xúc tuổi trẻ chửng chạc lên khi qua thời vừa mới lớn. Nhưng những tình cảm đầu đời đầy ngẩn ngơ, ngớ ngẫn, đầy nghịch lý và quá dễ thương kia mãi mãi không phai. Nhưng đó là chuyện sau này. Còn tôi dù gặp nhau hàng buổi học suốt cả năm trời, đã len lén trông vời nhiều áo tiểu thư, nhưng tính rụt rè trước con gái tôi còn nặng nề hơn. Nặng đến nổi tới bây giờ, mấy chục năm sau còn chưa bình tỉnh lại, để nhớ lại đầy đủ cảm xúc, để dám nói mình thực sự đã từng trông vời mấy ai, ai với ai, ai hơn ai. Nhưng dẫu sao cũng phải nói tiếng cám ơn con gái, những bạn chung lớp, dẫu có muộn màng. Nhờ có những bạn này tôi mới có nghị lực học giỏi hơn, có được những cảm xúc đẹp nhớ hoài, mãi tới hôm nay.

                                                                                                                               HQL

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2011

Trang chủ

   
     Mỗi năm cứ vào tháng ba khi những ngày vui Tết đã qua rồi và người người chuẩn bị vào mùa lễ hội từ Nam Quan tới Cà Mau là tôi lại lăng xăng lo giấy tờ, hành trang cho chuyến dài ngày tới xứ Hoa Kỳ.
           Năm nay tôi chuẩn bị có phần kỹ lưỡng hơn. Sắm va li mới to hơn, đồ lạnh trang bị tận gót chân, lịch trình gặp gỡ khách hàng được tính toán sắp xếp thật chu đáo bảo đảm gặp hết những đối tác để hy vọng phát triển được việc mua bán sau này. Bạn chung nhóm đã lo vé máy bay cho cả lịch trình, hãng UA. Rạng sáng tôi và cả nhóm vô phi trường làm thủ tục gởi hành lý. Va li tôi xếp cuối trong nhóm. Khi tới va li tôi cô nhân viên làm thủ tục báo tin mừng là tôi đã được chọn ngẫu nhiên để kiểm tra hành lý. Cô ta nói xong tôi chưa biết ất giáp gì là có ngay một nhân viên nam xách vali tôi ra bàn gần đó và yêu cầu tôi mở vali. Dĩ nhiên đâu có gì đáng kinh ngạc ngoài quần áo chỉ có cái tô nhựa, mấy gói mì ăn liền và bọc khô. Nhân viên đó vui vẻ giúp tôi đóng va li còn cười nói chắc chú đi du lịch (chắc dân du lịch nào cũng cò mì gói trong vali!). Mấy bạn đồng nghiệp thì cười tôi trúng số. Tới khâu an ninh, sau khi coi giấy lên máy bay của tôi một nhân viên nam liền mời tôi ra đứng bên và mở túi xách, giầy và lấy tất cả đồ trong túi quần áo ra ngoài.
       Dĩ nhiên đâu có gì nhưng tôi bắt đầu bực dọc. Quá cảnh Đài Loan, tại phi trường trong khi chờ lên máy bay đi tiếp, tôi mượn boarding pass đồng nghiệp đối chiếu với của tôi coi có gì khác lạ. Quả nhiên của tôi có 4 chữ S (tư ếch!) ở góc phải cho chuyến Đài Loan-Chicago. Còn chuyến Chicago-Boston thì các giấy này đều giống nhau. Vậy là tôi biết thân tư ếch tôi còn khổ! Quả nhiên cô nhân viên đưa giấy tôi vào máy kiểm tra lên máy bay là đèn đỏ bật lên. Tôi được mời qua góc và cái xách tay được mở ra. Đồ trong túi cũng móc ra. Dĩ nhiên chỉ để tên nhân viên đó cười, cám ơn và chăm chú ghi tên tôi vô danh sách (chắc danh sách đã thông tin nội bộ trước). Khi ngồi trên máy bay chưa bao lâu lại có cô nhân viên tới hỏi tôi ngồi có đúng chỗ!!! Chương trình giám sát mẫu kiểu này chắc lần sau tôi qua hãng khác mất vì bực bội.
        Ở phi trường Chicago cả nhóm bốn người tôi đẩy hành lý ra chung và được chỉ qua bên kiểm tra bằng máy. Va li tôi qua trót lọt. Chỉ có một thùng carton của một anh bạn trong nhóm bị giữ lại. Anh ta không khai báo vì chỉ là kiện thực phẩm người nhà gởi qua thăm con bên Mỹ. Bên trong có mấy lon đồ hộp cá và…gà. Ba lon thịt gà hộp bị tịch thu và tiền phạt 300$, cộng với mất thêm hơn tiếng đợi làm thủ tục…phạt. Cũng may còn thời gian kip nối chuyến về Boston. Tôi có dịp chọc quê, tôi tư ếch, anh ta năm ếch mà không hay. Tới Boston nhận hành lý ra về, anh bạn khác mới coi kỹ cái va li mới mua mới tinh của mình, bộ phận khóa bị cắt ngang ngọt xớt. Cái va li đẹp mất giá vì không còn khoá được. Về khách sạn mở ra, bên trong có thêm tờ giấy ghi ĐÃ KIỂM TRA. Anh chàng này hay cười người khác. Cười người cho đã lát sau người cười, được gán thêm cái danh sáu ếch.
    Boston năm nay bớt lạnh hơn năm rồi, chưa thấy tuyết. Khu China Town cách khách sạn non nữa cây số nên lội bộ đi về cho các bữa ăn là chuyện nhỏ. Chủ quán phở ở đó đã quá quen với chuyện đến hẹn lại lên hàng năm, và quán chị ta đông lên bất thường vì cả trăm người từ quê nhà qua tới lui nhiều nhất ở quán này. Biết vậy, buổi sáng quán chị mở cửa sớm hơn thông lệ để chúng tôi có chỗ ăn sáng theo ý thích. Hội chợ Thuỷ sản Boston năm nay rất đông khách tới dự. Theo lịch đã hẹn tôi và phụ tá phải gặp gỡ khá nhiều bạn hàng. Trong nước phụ tá tôi cũng thỉnh thoảng xài tiếng bồi với phía bạn trên phone nên hơi chủ quan, không đưa theo thông dịch cho tiết kiệm. Lên phòng họp theo lịch hẹn ở hai bên cánh gà khu Hội chợ, nhìn vào phòng họp thấy cả chục người Mỹ đang chờ. Vậy là tôi rút lui, trở qua gian hàng Vịêt Nam nhờ một cháu lên thông dịch tiếp.
     Mọi việc cũng ổn thỏa. Những khách hàng khác thì nhẹ nhàng hơn nên cũng êm xuôi. Không vào hang cọp sao bắt được cọp con. Không liều như vậy sao dũng cảm cong lưỡi nói tiếng Anh, phụ tá tôi lý sự như vậy, nhưng tôi cũng một phen hú hồn. Bởi nếu không kịp tìm nhờ cháu thông dịch thì phía bạn có thể đánh giá mình coi thường đối tác! Hội chợ náo nhiệt hơn các lần trước. Bên trong có thêm Hội chợ thực phẩm nên tôi thêm lần xơi buffet quốc tế. Ăn tôm ăn cá bên ngoài xong, mà hàng mẫu nên toàn đồ ngon, vô bên trong ăn bò ăn ngỗng, ăn kem uống sinh tố, uống bia rượu chừng nào no thì nghỉ. Tối, phía bạn chiêu đãi khá trang trọng. Cả trăm khách ăn buffet với quày tôm hùm ăn không bao giờ cạn, quày rượu có người pha chế theo ý thích. Chỉ có nhóm khách mời VN là cùng ngồi chung nói chuyện vui vẻ

khiến chủ nhà thấy hay quá cùng đến chung vui, nói chuyện cởi mở. Và bởi vậy, rượu hao thêm. Thời gian ở Boston tôi được các bạn cùng thời bên Mỹ chăm sóc kỹ lưỡng qua điện thoại. Rất cám ơn tấm lòng thân ái các bạn.
     Tôi rời Boston với tâm trạng vui vẻ dù tôi rất mệt mõi vì thiếu ngủ liên tục. Tôi vui vẻ vì công việc rất thuận lợi. Tất cả khách hàng đều khen ngợi chất lượng sản phẩm hãng tôi vượt trội và kế hoạch tiêu thụ đều tăng lên. Sự nỗ lực năm qua của hãng tôi đã gặt hái trái bói đầu mùa. Theo đánh giá của tôi tiếp theo sẽ là mùa thu hoạch tốt. Tới Los đã hơn hai giờ chiều. Trễ hẹn một chút. Kiều Công Thành đã đợi sẵn ở khách sạn. Nhận phòng xong là tôi lên xe với Thành xuống San Diego. Hơn tiếng đồng hồ sau đón Trần Thị Hai ở sở làm trong một khu công nghiệp nhỏ. Chị Hai
có eo hơn lần gặp năm ngoái. Chắc do ăn uống dè sẻn vì thời buổi khó khăn. Hai mươi phút sau tới nhà Dương Bạch Tuyết. Tôi gặp Bạch Tuyết lần gần đây nhất chắc khoảng 37 năm trước. Bạch Tuyết bây giờ cũng dễ nhìn ra nếu có chuẩn bị tinh thần trước. Cô bạn này ăn nói vui vẻ, rất vui vẻ. Nhưng chứa bên trong là nổi khó khăn về tinh thần (cả vật chất) đã vướng phải hàng chục năm qua. Từ quê nhà tôi từng nói chuyện qua điện thoại nên mọi người không bở ngở, sau phần hỏi thăm, kể lể, tâm sự…là kéo nhau đi ăn chiều. Tô bún bò Huế quá lớn, quá nhiều thịt nên bị bỏ nữa (phần do nói chuyện nhiều nên quên ăn!). Đưa Bạch Tuyết trở lại nơi ở và chia tay. Cuộc gặp gỡ này không biết là nên hay không. Bởi việc thăm hỏi không đem lợi ích gì tới Bạch Tuyết, đôi khi lại làm Bạch Tuyết cảm thấy thêm buồn vì sự cách biệt
hoàn cảnh với bạn bè. Bởi vậy Trần Thị Hai, Kiều Công Thành và tôi đều nói vô là Bạch Tuyết nên siêng tập thể dục, tham gia ca đoàn để có sức khỏe và giảm bớt thời gian ở không dễ buồn chán. Trên đường về ghé nhà Trần Thị Hai. Thật ra là nhà cháu anh Hai. Nhà đẹp, vừa phải. Chị Hai chắc sống thoải mái hơn vì cả hai vợ chồng đều đang có công việc, dù thu nhập không cao lắm. Dẫu sao có việc còn hơn không. Nhờ vậy Trần Thị Hai mới có điều kiện sẽ về quê thăm bạn cũ vào cuối tháng năm tới. Kiều Công Thành còn nhắn một số bạn để gặp nhau chiều cuối cùng tôi ở quận Cam. Buổi sáng Thành đưa tôi đi ăn sáng, uống cà phê và coi các điểm có thể họp mặt. Hơn bảy giờ tối cũng đủ mặt. Không chỉ 68-75 với Công Thành, Thái Hồng, Huỳnh Thái, Quốc Bửu, Cẩm Nhung còn các khoá học khác đàn trên Ngọc
Thuỷ, đàn dưới Thanh Nga, Vinh. Hơn mười giờ thì vãng sau khi đã nói với nhau bao nhiêu chuyện dưới đất trên trời. Thái và Bửu phải tốn hơn một giờ xe chạy mới tới nhà trong khi thời tiết được dự báo là mưa và từ hai ngày tới Cali có động đất nên chia tay cũng nhanh.
      Sáng sớm Kiều Công Thành tới trước giờ hẹn đưa tôi ra sân bay. Thành cũng vui nói là nhắn nứng Sâm là nhà nứng bên đây đã bị ngập nước, mau mau về sớm tát nước. Rồi nghỉ sao, Thành cười nói thôi đừng nhắn kẻo Ngọc Ánh nhắn qua nhờ Thành đi tát nước là lỗ nặng! Máy bay quá cảnh phi trường Narita. Vừa xuống máy bay cả nhóm lao nhao tìm chỗ ăn mì, bởi thức ăn trên máy bay khó nuốt. Có tới bốn

tiếng chờ đợi, tha hồ mà cà kê cà phê tán chuyện. Nhóm có bốn người, ba người có sự cố về hành lý. Người còn lại đang hả hê cười, bỗng có tiếng trên loa mời đúng tên anh chàng đang cười kia đi kiểm tra hành lý! Nguyên anh chàng kia mua cái lap top mới và để trong va li. Ở bên Mỹ không sao, tới Tokyo thì có chuyện. Mọi chuyện cũng ổn thỏa. Nhưng ba người còn lại có dịp cười trừ anh chàng bảy ếch!
      Chuyến đi Mỹ năm nay của tôi bình yên như vậy, không có nhiều chuyện sôi nổi như năm trước. Tuy nhiên, điều đáng nói là chuyện thăm hỏi, gặp gỡ bạn bè không tạo ấn tượng nhưng chuyện làm ăn lại khá tốt đẹp. Đó là cơ hội để tôi còn gặp các bạn ở Mỹ những năm sau. Thời gian chờ đợi ở Narita tôi đã điện thoại về nhà nấu nồi canh chua cá lóc. Cá phải bự nữa. Tới nhà là gần sáng. Trưa ngồi trước tô canh chua tôi thấy khoan khoái. Hương vị quê nhà dù sao cũng hơn hamberger. Chỉ còn chuyện cái đầu cứ vật vờ bởi chuyện mất ngủ từ Mỹ kéo dài tới nay. Mất ngủ nên rãnh rang viết lại chuyện này. Mất ngủ cũng có cái ích của nó!
                                                                                                                                         HQL
                                                                                                                                     

hoangdieutruongxua.com: Thơ

hoangdieutruongxua.com: Thơ

  • Ngày về của dế
  • hoangdieutruongxua.com: Thơ

  LỊCH SỬ VIỆT NAM 1. Thời kì nguyên sử ( 2879 – 111   CN • Năm 2819 trc CN : người Việt cổ hình thành (lấy tTtên Bách Việt) • Chiến t...