Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

Văn - Truyện ký

RA TRUNG DỰ FESTIVAL


  
quinhon
    Qua báo đài thông tin, quảng cáo Festival Bình Định 2008 có rất nhiều tiết mục vô cùng đặc sắc . Nào là Lễ nhập điện vua Quang Trung hoành tráng, hào hùng; đêm khai mạc đầy sắc màu mới mẻ; chung kết thi hoa hậu miền đất võ; pháo hoa bên đầm Thị Nại; đêm thơ thi sĩ họ Hàn….Và Bình Định có cầu Nhơn Hội dài nhất vừa khánh thành nữa, quá hấp dẫn, thấy thông tin là tôi muốn đi ngay . Nhưng nhìn lại, đường thì xa, thời gian eo hẹp, xe thì nhỏ bạn lại đông, khó xử quá . Cuối cùng thì chọn…đại diện vậy . Ba bạn U70 ( Dũng, Phương, Lượng ) và ba bạn U60 ( Minh cận, Minh, Thành ) cộng lái xe là tám người, đầy xe và tròn một bàn ăn .
     Từ Sóc Trăng ra Bình Định đi về 2000 km phải mất 4 ngày đường nếu chạy bình thường, chỉ còn một ngày cho thưởng ngoạn vì chương trình được số đông tán thành tối đa có 5 ngày . Vậy chỉ còn cách tận dụng thời gian . Hẹn 12 giờ đêm khởi hành . Thiệt hay, đúng bon 12 giờ xe lăn bánh . Mọi người trên xe nói chuyện thật sôi nổi vì dân cao tuổi dễ thức và cũng để đánh động lái xe đừng ngủ gục . Trước khi đi đã cẩn thận lựa chàng lái xe trẻ khỏe , tay nghề vững và lái xe đã không phụ lòng mong, tới Sài Gòn đúng 3.30 sáng . Coi đồng hồ, giật mình, thức luôn tới sáng, vì lo xe chạy quá nhanh . Lịch trình là đi theo đường Tây nguyên còn về theo đường ven biển . Lái xe lần đầu ra Trung nên phải lần dò hỏi đường ra Bình Dương . Tới Bình Dương trời còn tối, xe chạy luôn ra Đồng Xoài ăn sáng, sẵn mua mấy tờ báo đọc giết thời giờ . Theo quốc lộ 14, tới Ban Mê Thuột mới hơn 10 giờ, ghé tìm tiệm cơm nào đông đông khách ăn cho ngon miệng . Ra khỏi quán, trời xui khiến ( sau này biết chắc là xui quá ) gặp người quen, tay bắt mặt mừng và anh bạn kia từ Sài Gòn ra cũng đi dự Festival sẽ đi Bình Định bằng đường tắt khỏi phải qua Pleiku, rút ngắn trên 100km đường .Vừa biết thêm đường rừng vừa rút ngắn thời gian, nghe mà muốn chảy nước miếng nên đoàn ta thay đổi ngay chương trình không theo đường Pleiku nữa . Anh bạn kia vui vẻ vẻ cho đường đi và nếu đợi anh bạn kia ăn cơm xong sẽ mất thêm cả tiếng nên tranh thủ …chạy trước . Theo hướng dẫn xe ta sau khi qua Ban Mê Thuột khoảng 80 km đã rẽ phải đúng chỗ . Ban đầu đường nhựa còn tốt, rộng; dần dần đường thu nhỏ hơn và đầy ổ ..chó và đường vắng xe nên chó chạy giỡn đầy đường . Ngã ba khắp nơi, vụ này bạn kia không có nói trong hướng dẫn; nên tới mỗi ngã ba là ngưng xe hỏi tùm lum . Hỏi tùm lum vì hỏi rất nhiều người mà không ai biết, hoặc trả lời trớt quớt …vì đều là dân tộc thiểu số .Vùng Ban Mê Thuột có các sắc dân Ê đê, Hơ Mông… còn khu vực Pleiku thì có người Gia Rai, Bơ Na …. Đi vô khoảng xa, sâu trong rừng, đồi rồi không biết gặp dân tộc gì, mà trên xe đâu ai biết tiếng dân tộc, nên hỏi riết thì ..lười hỏi . Có người biết tiếng kinh trả lời thì nói không có đường tắt nào đi Bình Định đâu, quày xe lại đi . Nghe mà não lòng . Giận trong bụng, bèn điện thoại hỏi lại người bạn, may mà trong rừng vẫn có sóng điện thoại . Bạn đó chỉ rất mạch lạc nhưng không biết đường đâu mà rờ, vì trong sâu chỉ là đường đất, hoàn toàn không có bảng báo, chỉ dẫn gì cả . Minh cận bèn lấy lap top ( trên xe có ổ điện ) mở Google Earth đã lưu trữ trước về lộ trình, tiếc là chỉ có lộ trình quốc lộ, còn đường đất này chắc nhỏ quá không tìm thấy . Anh Lượng nói mình cứ theo đường dây điện mà chạy . Lỡ rồi, nghe có lý, chạy thôi . Một lúc thì hết đường dây điện, lại gặp ngã ba trong rừng không một bóng người .Trên xe im re, cùng lúc nhiều người muốn đổ xăng, chắc do hơi căng thẳng vì lo . Cuối cùng lựa đường tốt đi . Đi được khoảng 5km nghe tiếng người phía trước, ai cũng mừng . Qua cua , gặp người và ..hết lối đi . Họ cho biết họ đang mở đường vào một đập thủy điện đang xây ở phía trước !!! Quẹo lại ngã ba vừa đi qua mà lòng vừa lo vừa mừng . Mừng là cũng may chưa lạc sâu, lo là con đường gồ ghề còn lại với con suối vắt ngang đường có phải là chính lộ ? Liều vậy, cũng may sau bữa ăn trưa xe đã đổ đầy xăng và trời còn sáng . Xe bò qua ngầm, lên dốc, bất ngờ xuất hiện cột km bên đường, không khí trên xe chợt sôi nổi lên vì mừng đúng đường . Mọi người bắt đầu nổ . Anh Dũng ngồi sau nói anh Phương ngồi trước bên lái xe là lúc nảy mặt anh Phương xanh như tàu lá . Anh Phương phản pháo nói anh Dũng lo trong bụng muốn “tái đé” nên cứ lâu lâu là đòi ngừng xe đổ xăng hoài. Tôi bèn lấy nắm xúc xích mang theo khen thưởng cả xe để tăng thêm sức nổ . Nhưng tìm ra lộ rồi chạy hoài cũng không thấy hết đường . Sau này mới biết lại thêm lần lạc ở ngã ba, đáng lẻ rẽ phải, ta đi thẳng, nên tốn thêm khoảng thời gian chạy lòng vòng . Cuối cùng, khi mặt trời đã núp sau rặng núi một quảng thời gian, sau khoảng 6 tiếng lưu lạc trong rừng xe ta mới đụng quốc lộ 19, nối Pleiku với Bình Định .Lúc đó anh bạn tốt bụng kia đã ăn cơm chiều xong ở Qui Nhơn . Hú vía, về tới chỗ nghĩ gần 9 giờ đêm . Tính ra cả ngày lái xe đã cầm vô lăng 20 tiếng, vượt đoạn đường chính thức cộng đoạn đường ngu là gần 1000 km .Và nếu trời mưa bất chợt, đất đường bị nhão thì giờ này chắc đang ngủ đói trong rừng .
     Do đã liên lạc trước từ hôm trước, sáng 4 giờ cả nhóm thức tập thể dục rồi đợi tình nguyện viên hướng dẫn đi dự Lễ nhập điện vua Quang Trung ở Phú Phong ( khu Viện bảo tàng Quang Trung ) cách Qui Nhơn 40 km . Chưa 6 giờ sáng ta tới nơi . Từ xa thấy khán lễ đài cao rộng mà lòng phơi phới . Tới gần thì thấy khán đài đã kín đầy khán giả . Số dưới sân và đi lòng vòng chắc cũng xấp xỉ số ngồi trên khán đài . Hỏi ra mới biết chắc do truyền thống Tây Sơn hào hùng còn vang vọng mạnh nên dân từ Kon Tum, Pleiku, các nơi trong tỉnh Bình Định đã trẩy hội về đây từ chiều hôm trước, phơi một đêm chờ đợi .Thấy tấm lòng của các khán giả mà mình hơi..nãn lòng vì thả 1000km tới đây chỉ để nhìn mũ bảo hiểm trước mặt . Minh và Minh cận rủ nhau chen ra trước kiếm pô hình vua Quang Trung đang cởi voi . Có mấy cô gái lạ nhào vô chen chung làm hai anh này chắc khoái . Quay ra, Minh rờ túi, mất tiêu cái liên lạc với vợ nhà . Minh cận an toàn, triết lý là chống lại chuyện vua Quang Trung chỉ có quân Nguyễn Ánh, vậy là Minh đã bị nữ quân Nguyễn Ánh mưu phục lấy đồ. Cũng chí lý . Biết gì hơn đành bỏ lễ đi thăm khu Ghềnh Ráng . Bãi Trứng như đẹp hơn do được bổ sung trứng từ nguồn đá trứng khá đẹp tận bên Lào . Đầy các bảng cấm khách du lịch không lấy đá trứng . Nhưng đứng giữa bãi Trứng nhìn quanh thấy ai cũng đang lựa trứng . Tâm lý số đông vẫn tác động tốt ở đây . Nên mặc sóng biển ì ầm, quân ta cũng kiên trì lựa trứng . Lựa trứng rồi lại chưa biết cách đưa trứng vào xe, vì còn phải qua các anh bảo vệ đứng bên trên . Cuối cùng che nhau cũng ổn, lên xe điểm danh được một tá trứng . Kiểu này không lâu bãi Trứng còn là bãi cát . Cả nhóm lên khu mộ Hàn Mặc Tử chụp hình lưư niệm, cùng sải chân trên dốc Mộng Cầm đã được xi mắng hóa phẳng phiu như tìm một chút dư âm câu hát Đường lên dốc đá nhớ xưa ….
     Thăm cầu Nhơn Hội bắc qua đầm Thị Nại, cầu tuy không cao nhưng rất dài và đẹp, là điểm đột phá để phát triển bán đảo Nhơn Hội, phát huy được thế mạnh địa lý tiềm năng . Tuy nhiên, trước mắt bán đảo chỉ là các bãi cát hoang sơ . Nhưng chắc vài ba năm thăm lại chắc sẽ khác hoàn toàn . Sau buổi trưa hải sản tươi sống gần cầu rất ngon và rẽ, đoàn ta về ngủ bù, chuẩn bị cho đêm là khai mạc Festival mà ta được bạn địa phương lo cho 8 cái giấy mời có chỗ ngồi trên khán đài trung tâm đàng hoàng . Nói vậy chớ chỉ nằm chút xíu là cả đoàn hè nhau rủ đi Hội chợ . Tranh thủ đi vì 5 giờ chiều bạn địa phương mời cơm ta tại ngay nhà nghĩ, không được trễ giờ . Xe chạy vòng tham quan công viên ven bãi biển . Công viên đầy các lều trại do dân khắp nơi về dự Lễ hội không tìm ra chỗ ngủ vì khách dự quá đông . Đoàn ta có chỗ nghĩ là do có mối quan hệ lâu dài từ trước nên được ưu ái 3 phòng 6 giường cho 8 người, hơi chật nhưng vui . Bạn đãi ta nguyên một con hon, thú rừng như chồn, thịt mềm, ngọt ngon . Phía bạn quá nhiệt tình, nhiều người xếp việc tới dự và bia được đưa lên bàn tiệc liên tục . Anh Dũng nổi tiếng uống bia giỏi cũng đôi lúc thấy…no . Tiệc gần tàn thì gió thổi mạnh, trời mây đen nhiều . Điệu này nếu ta lên khán đài thì sẽ ướt như tắm và uống bia nhiều, trên khán đài dã chiến người như nêm, cứng bụng làm sao xử ? Cả nhóm quyết định tiếp tục uống bia để không phụ lòng chủ nhà và coi Lễ qua trực tiếp truyền hình trên TV trong phòng . Tới đoạn thấy khán giả mắc mưa, chương trình trực tiếp truyền hình bị gián đoạn thấy mình hơi may mắn .
    Thời gian cho thưởng ngoạn có một ngày, nên sáng hôm sau ta đành bỏ các tiết mục còn lại, từ giả Bình Định để xuôi Nam . Bạn tặng ta một thùng rượu Bàu Đá, đặc sản nổi tiếng của địa phương và không quên ân cần mời ta ăn sáng gồm bánh hỏi với lòng, thịt heo kèm bia . Tập quán mỗi nơi mỗi khác, nhóm ta chiều bạn, cầm ly bia buổi sáng mà lòng tê tái vì lượng bia trong người tối qua vẫn còm dư âm . Đã điện thoại hẹn người bạn Phú Yên để ghé ăn món cá ngừ đại dương tươi sống nổi tiếng . Vừa hít hà từ hương cay washabi vừa cắn miếng cá tươi trong ai cũng khen ngon, lại còn gỏi sứa sống , mực tươi nướng, cá chưng…. Cuối cùng bàn ăn cũng trống trơn, chai rượu Bàu Đá cũng cạn . Bỏ lại sau lưng Phú Yên và người bạn học chí tình, xe đến Nha Trang chỉ hơn 2 giờ chiều, vội vàng mua vé cáp treo qua Vinpearl để biết mùi vị đi cáp treo và coi phim 4D ít nơi có . Hầu hết trong nhóm mới đi cáp treo lần đầu nên nhiều ngươì tỏ vẻ hồ hởi, tuy hơi hồi hộp, nhưng một chút sau là quen . Chỉ mất 8 phút là qua tới đảo Hòn Tre . Sau một vòng đi quanh, xếp hàng coi phim lạ lần đầu cho biết . Tiếc là phim dài có 5 phút mà mất 20 phút đợi chờ . Theo chương trình, quay lại bờ, theo lộ mới mở để đi Đà Lạt . Trước đây từ Nha Trang muốn lên Đà Lạt phải xuống Phan Rang rồi vượt đèo Sông Pha mất 220 km, nay đường mới mở ngắn hơn 90 km . Đường mới mở này có đèo Hồng Giao dài trên 30 km , khá quanh co, hiểm trở . Khung cảnh trên đèo hết sức ngoạn mục với các cánh rừng nguyên sơ xanh thẳm chưa dấu chân người. Tới đỉnh đèo cao trên 1500m so mực nước biển ,cũng là ranh giới 2 tỉnh thì trời mưa và sập tối . Khởi hành lúc 3.30 tới Đà Lạt gần 8 giờ đêm trong cơn mưa nhẹ . Thật ra do lái xe đi lần đầu chưa quen đường và trời mưa, còn bình thường chỉ mất 3 tiếng đồng hồ .
    Cả nhóm tới Đà Lạt chỉ với yêu cầu là biết con đường mới mở, nay đã thỏa lòng, nên sáng ra là lên đường về . Xe qua đường cao tốc Đà Lạt – Liên Khương vừa khánh thành tháng trước, lại biết thêm cái mới, thêm vui . Tới Bảo Lộc, xe ghé vào Thác ĐamBri, một điểm du lịch mới rất hấp dẫn với thác cao hơn 60m, đảo khỉ vài ngàn con và khung cảnh nên thơ, hùng vĩ . Tấm bạt, vật cuối cùng mang theo chưa sử dụng, được trãi ra trong chòi mát mẻ . Rượu, thịt, chả, trứng, bánh, bắp luộc …vừa mua ở Bảo Lộc được bày ra . Vui đùa hồn nhiên giữa thiên nhiên trên 2 tiếng đồng hồ . Ta cười vui quá khiến các cháu gần đó bán vé thang máy coi thác cũng giật mình, thấy lạ, vui lây . Chắc có cháu sẽ nhẩm trong bụng là mấy ông này gìa mà còn ham vui .
    Chương trình mới đề ra không quẹo qua Phan Rang tắm biển mà về thẳng Sóc Trăng nên lái xe chạy khá nhanh . Anh Phương ngồi trước, chân cứ đạp thắng hoài . Anh Lượng nói đạp riết chắc móp xe, kỳ này về chắc phải làm đồng xe lại . Anh Phương thì nói kỳ này về chắc tui có tật chân, vừa đi vừa đạp quá . Anh Dũng thì cứ tiếng đồng hồ lại đòi đổ xăng . Anh ta biện minh là xe chạy nhanh , hao xăng , phải dừng lại đổ xăng . Quả là lý sự gàn . Còn anh Lượng hát suốt từ Bảo Lộc tới Dầu Giây .Rất nhiều điệu hò, lý hiếm hoi nay được nghe lại khiến Minh ngồi phía sau nói anh Lượng sẽ là một địa chỉ sưu tầm dân ca, nhạc cổ sau này . Tuy nhiên mọi người cũng ngạc nhiên vì lần đầu anh Lượng hát hò nhiều, chắc anh Lượng lo xe chạy nhanh quá, hát để tự trấn an tinh thần . Anh Lượng thì nói tui hát vì …quá no, quá vui, quá đã .
    Xe về tới Sóc Trăng đúng 10 giờ đêm . Vậy là xe đã nuốt trên 2000km đi về chỉ có 4 ngày 3 đêm với biết bao cái mới ít khi tìm thấy được; với nhiều chuyện vui, niềm vui chắc còn kể được dài dài dù thân thể có hơi ê ẩm nhất là các U70; với bao điều nói ra thì hơi lãng nhách vì cả chuyến đi như là cưỡi ngựa xem hoa, thời gian ngồi xe quá nhiều mà đi bộ đâu có bao nhiêu . Vậy là không phải đi chơi mà là …ngồi xe chơi thì đúng hơn .
                                                                                                  hoquocluc@hcm.vnn.vn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  LỊCH SỬ VIỆT NAM 1. Thời kì nguyên sử ( 2879 – 111   CN • Năm 2819 trc CN : người Việt cổ hình thành (lấy tTtên Bách Việt) • Chiến t...