Thứ Hai, 11 tháng 4, 2011

Trang chủ

   
     Mỗi năm cứ vào tháng ba khi những ngày vui Tết đã qua rồi và người người chuẩn bị vào mùa lễ hội từ Nam Quan tới Cà Mau là tôi lại lăng xăng lo giấy tờ, hành trang cho chuyến dài ngày tới xứ Hoa Kỳ.
           Năm nay tôi chuẩn bị có phần kỹ lưỡng hơn. Sắm va li mới to hơn, đồ lạnh trang bị tận gót chân, lịch trình gặp gỡ khách hàng được tính toán sắp xếp thật chu đáo bảo đảm gặp hết những đối tác để hy vọng phát triển được việc mua bán sau này. Bạn chung nhóm đã lo vé máy bay cho cả lịch trình, hãng UA. Rạng sáng tôi và cả nhóm vô phi trường làm thủ tục gởi hành lý. Va li tôi xếp cuối trong nhóm. Khi tới va li tôi cô nhân viên làm thủ tục báo tin mừng là tôi đã được chọn ngẫu nhiên để kiểm tra hành lý. Cô ta nói xong tôi chưa biết ất giáp gì là có ngay một nhân viên nam xách vali tôi ra bàn gần đó và yêu cầu tôi mở vali. Dĩ nhiên đâu có gì đáng kinh ngạc ngoài quần áo chỉ có cái tô nhựa, mấy gói mì ăn liền và bọc khô. Nhân viên đó vui vẻ giúp tôi đóng va li còn cười nói chắc chú đi du lịch (chắc dân du lịch nào cũng cò mì gói trong vali!). Mấy bạn đồng nghiệp thì cười tôi trúng số. Tới khâu an ninh, sau khi coi giấy lên máy bay của tôi một nhân viên nam liền mời tôi ra đứng bên và mở túi xách, giầy và lấy tất cả đồ trong túi quần áo ra ngoài.
       Dĩ nhiên đâu có gì nhưng tôi bắt đầu bực dọc. Quá cảnh Đài Loan, tại phi trường trong khi chờ lên máy bay đi tiếp, tôi mượn boarding pass đồng nghiệp đối chiếu với của tôi coi có gì khác lạ. Quả nhiên của tôi có 4 chữ S (tư ếch!) ở góc phải cho chuyến Đài Loan-Chicago. Còn chuyến Chicago-Boston thì các giấy này đều giống nhau. Vậy là tôi biết thân tư ếch tôi còn khổ! Quả nhiên cô nhân viên đưa giấy tôi vào máy kiểm tra lên máy bay là đèn đỏ bật lên. Tôi được mời qua góc và cái xách tay được mở ra. Đồ trong túi cũng móc ra. Dĩ nhiên chỉ để tên nhân viên đó cười, cám ơn và chăm chú ghi tên tôi vô danh sách (chắc danh sách đã thông tin nội bộ trước). Khi ngồi trên máy bay chưa bao lâu lại có cô nhân viên tới hỏi tôi ngồi có đúng chỗ!!! Chương trình giám sát mẫu kiểu này chắc lần sau tôi qua hãng khác mất vì bực bội.
        Ở phi trường Chicago cả nhóm bốn người tôi đẩy hành lý ra chung và được chỉ qua bên kiểm tra bằng máy. Va li tôi qua trót lọt. Chỉ có một thùng carton của một anh bạn trong nhóm bị giữ lại. Anh ta không khai báo vì chỉ là kiện thực phẩm người nhà gởi qua thăm con bên Mỹ. Bên trong có mấy lon đồ hộp cá và…gà. Ba lon thịt gà hộp bị tịch thu và tiền phạt 300$, cộng với mất thêm hơn tiếng đợi làm thủ tục…phạt. Cũng may còn thời gian kip nối chuyến về Boston. Tôi có dịp chọc quê, tôi tư ếch, anh ta năm ếch mà không hay. Tới Boston nhận hành lý ra về, anh bạn khác mới coi kỹ cái va li mới mua mới tinh của mình, bộ phận khóa bị cắt ngang ngọt xớt. Cái va li đẹp mất giá vì không còn khoá được. Về khách sạn mở ra, bên trong có thêm tờ giấy ghi ĐÃ KIỂM TRA. Anh chàng này hay cười người khác. Cười người cho đã lát sau người cười, được gán thêm cái danh sáu ếch.
    Boston năm nay bớt lạnh hơn năm rồi, chưa thấy tuyết. Khu China Town cách khách sạn non nữa cây số nên lội bộ đi về cho các bữa ăn là chuyện nhỏ. Chủ quán phở ở đó đã quá quen với chuyện đến hẹn lại lên hàng năm, và quán chị ta đông lên bất thường vì cả trăm người từ quê nhà qua tới lui nhiều nhất ở quán này. Biết vậy, buổi sáng quán chị mở cửa sớm hơn thông lệ để chúng tôi có chỗ ăn sáng theo ý thích. Hội chợ Thuỷ sản Boston năm nay rất đông khách tới dự. Theo lịch đã hẹn tôi và phụ tá phải gặp gỡ khá nhiều bạn hàng. Trong nước phụ tá tôi cũng thỉnh thoảng xài tiếng bồi với phía bạn trên phone nên hơi chủ quan, không đưa theo thông dịch cho tiết kiệm. Lên phòng họp theo lịch hẹn ở hai bên cánh gà khu Hội chợ, nhìn vào phòng họp thấy cả chục người Mỹ đang chờ. Vậy là tôi rút lui, trở qua gian hàng Vịêt Nam nhờ một cháu lên thông dịch tiếp.
     Mọi việc cũng ổn thỏa. Những khách hàng khác thì nhẹ nhàng hơn nên cũng êm xuôi. Không vào hang cọp sao bắt được cọp con. Không liều như vậy sao dũng cảm cong lưỡi nói tiếng Anh, phụ tá tôi lý sự như vậy, nhưng tôi cũng một phen hú hồn. Bởi nếu không kịp tìm nhờ cháu thông dịch thì phía bạn có thể đánh giá mình coi thường đối tác! Hội chợ náo nhiệt hơn các lần trước. Bên trong có thêm Hội chợ thực phẩm nên tôi thêm lần xơi buffet quốc tế. Ăn tôm ăn cá bên ngoài xong, mà hàng mẫu nên toàn đồ ngon, vô bên trong ăn bò ăn ngỗng, ăn kem uống sinh tố, uống bia rượu chừng nào no thì nghỉ. Tối, phía bạn chiêu đãi khá trang trọng. Cả trăm khách ăn buffet với quày tôm hùm ăn không bao giờ cạn, quày rượu có người pha chế theo ý thích. Chỉ có nhóm khách mời VN là cùng ngồi chung nói chuyện vui vẻ

khiến chủ nhà thấy hay quá cùng đến chung vui, nói chuyện cởi mở. Và bởi vậy, rượu hao thêm. Thời gian ở Boston tôi được các bạn cùng thời bên Mỹ chăm sóc kỹ lưỡng qua điện thoại. Rất cám ơn tấm lòng thân ái các bạn.
     Tôi rời Boston với tâm trạng vui vẻ dù tôi rất mệt mõi vì thiếu ngủ liên tục. Tôi vui vẻ vì công việc rất thuận lợi. Tất cả khách hàng đều khen ngợi chất lượng sản phẩm hãng tôi vượt trội và kế hoạch tiêu thụ đều tăng lên. Sự nỗ lực năm qua của hãng tôi đã gặt hái trái bói đầu mùa. Theo đánh giá của tôi tiếp theo sẽ là mùa thu hoạch tốt. Tới Los đã hơn hai giờ chiều. Trễ hẹn một chút. Kiều Công Thành đã đợi sẵn ở khách sạn. Nhận phòng xong là tôi lên xe với Thành xuống San Diego. Hơn tiếng đồng hồ sau đón Trần Thị Hai ở sở làm trong một khu công nghiệp nhỏ. Chị Hai
có eo hơn lần gặp năm ngoái. Chắc do ăn uống dè sẻn vì thời buổi khó khăn. Hai mươi phút sau tới nhà Dương Bạch Tuyết. Tôi gặp Bạch Tuyết lần gần đây nhất chắc khoảng 37 năm trước. Bạch Tuyết bây giờ cũng dễ nhìn ra nếu có chuẩn bị tinh thần trước. Cô bạn này ăn nói vui vẻ, rất vui vẻ. Nhưng chứa bên trong là nổi khó khăn về tinh thần (cả vật chất) đã vướng phải hàng chục năm qua. Từ quê nhà tôi từng nói chuyện qua điện thoại nên mọi người không bở ngở, sau phần hỏi thăm, kể lể, tâm sự…là kéo nhau đi ăn chiều. Tô bún bò Huế quá lớn, quá nhiều thịt nên bị bỏ nữa (phần do nói chuyện nhiều nên quên ăn!). Đưa Bạch Tuyết trở lại nơi ở và chia tay. Cuộc gặp gỡ này không biết là nên hay không. Bởi việc thăm hỏi không đem lợi ích gì tới Bạch Tuyết, đôi khi lại làm Bạch Tuyết cảm thấy thêm buồn vì sự cách biệt
hoàn cảnh với bạn bè. Bởi vậy Trần Thị Hai, Kiều Công Thành và tôi đều nói vô là Bạch Tuyết nên siêng tập thể dục, tham gia ca đoàn để có sức khỏe và giảm bớt thời gian ở không dễ buồn chán. Trên đường về ghé nhà Trần Thị Hai. Thật ra là nhà cháu anh Hai. Nhà đẹp, vừa phải. Chị Hai chắc sống thoải mái hơn vì cả hai vợ chồng đều đang có công việc, dù thu nhập không cao lắm. Dẫu sao có việc còn hơn không. Nhờ vậy Trần Thị Hai mới có điều kiện sẽ về quê thăm bạn cũ vào cuối tháng năm tới. Kiều Công Thành còn nhắn một số bạn để gặp nhau chiều cuối cùng tôi ở quận Cam. Buổi sáng Thành đưa tôi đi ăn sáng, uống cà phê và coi các điểm có thể họp mặt. Hơn bảy giờ tối cũng đủ mặt. Không chỉ 68-75 với Công Thành, Thái Hồng, Huỳnh Thái, Quốc Bửu, Cẩm Nhung còn các khoá học khác đàn trên Ngọc
Thuỷ, đàn dưới Thanh Nga, Vinh. Hơn mười giờ thì vãng sau khi đã nói với nhau bao nhiêu chuyện dưới đất trên trời. Thái và Bửu phải tốn hơn một giờ xe chạy mới tới nhà trong khi thời tiết được dự báo là mưa và từ hai ngày tới Cali có động đất nên chia tay cũng nhanh.
      Sáng sớm Kiều Công Thành tới trước giờ hẹn đưa tôi ra sân bay. Thành cũng vui nói là nhắn nứng Sâm là nhà nứng bên đây đã bị ngập nước, mau mau về sớm tát nước. Rồi nghỉ sao, Thành cười nói thôi đừng nhắn kẻo Ngọc Ánh nhắn qua nhờ Thành đi tát nước là lỗ nặng! Máy bay quá cảnh phi trường Narita. Vừa xuống máy bay cả nhóm lao nhao tìm chỗ ăn mì, bởi thức ăn trên máy bay khó nuốt. Có tới bốn

tiếng chờ đợi, tha hồ mà cà kê cà phê tán chuyện. Nhóm có bốn người, ba người có sự cố về hành lý. Người còn lại đang hả hê cười, bỗng có tiếng trên loa mời đúng tên anh chàng đang cười kia đi kiểm tra hành lý! Nguyên anh chàng kia mua cái lap top mới và để trong va li. Ở bên Mỹ không sao, tới Tokyo thì có chuyện. Mọi chuyện cũng ổn thỏa. Nhưng ba người còn lại có dịp cười trừ anh chàng bảy ếch!
      Chuyến đi Mỹ năm nay của tôi bình yên như vậy, không có nhiều chuyện sôi nổi như năm trước. Tuy nhiên, điều đáng nói là chuyện thăm hỏi, gặp gỡ bạn bè không tạo ấn tượng nhưng chuyện làm ăn lại khá tốt đẹp. Đó là cơ hội để tôi còn gặp các bạn ở Mỹ những năm sau. Thời gian chờ đợi ở Narita tôi đã điện thoại về nhà nấu nồi canh chua cá lóc. Cá phải bự nữa. Tới nhà là gần sáng. Trưa ngồi trước tô canh chua tôi thấy khoan khoái. Hương vị quê nhà dù sao cũng hơn hamberger. Chỉ còn chuyện cái đầu cứ vật vờ bởi chuyện mất ngủ từ Mỹ kéo dài tới nay. Mất ngủ nên rãnh rang viết lại chuyện này. Mất ngủ cũng có cái ích của nó!
                                                                                                                                         HQL
                                                                                                                                     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  LỊCH SỬ VIỆT NAM 1. Thời kì nguyên sử ( 2879 – 111   CN • Năm 2819 trc CN : người Việt cổ hình thành (lấy tTtên Bách Việt) • Chiến t...