Thứ Tư, 20 tháng 4, 2011

Văn - Thơ - Truyện ký


Tại quán cà phê Minh Quân

     Quán cà phê Minh Quân trong nội ô tỉnh lỵ mới khai trương khá đẹp với bày trí mở. Hoàng Minh tới sớm với tôi, cả hai chọn chỗ ngồi có thể chứa hơn chục bạn theo dự kiến sẽ tới. Lý Hùng Kiệt tới sau đó, trẻ trung trong áo thun trắng với cái đầu cũng trắng. Rồi Phạm Thu, Hút Sơn, Ngọc Thái từng người có mặt. Nhóm ba nhà (nhà nước, nhà báo, nhà chùa) Chuôn, Tú, Hiền cùng tới một lượt. Cánh Pháp văn có vợ chồng Huệ Dung và Hoàng Mai. Hoàng Mai mới từ Sài Gòn về thăm quê.

Tại nhà của Thoại
       Rủ nhau gặp mặt cuối tuần là việc xảy ra khá thường xuyên với nhóm 68-75 này. Hôm nay cũng vậy. Tới khá đông nhưng chưa đủ. Bên Hoàng Minh còn ghế trống nhưng Hoàng Minh không mời ai vô ngồi cả. Thỉnh thoảng Minh móc điện thoại ra alô. Minh Nguyệt xuất hiện, Minh lo chỗ ngồi kế bên mình, lo nước uống khiến mọi người có chuyện nói. Chuôn so bì Nguyệt về thăm nhà nay chỉ liên lạc với Minh, bỏ Chuôn! Còn Kiệt lo Nguyệt tới chậm một chút chắc Minh sẽ bị tật ngồi nghiêng một bên vì lo ngóng bóng Nguyệt. Trưởng ban liên lạc Hoàng Minh lo chu đáo cho các bạn đâu có gì lạ. Lo cho nữ chút ưu ái hơn lo cho nam cũng là chuyện bình thường. Nhưng mức lo cho Nguyệt có gì bất thường hay tại tiếng cười quí hơn cà phê sáng, nên ai cũng muốn bày cách tặng nhau? Chuyện đó nhỏ như cọng cỏ với tuổi này, hạ hồi phân giải. Bày trò chọc cười cho đã, mất gần hai tiếng đồng hồ cũng chia tay.
Minh và ba Thoại
     Tháng tư quê nhà năm nay trời không nóng như năm rồi. Nghe nói là năm La Nina, còn năm rồi là El Nino, nghĩa là năm nay lạnh nhiều hơn, cân bằng cho cái nóng như đốt năm trước. Thiên nhiên sòng phẳng, nhưng tạo ra các cực chỉ gây khó cho cuộc sống đầy rẫy chuyện không hay. Chắc cũng phần do thời tiết, năm nay con tôm dân nuôi rất èo ọt, chỉ mới tháng tuổi là ẩn mình luôn với đất! Cuối tuần, tôi muốn đi coi tình hình nuôi tôm trong tỉnh, nay nhân tiện có các bạn trong buổi ăn sáng, tôi mời luôn các bạn lên xe, rong chơi cho biết sự tình. Kiệt và Hiền bận chuyện, không cùng đi với nhóm. Vậy là hai bạn mới từ Sài Gòn về thăm nhà là Mai và Nguyệt có dịp cùng các bạn thăm lại Sóc Trăng, Mỹ Xuyên, Trần Đề, Vĩnh Châu một cách bất ngờ, không ai dự tính trước. Xe tới Lịch Hội Thượng, nay thuộc huyện Trần Đề, các bạn đồng lòng quẹo vô thăm ba của Hưng Thoại. Ba của Hưng
       Thoại coi có vẻ rắn rõi, đi đứng mạnh mẽ hơn năm trước khi từ Mỹ hồi hương, da dẻ có đậm màu nắng gió hơn. Các bạn có dịp thực tập tiếng Tiều với pệ. Ngọc Thái hoạt bát khiến không khí ồn ào, vui vẻ. Chuôn, Tú cũng cất tiếng, điểm tô thêm bức tranh thêm màu sắc khiến pệ cười hoài, khiến
Cầu Mỹ Thanh
ai cũng vui theo. Pệ lưu luyến đưa cả nhóm tới tận cửa xe. Trên xe, lại nhắc chuyện nếu pệ ngày nào cũng có nhiều tiếng cười như vậy, pệ sẽ khỏe hoài. Một tiếng cười (thoải mái) bằng mười thang thuốc bổ mà. Xe lên cầu Mỹ Thanh II nhìn về Mõ Ó, nhằm nắng tốt trời trong có thể vươn tầm nhìn tới biển. Nhìn ngược xuống hướng chân cầu, đồng tôm nổi tiếng cả nước (về qui mô và trình độ tổ chức nuôi) lấp lánh dưới nắng. Nhưng sự lấp lánh đó không sống động, bởi những guồng quạt nước cung cấp oxy cho tôm ít cái quay, bởi tôm nuôi đang bị bệnh chết nhiều. Lúc đang ở nhà Thoại, tôi có hỏi Quốc, em Thoại. Quốc nói mới thả giống tôm ba ao, đã đi đủ ba ao rồi!
Cửa biển Mỹ Thanh
      Dù cỡi ngựa xem hoa, chỉ trên xe nhìn qua hai bên đường dọc cánh đồng tôm, nhưng tôi cũng cái nhìn khái quát tình hình, nên tiếp tục xuôi xe qua cầu, tới địa phận Vĩnh Châu, xứ sở của hành tím và củ cải muối. Hai bên đường xã Vĩnh Hải có khá nhiều láng trại lợp lá mới dựng lên để có chỗ che nắng cho hành tím vừa thu hoạch chất đống. Người ta đang tụ nhau lựa hành củ vô bao, xuất cảng. Củ hành vùng này nổi tiếng cay nồng và thơm, hiếm nơi có hương vị như vậy, nên dân Indonesia rất khoái để trộng món sà lách Không khí lao động có vẻ sung túc. Có chỗ đang phơi củ cải, nhưng lúc này không phải là thời điểm chánh của mặt hàng này. Bây giờ Vĩnh Châu có thêm sản phẩm mới, giá trị rất cao là con tôm nuôi, nhưng con đường xe đi qua không nằm trên trục nuôi tôm của huyện. Xe tới khu Hải Ngư sát biển. Biển Vĩnh Châu đang được bồi lấn rất nhanh. Từ mé đường, đưa tầm mắt ra hết vòm cây bãi bồi có thể thấy xa xa sóng biển. Như vậy ít chục năm nữa đất Vĩnh Châu sẽ nở rộng ra khá nhiều.

    Trên đất bãi bồi cây đước trồng lên cao cả mét. Lâu dài sẽ có khu rừng phòng hộ hữu ích hạn chế thiên tai. Vào đốt nhang miếu bà Thiên Hậu kế bên xong, rủ nhau quán hải sản gần đó. Sò huyết rang, tôm sắt nướng, cá nhám xào rau cần và lẫu cá khoai, mực được phục vụ khá nhanh. Rượu mang theo được rót ra, chỉ miễn cho tài xế. Quán cũng bình dân, nhưng hải sản tươi nhất nếu tới vào buổi chiều, khi các tàu cào ven bờ về và cung các sản phẩm thu được tới các quán. Còn đồ đang ăn là có từ hôm qua, nhưng cũng còn tươi ngon lắm. Hơn hai tiếng vui cười vui vẻ, rượu cũng cạn phần và thức ăn cũng vơi, các bạn rời quán, bỏ lại chiến trường ngỗn ngang xương, vỏ…thấy mà ngán cái sức phá của cái… miệng mình. Rủ nhau kiếm chỗ hát karaoke cho xuống…đồ ăn (bởi đâu có ăn cơm mà xuống cơm). Nắng trưa khá nóng, quán có vẻ bình dân thì chê, kiếm

Uống nước mía
ra quán vừa ý thì không có phòng trống nên đành cho xe về theo hướng cầu Mỹ Thanh I. Ra khỏi nội ô thị trấn Vĩnh Châu là đồng tôm ngút mắt kéo dài gần chục cây số tới chân cầu Mỹ Thanh I. Có thể tình trạng tôm nuôi dọc hai bên đường ở đây không khác bên Trần Đề. Tôi chỉ nhìn để kiểm chứng thông tin mình đã có. Qua cầu về lại địa phận Mỹ Xuyên. Ngọc Thái đòi kiếm chỗ uống nước mía. Lái xe làm hài lòng các bạn trên xe. Mát bụng, chuyển sang quá no vì xơi tới hai ly, xơi nhiều vì nước mía đồng quê chỉ 3.000 đồng, quá rẽ! No quá nên bọc bắp luộc Ngọc Thái xung phong đi mua không ai thèm rớ tới.

     Chuyến rong chơi cũng tới hồi cuối. Đi uống cà phê bảy giờ sáng nay tới ba giờ chiều mới về tới nhà, bụng đầy tiếng cười không phải có tiền mua có được. Đó là điều quí giá nhất của sự gặp gỡ. Về tới nhà chắc có người sẽ bị la. Biết sao, chuyến rong chơi là bất ngờ, không ai được báo và chuẩn bị trước. Vậy mà vui, Ngọc Thái cho là như vậy. Thái giành cười nhiều nên như là bụng nó chứa nhiều chuyện hơn, bự lên. Vui hơn hết chắc hai cô bạn bị giam chân trên Sài Gòn, đang tính về quê đổi gió, bỗng được đổi gió một chuyến lang lang đồng quê khá vui vẻ, có chuyện để nhớ và kể cho các con, các cháu ngoại, cháu nội của mình về xứ sở quê nhà.
                                                                                                                                            HQL



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  LỊCH SỬ VIỆT NAM 1. Thời kì nguyên sử ( 2879 – 111   CN • Năm 2819 trc CN : người Việt cổ hình thành (lấy tTtên Bách Việt) • Chiến t...