Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

Văn - Truyện ký


                   KHI CÁC THẦY VUI
 
    Số điện thoại nội ô, bất ngờ bên kia đầu dây là thầy Lý Ngọc Hiếu. Lần đầu tiên tôi có liên lạc điện thoại với thầy.Thầy nhắn trưa tới nhà nhận quà từ nước ngoài, có cả thầy Trần Lộc tới nữa, đừng tới sớm vì thầy còn kẹt lớp phải dạy.
        Tôi hứa với thầy. Thật ra nhà thầy và nhà tôi cách nhau chỉ trăm mét thôi, nhưng nhà thầy trong hẻm. Với tôi, tới nhận quà là chuyện phụ, cái đáng ghi nhận hơn là lâu lâu (mới gặp ở hội trường tháng 9 qua) mới có dịp trò chuyện với thầy. Tuần trước, tôi gặp thầy trên đường, còn chào thầy, hai thầy trò cười vui vẻ lắm. Không chỉ gặp thầy, còn gặp thêm thầy Trần Lộc. Mà thầy Lộc vui tính lắm. Không lẻ cô bạn đồng môn, cùng thời, đang thất nghiệp, còn nhớ các thầy, còn gởi quà các thầy (và tôi nữa) còn tôi thăm thầy tay không! Gần trưa, tôi từ hãng ra, chạy qua nhà em tôi, mua hai bao gạo thơm mới nhất (ngon nhất nữa). Nói hai bao cho oai, chớ mỗi bao chỉ 5 bịch gạo, mỗi bịch 5 kg. Thật tình, tôi thăm nhà thầy Hiếu lần duy nhất là trước Tết, tới để gởi thiệp mời thầy dự  họp mặt đầu Xuân nhóm 68-75. Nhà cửa bây giờ cất bít rịt, tôi còn đi nhầm tới 2 hẻm. Lần vô hẻm thứ ba mới đúng nhà thầy (dù đã nói nhà thầy cách nhà tôi có trăm mét!). Vừa vào nhà, chưa kịp ngồi vào ghế thầy mời, tiếng xe honda ồn trước nhà, thầy Trần Lộc tới cũng đúng giờ như tôi. Vậy là tôi có dịp hầu chuyện hai thầy toán của tôi, thầy đệ nhất cấp và thầy đệ nhị cấp. Hai thầy của tôi, dĩ nhiên là đồng nghiệp trong trường Hoàng Diệu, hai thầy cũng cho biết cũng là đồng… trại học tập cải tạo một thời! Hai thầy nói chuyện với nhau hết sức vui vẻ. Thầy Lộc nói là ở nhà sao tôi thấy yếu người, mỗi khi có dịp ra ngoài, lên xe là thấy khỏe lên và so đo là thầy Hiếu còn học trò để vận động trí óc và có cơ hội gặp gở nhiều đồng nghiệp hơn, nên có nhiều niềm vui hơn. Còn thầy Lộc ở trong Vũng Thơm rất ít gặp bạn bè. Thầy Hiếu nhắc tới Dương Bạch Tuyết. Thầy nói biết Bạch Tuyết qua quyển đặc san, quà lưu niệm ngày hội trường. Thầy thắc mắc là thầy rất ít xài điện thoại di động, không biết sao Bạch Tuyết lại biết và điện thoại cho thầy là sẽ có quà, và hôm nay bưu điện đưa quà tới. Nhắc Bạch Tuyết, thầy nhắc luôn nhóm 68-75, khen Hoàng Minh sao thấy già quá! Sẵn dịp làm vui thầy, tôi kể có cô bạn mới của vợ Hoàng Minh tới nhà Minh chơi, hỏi nhỏ vợ Minh là Minh là ông già hay ông già chồng??? (Xin lỗi Hoàng Minh chỗ này). Các thầy có dịp cười vui vẻ. Thầy Hiếu kể về lịch sử đình Năm Ông. Khuôn viên đền thờ là đất ông cố thầy Hiếu tặng không. Vậy mà nhà thầy Hiếu đã nhiều lần, các quan chức trước kia và sau này tới nhờ ký tên để họ chia phần trong đó. Như là họ thái quá, trơ trẻn quá. Thầy kể, lâu rồi, lúc đó người nhà thầy bệnh nằm viện Grall trên Sài Gòn. Ban quản trị đình muốn cắt một phần đất cất dãy nhà quay ra mặt tiền đường Mậu Thân bây giờ để có nguồn trang trãi hoạt động của đình, thì chính quyền phải cử một đoàn lên tận bệnh viện để tận tay người thân nhà thầy ký tên, chính quyền mới đồng ý cấp phép xây cất. Thầy dẫn tôi ra nhà sau, nơi thầy thờ cúng từ ông cố, nội, ngoại, cha mẹ… Có hình chụp hoặc họa của từng người. Thầy nói, từ đời cố đã hiến tặng đất xây đình, đã trên trăm năm, biết bao biến động, nhưng qua các thế hệ nhà thầy luôn coi trọng quyết định của ông cố, không ai lạm quyền làm thay đổi quyết định đó. Thầy cho rằng, việc làm của đời cố và mặc cho bao thăng trầm, đất đình Năm Ông vẫn giữ được là việc làm có nhân quả, đời nội và đời ba thầy đều thọ gần trăm, cả đời không ai phải tới thầy thuốc. Nhưng sau này, đất đình đã bị cắt xén manh mún, khuôn viên đình thu hẹp, mất tính bề thế của ngôi đình. Thầy nói tới đoạn nầy như có vẻ không vui. Nhắc tới người xưa, thầy Lộc nói ông Vương Hồng Sển chắc rành chuyện này. Thầy Hiếu nói ông Sển học chung tiều học với ba thầy. sau đó ba thầy đi dạy, còn ông Sển tiếp tục học cao hơn. Thầy Lộc nói là ở không, có mớ sách chuyện xưa coi cũng hay hay, tôi hứa sẽ đi lục nhà sách để tặng thầy. Hai thầy không kiếng, tôi chia quà hai thầy, bởi từng phong chocolate bạch Tuyết có ghi tên. Thầy Lộc ra về còn lưu luyến, so bì là thầy Hiếu ở chợ vui hơn thầy ở quê. Tôi góp vô, hay là cứ 6 tháng tụi em mời các thầy họp mặt với nhau để các thầy có dịp hàn huyên. Chuyện này còn phải bàn với một số cựu học sinh khác và chọn  thời gian lẫn địa điểm gặp mặt sao thuận tiện các thầy và có ý nghĩa. Tôi ôm bao gạo để lên phía trước yên xe thầy Lộc, nói là gạo anh Cua, thế hệ mới nhất. Thầy Lộc nói mới thấy anh Cua trên truyền hình, sao nó cũng già quá! Thầy ơi, các thầy trên 70, các trò cũng trên 50, tròn trèm 60, sao mà không già được. Nhưng có lẻ các thầy muốn trong mắt thầy, các trò luôn là trò cần cù học tập với ánh mắt trong trẻo thuở nào, cái thời thầy trò ắp đầy kỷ niệm, chớ không phải là hình ảnh nhọc nhằn do phải bon chen trong cuộc sống.
       Cám ơn Bạch Tuyết, vô tình để tôi có dịp thăm thầy cũ, và thầy trò có dịp tâm tình hết sức cởi mở, vui vẻ. Mà các thầy cũng có dịp để gặp nhau, có dịp vui vẻ. Nếu các thầy thật sự gặp nhau có cơ hội vui vẻ, tôi suy luận là các đồng môn, ai có lòng gởi quà các thầy, dù là quà gì không cần thiết, một phong bánh cũng nói lên tấm lòng, cũng tạo ra cơ hội, nên gởi thăm cùng lúc nhiều thầy nhưng quà gởi chung tới một thầy và nhờ thầy chuyển, như tình huống nói trên. Tin tôi đi, ý nghĩa món quà sẽ vượt qua giá trị vật chất của nó. Còn tôi, chắc cuối tuần này kiếm ông già Hoàng Minh bàn bày chuyện họp mặt các cô thầy, miễn sao các thầy được thêm niềm vui là mục đích duy nhất cho chuyện họp mặt. Mà thầy vui là trò cũng vui, vui còn nhiều hơn.
                                                                                       HQL

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  LỊCH SỬ VIỆT NAM 1. Thời kì nguyên sử ( 2879 – 111   CN • Năm 2819 trc CN : người Việt cổ hình thành (lấy tTtên Bách Việt) • Chiến t...