Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011

Văn - Truyện ký



      Thưở còn ngồi dưới mái trường Trung Học Công Lập Hoàng Diệu, Thầy Trần Phạm Hiếu của chúng tôi đã rất đắc chí khi dùng câu ngạn ngữ Pháp “Partir c' estmourir un peu” (ra đi là chết ở trong lòng một ít) để dẫn chứng cho những định nghĩa Triết học trừu tượng trong bài Tâm Lý Hoc “Cảm Xúc” mà Thầy đã dạy cho lớp chúng tôi vào năm tôi đang học lớp 12. Khi tôi vừa bắt dầu “xếp cuốc leng theo việc bút nghiên” cắp sách đi học trở lại nơi xứ người để làm anh “sinh viên già” sau gần hai năm trường gian khổ đi cày “như con trâu” với đủ các công việc lam lũ cực nhọc như xúc tuyết, rửa chén, làm vườn, lau chùi nhà vệ sinh… hầu có tiền để giúp gia đình còn đang sống ở Việt Nam, lúc đó tuổi đời của tôi đã qua tuổi sồn sồn “tam thập nhị lập” từ lâu lắm rồi. Sau hai
năm “thấm đòn Mỹ Quốc” với đủ các mùi vị “ra đi là chết ở trong lòng một ít” tôi lại được nghe lặp lại câu ngạn ngữ năm nào Thầy Hiếu đã đọc cho chúng tôi nghe bằng tiếng Tây. Nhưng lần này tôi được nghe qua giọng đọc thơ trầm bổng bằng tiếng Ăng Lê có pha trộn một chút hương vị cà ri nị của vị giáo sư người Ấn Độ dạy môn Văn chương cổ điển Anh khi ông đọc cho lớp English Composition 2 của chúng tôi nghe bài thơ “Leaving” của Edmond Harraucourt. Bài thơ đó như sau:

Leaving

To leave is to die a little

To die for what we love

To leave behind a little of ourselves

Wherever, we have been.

Bài thơ này tôi đã phỏng dịch ra Việt ngữ như thế này:

Ra đi là chết ở trong lòng một ít

Chết vì những kỷ niệm xa xưa mà chúng ta vẫn hằng ấp ủ yêu thương

Bỏ lại sau lưng những mãnh đời tan vỡ của chính chúng ta

Ở bất cứ nơi nào chúng ta đã từng sống....

Trong cuộc sống bon chen hằng ngày nơi xứ lạ quê người, tôi ít có dịp ôn lại những kỹ niệm xưa mà tôi vẫn hằng ấp ủ trong lòng. Một phần vì bận rộn mưu sinh trong bối cảnh cả thế giới đang điêu đứng vì nạn thất nghiệp, một phần do hoàn cảnh éo le cha già “năm bó gập” vẫn còn phải nuôi hai đứa con dại mà đứa nhỏ nhất mới bảy tuổi. Nhìn lại quãng đời đã qua rồi nghĩ lại, tôi nhận ra tôi vẫn còn may mắn hơn các bạn đồng môn Hoàng Diệu khác rất nhiều. Qua những lần gọi phone về quê nhà Sóc Trăng tôi được biết có rất nhiều bạn học vừa phải nuôi một bầy con dại vừa phải săn sóc người bạn đời (vợ hoặc chồng) đang bị mắc bệnh tâm thần như trường hợp của đồng môn Vương Văn Tỷ ở Vĩnh Châu hoặc đồng môn Trần Thị Lý ở Sóc Trăng. Nhưng đau lòng nhất là đã có những bạn đồng môn đã qua đời khi còn rất trẻ như Ngô Trọng Sơn (Pháp văn), Mã Thành Long, Nguyễn Văn Khải (Anh văn )... Riêng người bạn từ thuở còn thơ ấu Nguyễn Văn Khải của tôi đã qua đời cách đây đúng 27 năm khi mới tròn 27 tuổi !
       Khi tôi ngồi viết những dòng tưởng niệm này, rất có thể có rất nhiều bạn đồng môn Hoàng Diệu từng ngồi chung lớp vói Khải rất nhiều năm vẫn cứ lầm tưởng Khải vẫn còn đang sống đâu đó ở xứ người nhưng đã không chịu liên lạc với bạn bè. Không giống như các bạn đồng môn khác, tôi và Khải đã có rất nhiều gắn bó mật thiết từ lúc chúng tôi còn rất nhỏ. Niên khóa 1966-1967 tôi và Khải học chung lớp Nhì (bây giờ gọi là lớp 4) do Thầy Đinh văn Năm dạy tại trường Tiểu học Cộng đồng Đại Hải. Trường này lúc đó do Thầy Nguyễn văn Đàm làm Hiệu Trưởng. Thầy Nguyễn văn Đàm là thân phụ của chị Nguyễn thị Loan (HD 66-73) là bạn chí cốt của trò Trần ngọc Ánh (HD 68-75). Chị Ánh và Nứng Sâm có từng ghé thăm chị Loan tại Bà Quẹo quận Tân Phú Sài Gòn trong lần về thăm quê vừa qua. Khải, tôi và Nguyễn thị Kim Loan, hiện là Hiệu trưởng Trường Trung học Cấp 3 Đại Hải, luôn giữ đúng thứ bậc “top three” trong lớp của Thầy Năm. Khải luôn dẫn đầu lớp, tôi luôn đứng giữa và Kim Loan đứng hạng ba. Học đường đối với chúng tôi như ... chiến trường nên cả hai chàng họ Nguyễn không bao giờ làm mất đi thứ bậc.... “thông minh nhất nam tử” này. Trong trường Tiểu học Đại Hải tôi thuộc loại học khá nhưng cũng nổi tiếng phá phách. Hồi nhỏ tôi viết được cả hai tay vì tôi thuận tay trái và Thầy Năm hay
dùng cây thước kẻ gỗ “khẻ” vào tay tôi để nhắc tôi phải viết bằng tay phải. Tôi đã rình lúc Thầy ra khỏi lớp lén lấy cây thước của Thầy quăng xuống ao rau muống trong khu “Học đường viên” tại sân trường kèm theo lời “khủng bố hăm dọa”: “Đứa nào méc tao lấy thước của Thầy, tao sẽ vùi đầu đứa đó xuống ao rau muống”. Cả lớp hầu hết là những đứa học trò quê mùa hiền lành giống như Khải nên đâu có đứa nào dám hó hé khi Thầy Năm hỏi cây thước của Thầy đâu. Cây thước này mãi đến năm sau lúc dọn ao rau muống vào mùa khô học trò của Thầy Năm đã tìm lại được cho Thầy sau mấy tháng trời nằm sâu dưới bùn của ruộng rau muống. Lúc đó cây thước đã lên nước bóng loáng, đến khi đó lũ học trò nhí mới dám nói ra tên đứa học trò đã lấy thước của Thầy vì hắn đã bỏ quê bỏ xứ đi học trường khác rồi.
      Trong suốt năm học lớp Nhì chung với Khải, mỗi buổi sáng tôi lầm lũi cuốc bộ bốn cây số từ nhà đến trường Tiểu học tại Cống Đôi . Lúc đó nhà tôi nằm trên giữa đoạn đường từ cầu Ba Rinh đi vào Rạch Vọp. Đến chiều lại lủi thủi lội tiếp bốn cây số để trở về nhà bất kể trời mưa hay nắng. Vất vả nhất là những ngày trời mưa vì lúc đó tôi phải lấy cọng dây lác cột đôi dép Lào treo toòng teng trên cổ trong đoạn đường bùn đất lầy lội từ nhà ra cầu Ba Rinh. Rồi sau khi đến cầu Ba Rinh mới đi xuống bến đò của nhà máy xay lúa Ba Rinh để rửa sạch đôi chân gầy khẳng khiu dính đầy bùn đất. Sau đó mới dám “hạ thổ” đôi dép Lào từ cổ xuống chân vì đường nhựa quốc lộ nóng ran cháy giò, có tiết kiệm sợ hư đôi dép “sịn” thì cũng phải mang đôi dép vào. Đoạn đường này tôi đi chung với Khải và đã làm khổ Khải rất nhiều vì trong cặp da của tôi lúc nào cũng có sẵn cái giàng ná và thỉnh thoảng tôi hay giương cung tác xạ rất chính xác vào mấy trái bông gòn non trên mấy cây bông gòn trước cửa nhà của những ngôi nhà dọc quốc lộ hoặc đôi khi cao hứng “nẻ” vào mấy chú chó mực đang đi vơ vẩn ngoài đường làm chủ nhà nổi giận vác gậy chạy ra rượt hai thằng chạy... thục mạng và đã có đôi lần tụi tôi đã từng xém bị xe đụng.
      Giờ đây tuy sống nơi xứ người nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn kể lại câu chuyện “lội bùn đi học mỗi ngày” cho hai cô con gái cưng nghe để khuyến khích thế hệ thuyền nhân thứ hai hãy cố gắng chăm chỉ học hành nhiều hơn. Đến cuối năm lớp Nhì, một tai nạn thảm khốc xãy ra tại làng quê nghèo của tôi khiến Ba Má tôi đã phải cấp tốc chuyển tôi về học tiếp lớp Nhất tại thành phố Cần Thơ. Điều này làm tôi rất buồn vì tôi đã phải từ giã anh bạn nhỏ Khải của tôi để đi học xa. Mỗi buổi chiều năm lớp Nhì, sau khi đi học về và đã làm xong tất cả bài tập tôi thường lén Ba Má trốn ra bãi tha ma tại cuối làng để chơi đùa với đám bạn nhỏ cattle herder(giữ trâu) trong xóm vì trong số này có vài bạn học chung lớp Nhì với tôi. Có lẻ trong suốt cuộc đời của tôi, tôi sẽ không bao giờ quên được cảm giác khoan khoái khi đang ngồi trên lưng trâu lim dim nghe tiếng sáo diều của mấy ông cụ già người Bắc từ làng Quỳnh Cội kế bên làng tôi văng vẳng kêu vi vu trên bầu trời êm ả của cánh đồng quê. Nhưng tôi đã hoàn toàn mất đi cơ hội enjoy không khí thanh bình đồng quê đó sau một buổi chiều “kinh hoàng” vào mùa hè năm 1967. Vào ngày đó trong lúc tôi đang chuẩn bị “chuồn êm” vào nghĩa địa để chơi với mấy người bạn nhỏ, như tụi nó nói úp mở “hôm nay tụi mình sẽ có nhiều trò chơi hấp dẫn lắm”, thì bất thình lình Ba tôi đạp xe về tới nhà để kiểm soát bài vở của từng đứa con xem anh em tụi tôi học hành ra sao làm tôi phải ở nhà không được đi chơi buổi chiều. Khoảng xế chiều trong lúc tôi đang ngồi chơi với mấy đứa em tại mé đường trước cửa nhà thì một tiếng nổ

Tuổi thơ và trò chơi chiến tranh

thật lớn kèm theo một cột khói nhỏ bốc lên tại cuối làng làm mọi người trong làng phải ngưng hết mọi công việc đang làm để chạy đến bãi tha ma xem chuyện gì đã xãy ra. Sau đó dân chúng trong làng quê của tôi đã chứng kiến một cảnh tượng thật hãi hùng khủng khiếp giống như dân New York của Liên Hưng Thoại đã chứng kiến cảnh chết người hãi hùng trong ngày tòa Tháp Đôi bị sụp đổ năm nào. Dân chúng trong làng đã phải dùng võng (vì vùng quê nghèo làm gì có băng ca) để khiêng xác bảy người bạn nhỏ, trong đó có hai bạn học chung lớp với tôi và Khải, ra khỏi bãi tha ma. Chỉ có một bạn thoát chết vì đang bận đi đuổi trâu đang ăn cỏ ở ruộng lúa nhà người ta. Có thể kể thêm cả tôi là người cũng may mắn thoát chết vì Trời đã xui khiến cho Ba tôi đạp xe về tới nhà đúng lúc. Mãi về sau này qua người bạn nhỏ còn sống sót dân làng mới biết được tai nạn thảm khốc đã xảy ra là do trái lựu đạn M26 của ông Ba Lé trong lúc uống rượu say đã quăng trái lựu đạn ra để dọa vợ vì vợ ông đã không chịu làm mồi cho ông nhậu tiếp. Trái lựu đạn ông chỉ quăng để hù vợ nên không rút chốt ra đã lăn long lóc trên mặt đường và rớt xuống sông. Sau đó ông về nhà nằm ngủ vì đã quá say nhưng đám trẻ giữ trâu đã nhìn thấy trái lựu đạn rớt xuống sông và đã lén vớt lên đem ra nghĩa địa rủ nhau chơi “trò chơi chiến tranh” chết người của người lớn làm tai nạn thảm khốc xãy ra. Ông Ba Lé sau Tết Mậu Thân cũng đã theo Lưu Linh xuống âm phủ để ... nhậu tiếp vì ông đã chết vì trúng đạn M16 trong lúc gây lộn với một anh lính nghĩa quân tại đồn Cống Đôi. Sau biến cố trên, Ba Má tôi đã quyết định “tống cổ” tôi về Cần Thơ để cho các chú tôi lúc đó đang dạy học tại Trung hoc Công Lập Phan thanh Giản dạy dỗ dùm. Ba Má tôi rất tin vào lý luận của chú Sáu tôi: “Thằng con anh chị học không đến nỗi quá ngu dốt nhưng ngỗ nghịch lắm nên nếu anh chị không giao nó cho tụi em mà cứ để nó lội bùn đi học ở vùng quê này thì có ngày không bị súng đạn ăn thì cũng bị xe cán chết thôi”. Hiện giờ chú Sáu tôi là người đàn ông duy nhất trong cả hai bên dòng họ nội ngoại của tôi vẫn còn sống và hiện cư ngụ tại Philadelphia PA. Thỉnh thoảng trong những dịp đoàn tựu cuối tuần cô vợ gốc Sóc Trăng vui tính của tôi vẫn thường hay vui đùa nhắc lại câu nói này của chú Sáu mỗi khi có người nào trong dòng họ lỡ mồm miệng khen vợ tôi đã “khéo chọn” được ông chồng hiền lành để chứng minh rằng tôi chỉ hiền lành “sau khi” có vợ chứ thuở ấy xa xưa tôi cũng từng là thứ “lựu đạn” chứ không hiền lành đâu. Thế là lần thứ nhất tôi đã phải xa người bạn nhỏ hiền lành của tôi để chuyển về học lớp Nhất tại CầnThơ. Tôi đã vào học lớp của Thầy Phạm văn Út tại trường Tiểu học Cộng Đồng Thới Thạnh mà dân địa phương thường quen gọi là trường cầu Rạch Ngỗng. Thầy Út nước da hơi ngâm đen, tướng người rắn chắc và rất quý cậu học trò Bắc kỳ nho nhỏ tánh tình hoạt bát vui vẻ từ Cống Đôi mới chuyển về. Tuy nhiên giọng nói “Bắc kỳ cục” của đứa học trò này đã làm náo động lớp Nhất A của Thầy. Trong giờ ra chơi, lẫn lộn trong những tiếng la hét vui đùa Thầy đã nghe được những câu vè chọc ghẹo cậu học trò nhỏ này chẳng hạn như:

Bắc kỳ con, bỏ vô lon kêu chít chít, bỏ vô đít ... hết kêu.

Nam kỳ ăn cá bỏ xương. Bắc kỳ lượm lấy kho tương ăn dần.

Bắc kỳ ăn cá rô cây. Ăn nhằm lựu đạn chết cha Bắc kỳ ...

        Nghe đến câu thứ ba này thì cậu học trò Bắc kỳ nho nhỏ mới chết hụt vì ... lựu đạn đã nổi máu ... du côn lên và sắn tay áo lên “oánh lộn” túi bụi với đám bạn đồng môn nhí đang giỡ trò “ma cũ bắt nạt ma mới”. Học thì ít, oánh lộn thì nhiều, bạn hiền Nguyễn văn Khải thì đang sống ở cách xa hơn bốn chục cây số chứ đâu còn ở gần bên để can gián nữa nên kết quả học tập năm đó của tôi đã tuột dốc ... thê thảm. Đang từ “top three” tuột xuống còn “top ten”. Đến cuối năm lớp Nhất lúc tôi nộp đơn thi vào lớp Đệ Thất của trường Trung học Phan thanh Giản, chú Sáu tôi đã “phán” một câu nghe thật kém ... lạc quan: “Thi thì thi cho vui thôi chứ gần 4000 học trò lớp Nhất thi mà chỉ chọn ra tám lớp Đệ Thất 480 người mà cháu thì học xuống dốc quá nên cũng khó đậu lắm”. Vậy mà cuối cùng “chó đã ngáp phải ruồi” vì trong số 480 sĩ tử được chọn, tôi đứng hạng 61/480 làm cả gia đình tôi ... té bật ngửa ra vì ngạc nhiên và tôi đã phải từ giã trường La San Khánh Hưng để trở lại Cần Thơ. Chẳng qua là vào tháng tám năm đó, Ba tôi nghĩ là tôi không thể đậu vào trường Công Lập được nên đã cho tôi vào học trường tư thục trước vì trường tư khai giảng sớm hơn trường Công Lập. Lúc tôi vừa học xong Đệ Thất là ngay vào thời gian sau chiến cuộc Mậu Thân . Lệnh Tổng động viên đã làm cho các chú của tôi phải từ giã Cần Thơ để khăn gói vào quân trường Thủ Đức. Do không còn ai trông chừng để tôi khỏi phải “vừa học vừa oánh lộn” nữa nên Ba tôi lúc đó đang làm việc tại Tòa Hành Chánh tỉnh Ba Xuyên đã nhờ Thầy Ngô Trọng Bình , hiện đang định cư tại Pháp, thuyết phục dùm Thầy Hiệu Trưởng Phan Ngọc Răng , đã qua đời , để cho tôi được chuyển về học lớp Đệ Lục, sau này đổi lại là lớp Bảy, tại trường Trung học Công Lập Hoàng Diệu. Khỏi phải giải thích thì cũng biết là tôi vui mừng như thế nào vì cuối cùng tôi đã được học chung trường với người bạn chí cốt Nguyễn văn Khải và vui nhất là được ở trọ chung nhà tại nhà ông “Chệt Bo” tại đường Lý thái Tổ với Khải. Ông Chệt Bo hiện vẫn còn một người con trai sinh sống tại Đất Sóc là “Ông Chệt Châu”, co-owner của khu dân cư Minh Châu đối diện sân vận động cũ. Khu dân cư này là nơi đã chôn dấu rất nhiều kỷ niệm của tôi với Khải vì trong những ngày mưa đầu mùa chúng tôi thường lội ruộng đi bắt cua tại đây đem về nấu với canh rau đay.
Người bạn nhỏ (Thoại già) Ph.D Liên hưng Thoại
Trong thời gian học chung trường Hoàng Diệu, Khải và tôi đã chơi rất thân với một người bạn nhỏ cũng từ nhà quê lên tỉnh học, đó là trò Liên Hưng Thoại từ Lịch Hội Thượng lên Sóc Trăng, Thoại học cùng một lớp với Khải. Thoại ở trọ tại nhà của ông ngoại cũng chung một xóm với tôi và Khải nên hàng ngày với trang phục rất đơn giản áo thun quần tà lỏn thêm cái giây bùa đỏ toòng teng trên cổ hay chạy tới chạy lui sang nhà tụi tôi để xù xì rủ Khải đi chơi hoặc đi học. Có thể do cả hai trò này đều hiền lành nên cả hai trở nên gần gũi thân thiết nhau “như cây liền cánh như chim liền cành” giống như cặp bài trùng lúc Khải còn học tại trường Hoàng Diệu. Năm tôi đang học lớp tám, một trận hỏa hoạn đã xãy ra trong xóm nhà lá của chúng tôi và cả xóm đã xúm lại cùng nhau chữa cháy. Cậu học trò nhí lớp tám Liên Hưng Thoại cũng lấy thùng chạy đi xách nước chữa cháy. Có thể do đôi thùng nước to hơn cái thân hình “vịt đẹt Thoại của lớp 8A3” nên Thoại “lùn” nhà ta đã bị vấp té đập nguyên cái bàn tọa xuống đất đau điếng người giống như một cao thủ Thiếu Lâm Tự vừa bị trúng nhằm... “độc chưởng”. Sau khi bị trúng độc chưởng cao thủ Thiếu Lâm này có lẻ bị rối loạn kinh mạch sao đó nên đi đứng “không được ngay ngắn” và mỗi ngày anh bạn hiền Nguyễn văn Khải của tôi đã phải “từng bước từng bước thầm” dìu bạn Thoại đi học như dìu dắt “người tình trăm năm” mất gần nửa năm trời. Gia đình Thoại lúc đó đang là chủ nhà máy xay lúa thuộc loại có của ăn của để giống như một Donald Trump của vùng Lịch Hội Thượng nên đã không tiếc tiền của bỏ ra để tìm đạo sĩ “đả thông kinh mạch” cho Thoại nhưng cho đến gần hết năm lớp tám Khải vẫn phải “tay trong tay” (giống như hai anh chàng ... gay đường Simpson của vùng downtown Philly) dắt dìu bạn Thoại đi học. Cho đến một hôm, như có một phép lạ, có một ông cụ già, hình dạng giống như một vị Đạo Sĩ ở đâu trên núi Tà Lơn mới hạ san xuống đồng bằng, lơn tơn đi đâu lỡ đường ghé vào nhà Ba Ma Thoại xin miếng nước uống cho đỡ khát. Nhìn tướng đi “không được ngay ngắn nghiêm chỉnh” của Thoại lúc Thoại bưng nước ra, Cụ đã hỏi lý do tại sao thằng nhỏ đi đứng sao khó khăn vậy. Sau khi nghe kể lại câu chuyện với vẻ mặt rất buồn bả của Mẹ Thoại cụ già đã biểu Thoại lấy giấy bút ra và sau đó đã hí hoáy ghi lại cho gia đình Thoại một toa “thần dược” để chữa trị cho Thoại. Lúc đi cắt thuốc, gia đình Thoại đã rất ngạc nhiên vì giá tiền của toa thuốc “đả thông kinh mạch” cho Thoại từ vị cao tăng Thiếu Lâm bí mật kia chỉ có giá bằng một phần mười các toa thuốc đắt tiền mà gia dình Thoại vẫn mua cho Thoại. Sau năm 1978, Thoại đã đến Mỹ lúc còn rất trẻ. Sau một thời gian cố gắng vừa làm vừa học ngành Hóa Dược Thoại đã học hành thành đạt với mảnh bằng Ph.D. in Chemistry từ University of Columbia. Thoại vẫn luôn ước mơ sẽ chế biến thuốc Đông y - Herbal medicines - thành thuốc viên để hạn chế bớt phản ứng phụ (side effects) của thuốc Tây y. Phải chăng là Thoại muốn nối gót vị Đạo Sĩ bí mật, vị ân nhân của Thoại ngày xưa, để cứu nhân độ thế chăng? Thoại có lần đã tâm sự là có hai điều làm Thoại nhà ta suốt đời áy náy trong lòng là chính nhờ thần dược từ vị đạo sĩ ẩn danh nọ mà sau một thời gian được thoa bóp bằng thuốc dược thảo, Thoại đã đi đứng bình thường trở lại nhưng đã không tìm được người thầy thuốc để đền ơn. Điều khổ tâm thứ hai của Thoại là không thể “đền ơn đáp nghĩa” cho người bạn quá cố Nguyễn văn Khải . Khi gặp lại tôi tại New Jersey vào năm 2005 câu đầu tiên Thoại hỏi là xin địa chỉ của Khải để thăm hỏi và “đền ơn đáp nghĩa” nhưng đã quá trễ vì Khải đã qua đời từ hơn hai chục năm về trước rồi. Tôi đã có diễm phúc lại được làm bạn đồng môn tại trường Hoàng Diệu với người bạn hiền lành nhất trên đời Nguyễn văn Khải của tôi suốt ba năm lớp 7, 8, 9. Tôi học lớp Pháp văn, Khải học lớp Anh Văn 7A3, 8A3, 9A3 chung với các bạn Liên hưng Thoại, Nguyễn hoàng Đạo, Nguyễn hồng Võ, Lý hùng Kiệt, Phạm văn Thu, Trần văn Long, Phan thanh Giang, Lâm văn Chung ... ...................
       Đến năm 1972 do chiến cuộc VN ngày càng trở nên khốc liệt, lệnh Tổng động viên được ban hành. Để tránh khỏi việc phải đi quân dịch sớm nhiều trò Hoàng Diệu đã “nhảy rào” khỏi trường Mẹ Hoàng Diệu để học “nhảy lớp” ở các trường khác. Lớp Khải và Thoại những trò sinh năm 1956 phải học nhảy lớp khá đông như Trần văn Long, Nguyễn văn Khải, Lý Hùng Kiệt rủ nhau học nhảy lớp hết. Khải đã bỏ lớp 10 vào học lớp 11 tại trường La San. Với tánh tình siêng năng cần cù và nhất là rất mực đạo đức và hiền lành nên tuy học nhảy lớp nhưng đến khi thi Tú Tài Khải vẫn đậu cao với hạng Ưu Ban Khen (hạng Tối Ưu, tiếng Pháp gọi là Tres Bien còn tiếng Mỹ gọi là Very High Honor) là hạng cao nhất của kỳ thi Tú Tài IBM năm 1974. Đây là một điều rất đáng tự hào cho các cựu học sinh Hoàng Diệu đã nhảy rào đi học nhảy lớp, vì “đem chuông đi đánh xứ người” mà chuông kêu to được như vậy là hách xì xằng lắm. Lúc học tại trường La San , Khải đã ngồi chung lớp với một A Só (con dâu) của Hoàng Diệu là chị Trần thị Bạch là phu nhân của trò Quách khánh Phước (HD 68-75 Anh văn) hiện đang cư ngụ tại California. Sau khi đậu Tú Tài với hạng Tối Ưu năm 1974, Khải đã rời SócTrăng lên Cần Thơ học tại Đại Học Khoa Học Ban S.P.C.N. (khoa học Lý Hóa Vạn Vật) làm cho tôi lại phải ngậm ngùi chia tay lần thứ hai với Khải, người bạn thân thiết lâu năm của tôi. Sau biến động thời cuộc 30 tháng tư năm 1975, Khải đã quá chán nản với cảnh đón xe than đầy bụi bặm để lên Cần Thơ học. Đi xe đạp như Anh Nguyễn khắc Liệu của tôi , hiện đang định cư tại Úc, thì “oải” quá Khải đạp không nổi. Thế là cả hai đứa tụi tôi rủ nhau về quê làm ruộng tại Đại Hải. Và như vậy là thêm lần thứ hai chúng tôi lại có dịp đoàn tựu không phải để lo việc sách đèn mà là để cùng nhau “xếp bút nghiên theo việc ... cuốc leng” Những tháng ngày lam lủ làm ruộng của chúng tôi tuy vất vả cực nhọc nhưng rất vui. Hàng ngày sau một buổi đồng áng vất vả hai đứa tôi thường kéo nhau ra vườn cây ăn trái sau nhà tôi để cạp ổi xá lị , uống nước dừa tươi hoặc ăn mía ... Trong tất cả mọi công việc, việc gì tôi cũng làm khá hơn Khải nhưng chỉ có hai việc tôi chịu thua hoàn toàn. Khải có thể ngồi học chăm chỉ từ ba đến bốn tiếng liên tục trên bàn học là chuyện rất bình thường. Còn ăn mía thì Khải có thể xơi một hơi từ ba đến bốn khúc trong khi tôi chưa xước xong một khúc mía.
      Đến cuối năm 1977 do quá mệt mõi với cảnh vác leng đi đào thủy lợi trong lúc ... chủ nghĩa sách vở vẫn còn ... đầy một bụng nên nhân tiện Trường Cao Đẳng Sư Phạm Cần Thơ đang tuyển sinh hai lớp đào tạo giáo viên dạy Toán , Khải đã “xếp cuốc leng theo việc bút nghiên” để đi học lại. Đến lúc ra trường năm 1979 Khải đã may mắn được bổ nhiệm về dạy ngay tại trường Phổ thông Đại Hải là nơi tôi và Khải đã từng học Tiểu học ở đó nay đã được nâng cấp thành trường Trung học. Đúng là “Châu về Hợp Phố” như tôi vẫn thường nói đùa với Khải lúc Khải vừa mới tốt nghiệp. Đến cuối năm 1982, sau đúng ba năm giảng dạy bộ môn Toán tại Đại Hải, thì Khải đã bị phát bệnh nan y trong lúc đang làm Phó Hiệu Trưởng của trường. Da mặt và da chân tay của Khải đã càng lúc càng bị sưng đỏ lên như người bị long ben rất ngứa ngáy. Ban đêm thì thường bị mất ngủ triền miên. Gia đình đưa Khải lên Bệnh viện Da liễu ở Cần Thơ thì bệnh viện cũng chỉ chẩn đoán qua loa là bị “bệnh ngoài da” sau đó cho uống vài loại thuốc dân tộc vớ vẩn rồi cho về chửa trị tại nhà. Ngày qua ngày sức khỏe của Khải đã ngày càng sa sút hơn. Trước
      Tết năm 1983, trong lúc đi dạo vòng quanh sân sau nhà, do Khải đã quá yếu sức bước đi không vững nên đã bị trượt chân té xuống cái ao rất sâu sau nhà. May mà cậu em của Khải chạy ra vớt lên kịp nếu không Khải đã bị chết đuối hôm đó rồi. Tết Nguyên Đán năm 1983, sau nhiều năm tháng “lênh đênh phiêu bạt sông hồ”, tôi đã lần mò trở về quê cũ ăn Tết với gia đình và đã lội bộ lên thăm bạn hiền lần cuối cùng để từ giã bạn trước khi tôi ra đi đến một phương trời xa lạ, không biết được sẽ là nơi nào. Khải đã khóc và nói với tôi: “Hình như tớ bị bệnh phong cùi đó Thạch ơi vì lúc học ở La san tớ thỉnh thoảng vẫn vào trại cùi Hàn Mặc Tử để săn sóc cho các em bé chưa bị cùi nên có khi nào bị lây chăng?”. Tôi đã gạt nước mắt trấn an bạn tôi: “Cùi gì mà cùi, đừng nói tầm bậy, bệnh cùi mấy chục năm sau mới phát ra chớ đâu có phát ra lẹ bao giờ đâu và Khải có đeo găng tay nên không dễ


 
bị lây đâu”. Tới lúc bắt tay từ giã Khải thì Khải đã quá đuối sức không đưa tay lên nổi nữa nên tôi phải đỡ tay bạn lên ... Nước mắt tôi đã ướt đẫm mặt tôi và cánh tay của bạn tôi trong giây phút đó, giây phút chia tay vĩnh biệt. Tôi không ngờ đó là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau. Đúng vào đêm Khải qua đời vao ngày 14 tháng ba năm 1983 , trong lúc đang nằm ngủ mơ màng tôi đã có cảm giác hình như có người nằm kế bên mình mặc dầu lúc đó tôi chỉ nằm ngủ một mình trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Người nằm kế bên tôi là ... Nguyễn văn Khải đang mặc bộ quần áo y như hôm tôi gặp Khải lần cuối cùng và Khải đang nhẹ nhàng nói với tôi “Tớ chết rồi Thạch ơi ! Ra đi bình an và hãy luôn nhớ đến nhau nghe”. Sau đó tôi đã bàng hoàng thức giấc và hoảng hồn tự hỏi không lẻ bạn mình đã qua đời và đã về báo mộng cho mình hay tin chăng? Đến ngày 17 tháng ba 1983, đúng ba ngày sau ngày đó cô Năm của tôi mới tìm được tôi để báo tin buồn bạn Khải của tôi đã qua đời và đã an táng ngày 16 tháng 3 năm 1983. Tôi càng bàng hoàng hơn khi cô tôi kể lại bạn tôi đã mất đúng vào đêm tôi nằm mộng thấy bạn đang nằm kế bên tôi ... Tôi đã bật khóc vì niềm ân hận đã không kịp trở về để đưa tiễn bạn tôi đến nơi an nghỉ cuối cùng. Sau khi đến Hoa Kỳ, tình cờ tôi đọc được vài tài liệu y khoa nói về chứng bệnh nan y “blood cancer” rồi nhớ lại những giờ phút cuối đời của bạn Khải hiền lành của tôi thì tôi nghiệm ra có lẻ Khải đã mắc chứng bệnh nan y này nên cuộc đời bạn Khải của tôi đã quá vắn số.

Người bạn xưa mịt mờ trong kí ức

       Ngày tháng dần trôi, thắm thoát đã 27 năm trôi qua . Thông thường những người đã qua đời sẽ rất mau chóng bị chìm vào quên lãng theo quy luật của tạo hóa: “Đời sống con người chóng qua như hương cỏ, như bông hoa nở trên cánh đồng, một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi , nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích ...” luôn luôn là một quy luật ngàn đời bất di bất dịch . Nhưng đối với tôi ngày nào tôi còn hơi thở thì ngày đó hình bóng của Khải, người bạn đồng môn Hoàng Diệu lâu năm của tôi, sẽ mãi mãi là một đóa hoa hướng dương tươi thắm thật đẹp trong suốt cuộc đời tôi.

Ngọc Thạch HD 68-75 Pháp văn
Kỷ niệm ngày giỗ thứ 27 của Nguyễn văn Khải HD 68-75 Anh văn
March 14, 1983 - March 14, 2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  LỊCH SỬ VIỆT NAM 1. Thời kì nguyên sử ( 2879 – 111   CN • Năm 2819 trc CN : người Việt cổ hình thành (lấy tTtên Bách Việt) • Chiến t...