Thứ Hai, 30 tháng 4, 2018


Cựu Học Sinh Hoàng Diệu Khóa 1968-1975
Tour Phnompenh – Siem reap

       Ngày mùng 8 tết Đinh Dậu, buổi họp mặt thường niên sẳn dịp lấy ý kiền thời điểm tổ chức họp mặt kỷ niệm 50 năm vào trường, sau đó thông báo sớm để các bạn nước ngoài còn sắp xếp thời gian và book vé sớm. Tháng 4/2017 thông báo ngày họp mặt là ngày mùng 9 tết Mậu Tuất nhằm ngày 24/2/2018. Tháng 6/2018 thời gian được chỉnh lại ngày mùng 7 tết Mậu Tuất nhằm ngày 22/2/2018.cho phù hợp thời điểm các bạn về kết hợp đi chơi đâu đó.Tháng 9/2017 ý tưởng về tour phnomphenh Siem reap hình thành, tiến hành thông báo và tiếp nhận đăng ký. Ngày 20/01/2018 kết thúc đăng ký xuống mối chốt danh sách. Có 42 người tham gia. Ngày 22/02/2018 tham dự họp mặt kỷ niệm 50 năm vào trường, 2g ngày 23/02/2018 đoàn khởi hành, chỗ ngồi được xếp trước, có thể thỏa thuận hoán đổi.
Tài xế, phụ xế: Thanh, Pon
Ghế 1,2, 3,4: Hà Giao, Cham Sóc, Thầy Dũng, Thầy Nhiếp
Ghế 5,6,7,8: Anh Sâm, Ánh, anh Quan, chị Tuyết
Ghế 9,10,11,12: Nhan, Cần, chị Yến, Thanh Xuân
Ghế 13,14,15,16: Chị Điệp, Kiển, Chuôn, HMai
Ghế 17,18,19,20: Hương, Cường, Hà, Thanh
Ghế 21, 22,23,24:Toàn, Ngôn, Dung, Tú
Ghế 25,26,27,28:HLan, MNguyệt, Thắm, Henry
Ghế 29,30,31,32:Thủy, Như, Mai, Cam
Ghế 33,34,35,36:Khánh Đức, Mai Phước
Ghế 37,38,39,40:Thành Tiệm, Lực Sơn
Ghế 41,42,43,44,45,46: Sơn Minh, Thu Wilson Phương

1.     Hành trình ngày thứ nhất
Các thành viên tham gia tập hợp tại 3 điểm trong nội ô đã được hẹn trước để xe đến rước. 2g35 sáng ngày 23/2/2018 xe khởi hành 42 người đa số là 68-75, một hướng dẫn viên, một tài xế, một phụ xế trực chỉ hướng cửa khẩu Tịnh Biên. Sau khi HDV thông qua hành trình vài điều trao đổi về chuyến đi, không khí quay về yên lặng,  xe lướt trong màn đêm tối mịt, qua những thị trấn có ánh đèn đướng vắng lặng, mọi người tranh thủ ngũ để đủ sức cho hành trình, với tôi một cảm giác bâng khuâng lạ lùng không ngũ được, chợt nhớ một câu thơ của ai đó
“Ai đã đi qua tuổi mình trên chuyến tàu.
Trên đại lộ xa, trên hành trình sương khói
Kể với trái tim khi lòng mình đã mõi
Về một cuộc tình xa lắc xa lơ”.
Thường cánh đàn ông có chút tâm trạng hơi lãng một chút khi không có bà xã bên cạnh trong những chuyến đi xa. Xe từ quốc lộ 1A qua 91B đi hướng Long Xuyên đến Châu Đốc thì trời đã hừng sáng. Từ Châu Đốc đi theo tuyến tránh độ 25km thì đến thị trấn Nhà Bàng. Mọi người cũng đã chuyện trò về những nơi mình sắp đến, xe dừng cho đoàn vệ sinh rửa mặt tỉnh táo và dùng bửa sáng, Có các món ăn cơm phở bình thường, thư thả ăn uống trò chuyện.

Bây giờ đã hơn 7g trời đã hửng nắng, xe lên đường trực chỉ cửa khẩu Tinh Biên một đoạn đường ngắn.Tịnh Biên là một trong những cửa khẩu biên giới giáp với Campuchia, thuộc huyện Tịnh Biên tỉnh An Giang. Nơi đây có đưòng bộ, đường thuỷ qua nước láng giềng. Từ khá lâu, Tịnh Biên An Giang trở thành một trung tâm thương mại, dịch vụ, đầu mối giao thông quan trọng của vùng biên giới tây nam. Xe vướt qua đoạn đường hai bên là cánh đồng trãi thảm một màu xanh của lúa, xa xa là núi Cấm.trong cụm Thất Sơn. Hướng dẫn viên giới thiệu sơ qua về kênh Vĩnh Tế, Thoại Hà, công lớn của tiền nhân thời chúá Nguyễn là Ông Thoại Ngọc Hầu cùng phu nhân là bà Châu Vĩnh Tế.


    Đã đến cửa khẩu làm thủ tục, mọi người xuống xe thư dãn chụp ảnh, mặc dù công ty đã liên hệ đưa danh sách trước nhưng công việc tiến hành chậm, nhất là thủ tục của 24 vị từ nước ngoài về làm visa nhập cảnh CPC
Từ cửa khẩu VN xuất cảnh sang CPC, cửa khẩu CPC nhập cảnh vào đất nước họ, hai thủ tục nầy mất gần 2 giờ đồng hồ, 9g40 xe  bắt đầu lăn bánh hướng về Phnompeng đoạn đường 125 km, đã qua địa phận đất CPC, nhà cửa sinh hoạt dĩ nhiên khác VN, xe đi qua 2 tỉnh Tà Keo và Kandal.


     Đã hơn 12g đến giờ phải dùng cơm trưa, xe ghé tại nhà hàng Sou Sou trung tâm tp Phnom peng, đặc biệt ở đây là món lẩu băng chuyền, mọi người thoải mái chon món mình thích, có thể nói hơi quá giờ nên mọi người ăn ngon không ai có ý kiến gì.



        Thời tiết ngoài trời nắng nóng, phải tìm chổ nghỉ ngơi, khách san Rain Rock đã chờ đoàn đến đó. Có thể tắm rữa nghỉ ngơi khoảng 1giờ. Chiều 3g đoàn xuống xe tham quan các điểm theo lịch như Hoàng cung, chùa bạc chùa bà Penh sau đó đi mua sắm tại chợ lớn CPC. Chương trình tham quan Casino Naga Thầy Dũng, thầy Nhiếp đề nghị hủy bỏ được đoàn đồng ý.
       Riêng chương trình mua sắm tại chợ lớn CPC của ngày hôm sau đem ra chiều hôm trước gây cho nhiều người sốc, bức xúc, mệt mõi, bực bội, vì có người thích mua sắm, người không thích phải ngồi chờ ngưới khác.
       Một vài tấm ảnh tập thể lưu niệm tại khu vực Hoàng cung, phía xa xa tại cung điện nhà vua hiệu kỳ báo vua vắng mặt phải đi nước ngoài làm cho một số thành viên nữ hơi thất vọng nhất là Minh Nguyệt và Khánh vì không được gặp vị vua độc thân Norodom Shihamoni tuy đã 65 tuổi. Có tin đồn nhà vua đã có người yêu ở nước ngoài và là người Âu Châu, luật pháp CPC chỉ cho phép nhà vua cưới người bản xứ, vì thế vua ở vậy luôn còn cưới láng giềng Việt Nam chắc được. Đặc điểm nhà vua rất đam mê về nghệ thuật ít quan tâm về chính trị.


       
      Hiệu kỳ báo vua vắng mặt, niềm háo hức hồ hởi được thử áo để được làm hoàng hậu tan biến, chị em buồn lắm, nhưng không sao có người đã tuyên bố võng vạc “Hởi thần dân Campuchia, ta sẽ quay lại làm hoàng hậu”. Cuộc sống hiện tại nhiều nổi niềm riêng, niềm vui gặp lại bạn bè, một cuộc hội ngộ quá lớn Minh Nguyệt có những cảm xúc dâng trào, làm các bạn lắm lúc cười ngộ, ôi cô bạn dễ thương, dù đã một lần cho tôi leo cây.
Ăn tối tại một nhà hàng, xe chạy vòng quanh tham quan thành phố về đêm, thủ đô Phnom penh nhộn nhịp hàng quán. Hôm này ăn tối vắng Thu Hương, chắc có lẻ say nắng mệt mõi, Cường mua cái gì đó đem về khách san cho vợ. Buổi tối tất cả được tự do, phương tiện đi lại ngoài ôtô, xe bus, taxi, xe ôm có 2 loại là lạ là xe tuk tuk, và xe lam 3 bánh. Xe tuk tuk giống xe lôi ở VN thập niên 90 nhưng người ta đóng thùng trang trí chổ ngồi đẹp hơn nhiều.


      Thôi thì đi bộ vẫn hay hơn, quan sát một vài quán nhâu gần khách sạn thấy đa số là món bò tự xử. Ghé vào một quán gần đó, chọn chỗ ngồi người ta đưa một cái bếp, một cái chảo, tất cả thịt thà chủ yếu là bò, rau cải, gia vị mình tự chọn, tự nướng, tự nấu theo ý thích, nhờ quán nấu giùm không ai nấu, dùng 3 ngôn ngữ Anh, Pháp, Khơme diễn đạt điều mình muốn, chẳng ăn thua. Đi quán khác cảnh tương tự, thôi một vài lon bia AngKor cho đời bớt khổ rồi ai cũng về phòng nghỉ ngơi chuẩn bị cho hành trình ngày mai.
1.     Hành trình ngày thứ hai


Rain Rock Hotel nằm tại vị trí một đường nhỏ, buổi sáng khoảng 4g30 tập thể dục vòng quanh sẳn tìm một quán cafe nhăm nhi chờ mọi người thức dậy, thật sự một vòng thể dục đi bộ khá xa mà tôi chẳng tìm ra quán café nào. Người ta đã thức giấc, xe cộ, hàng quán đã có người, không có thói quen ngồi quán như ở Sài Gòn.Quay về khách sạn hơn 5 giờ, tiếng reo báo thức vang lên, vệ sinh tắm rữa chuẩn bị hành lý tư thế sẳn sàng, lên tầng 8 ăn sáng. Đã có sẳn trà café nóng, vài món ăn buffet, một tô phở cộng thêm 2 hột gà chiên là đủ năng lượng tới trưa, chỗ nầy đắt quá phải sắp hàng.  Tôi gặp Chị Điệp, chị nói tạm chia tay và cùng Kiển về Sài Gòn đã check in vé hồi hôm, nhờ nói với Cham Sóc nói với quản lý nghỉ lại khách sạn đến trưa, thôi cũng đành chia tay 2 người, buồn một chút, lý do hai bửa nay Kiển ho, đau cổ, sốt không tiếp tục hành trình. Đành chịu, hai người về khỏe
     Mọi người đưa hành lý ra xe, những khuôn mặt rạng rỡ tươi mát, tất cả sẳn sàng, xe từ từ lăn bánh.  Mới sáng sớm, thành phố hiện ra trong ánh sáng huyền ảo của rạng đông.Xe đi qua Quảng trường sông bốn mặt, Tượng đài quân tình nguyện VN, Đài độc lập chỉ để mọi người nhìn thấy.




Ánh sáng bao trùm khắp không gian, nhìn rõ Phnom penh cũng khá nguy nga và đồ sộ, có những công trình tại trung tâm đang xây dựng Mới bảy giờ sáng, đường phố đã bắt đầu hoạt động huyên náo, cũng có kẹt xe. Lượng ôtô ở đây mật độ di chuyển trên đường nhiều hơn xe máy. Dòng người và xe cộ ngược xuôi, đường phố nhộn nhịp, cho thấy một sức sống mạnh mẽ, khẩn trương và sôi động của một thành phố có dấu hiệu chuyển mình. Không nán lại Phnom penh đoàn thẳng tiến đi Siêm Reap
  Qua khỏi thành phố đông đúc, xe đi qua vùng ngoại ô nhà thưa, hai bên là cánh đồng bao la, lát đát hàng cây thốt nốt, từng đàn bò ăn cỏ, ít thấy bóng người cày cấy như đồng quê VN. Nhà ở thưa thớt, loại nhà sàn gỗ hoặc nhà bê tông, vài nhà thì có nhà có xe hơi là bình thường vì  xe hơi rẽ chỉ bằng giá trị bằng một chiếc xe máy ở VN, một chiếc Lexus GX 470  bóng láng giá 5.000USD.  Do đất vùng cao nên cũng rất ít thấy những con kênh dẫn nước, trồng trọt chắc phụ thuộc vào thiên nhiên. Tại đây nông dân làm ruộng chỉ một mùa, loại lúa cây thấp thường có 2 loại giống thông dụng: Sa Mơ, Móng Chim, lúa thu hoạch  khoảng tháng 11 Âm lịch. Vì là giống lúa mùa, từ lúc trồng cho tới thu hoạch mất 6 tháng, năng suất thấp, một công đất chừng 10 giạ là cùng, từ ngày gieo cấy xuống rồi thì giao cho trời, cho đất, chẳng tốn một hột phân. Chính chỗ thiên nhiên nầy mà hạt gạo Campuchia ăn rất ngon, gạo VN không loại nào sánh nổi, giá tôi hỏi hiện nay khoảng 1,5usd/kg.


      Một điểm đáng lưu ý do nông nghiệp hầu như không dùng hóa chất nên côn trùng sinh sôi nảy nở nhiều, nhiều nhất là dế. Muốn bắt dế, người dân bẫy chúng bằng những tấm ni lông  làm thành một máng chứa nước phía dưới, trên là tấm chắn. Tối đến, bẫy được đèn nê ông thắp sáng. Dế thấy ánh sáng bay tới, đụng vào tấm chắn ni lông và rớt xuống máng nước. Dân chỉ việc vớt chúng ra, sáng mang ra chợ, hay thương lái vào thu mua, có thể xuất khẩu sang các nước láng giềng, tôi từng đi xe ban đêm, lúc nầy mới thấy ánh sáng từ các cái bẩy dế  nầy tràn lan trên cánh đồng.
      Khoảng 9g xe của đoàn chúng tôi ghé vào chợ Skun, thuộc tỉnh Kampong Cham, đây là một chợ côn trùng tiêu biểu trên đường đi Siêm reap. Sơn Hút làm một dĩa đủ loại cho mọi người thưởng thức, gồm có dế cơm, nhện, bò cạp, cào cào, ong. Tôi thấy ngon nhất là dế cơm nó thơm và béo, mọi người ăn không hết túm gói lại mang về khách sạn tối nhậu. 




      Con đường từ Phnom Penh đi Xiêm Riệp phải qua hai tỉnh Congpong Cham và Congpong Thom với chiều dài hơn 300 cây số, đường nhựa láng tốt hơn nhiều so với 9 năm trước tôi đã đi qua.Trên con đường dẫn vào thành phố Siêm Reap đoàn ghé tham quan cây cầu cổ Kompong Kdei (Cầm -pông- Kơ- Đây) là một cây cầu có số tuổi gần 1000 năm, nằm trên con đường huyết mạch dẫn vào thành phố Siêm Reap- cố đô của vương quốc Angkor xưa. Cầu có bề rông chừng 15m dài khoảng 100m màu đất đỏ. Cầu là di tích không thể bỏ qua của du khách khi đến tham quan cố đô Siêm Riệp.


  Chụp ảnh lưu niệm lên xe đoàn thẳng về Siêm Reap, để đở buồn ngũ tạo không khí vui HDV cùng các nhân vật trong đoàn đã hoạt náo không khí lên, từ múa lâm thol, đọc thơ đến kể chuyện tiếu lâm, sau đó hát Karaoke chay vì chưa đưa được nhạc điện thoại vào amply, vậy mà tôi thấy hay hay, một âm thanh mộc phát ra giọng mỗi người không bị chế biến bởi giàn điện tử karaoke.
      Đã quá ngọ phía trước mặt đã là thành phố Siêm reap. Cái tên nghe ngồ ngộ, hướng dẫn viên giải thích, tên địa danh Siem Reap có một lịch sử thú vị. Siam hay Siem có nghĩa là Thái Lan. Reap có nghĩa là rạp, đánh bại. Do đó, chữ Siem Reap có nghĩa là đánh bại Thái Lan.
     Xe chạy cặp theo một con sông nước cạn đến Angkor Rivera Hotel đây là một khách sạn 4 sao, buổi cơm trưa tại khách sạn, món không hấp dẫn dọn trước, món hấp dẫn dọn sau. Ai hấp tấp đói bụng ăn các món đầu tiên nhiều quá, các món sau ăn không vô.


      So với lịch trình đoàn đến Siem Reap sớm hơn một buổi, đúng ra chiều 17g mới nhận phòng, 13g đã nhận phòng, còn một khoảng thời gian trống hướng dẫn viên tranh thủ đánh 2 show riêng, thông tin cũng đã được Giao hỏi ý kiến toàn đoàn. Từ 15g – 17g đi Biển Hồ, 19g – 20g xem giàn dựng ca múa truyền thống quá trình lịch sử hình thành phát triển Angkor. Đã có một nhiều người đăng ký nhưng không toàn đoàn. Dù là lý do không vui trọn vẹn, nhưng đây là chuyến đi hiếm hoi chắc ít có dịp đi nữa, nên có gì thì tôi tham gia hết, tuy nhiên một số người khác do sức khỏe, ngồi xe con đường quá dài cần nghỉ ngơi lấy lại sức, tùy.
Biển Hồ:
      Bến đò Tonle Sap tấp nập người, đoàn chúng tôi đi một chiếc ghe lớn, công suất máy rất khỏe, máy chạy hết công suất chứ không phải tà tà ngắm cảnh, lý do mùa này nước hồ cạn chạy lướt qua kẻo mắc cạn, Biển Hồ rộng, do nước cạn nổi lên nhiều cồn, hướng dẫn viên nói khoảng 2.700km2 trải dài qua sáu tỉnh, thành, gồm Pursat, Battambang, Kompong Chahnang, Moung Roessei, Kampong Luong và Siem Reap. Đó là nơi sinh sống của hàng ngàn người Việt Nam với gần 600 hộ và hơn 3.000 nhân khẩu. 











   
       Tàu chạy trên hồ bốc mùi cá khó chịu, dọc theo hồ là cồn rừng lộc vừng, chính phủ cấm dân đốn chặt lộc vừng để bảo vệ môi trường, cũng cặp theo hồ có một nghĩa trang Việt Nam mồ mã ngổn ngang, có những hòm quách còn neo cột cạnh bên bờ, chắc thịt xương đã rã, trông thật ma quái. Vượt qua khu vực nước cạn đến vùng nước sâu,cây cột nước cho thấy mức nước mùa nước nổi rất cao, chênh lệch cả chục mét, ở đây rất nhiều nhà bè của dân Việt Nam sinh sống, đi xa hơn nữa có những nhà hàng lớn biển hiệu chữ tàu của người Trung Quốc, gần đó có một bè trường học, trong đoàn Cường,Thu Hương, Mai Phước, chị Yến cũng định mua mì phát cho học trò nhưng chiều nay các cháu nghỉ. Tàu cặp vào một cái bè lớn, chắc ở đây là mối của ghe tour, 3 cháu nhỏ ngồi trong cái thùng làm phao bơi trên nước cặp thuyền xin tiền, sống chung với nước trông chúng dạn dĩ, chuyên nghiệp không sợ bị té hoặc lật chìm, mọi người ai cũng cho chúng ít tiền, có người đã mua mì cho chúng, lên tàu người ta đải mỗi người một lon bia Angkor hoặc một trái dừa và dĩa mồi tép mồng để nhăm nhi. Chụp ảnh lưu niệm kiểu ảnh ngược sáng hoàng hôn, nhiều cặp tham gia. Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn, đoàn xuống ghe quay về nơi xuất phát, gần 6g quý vị ở nhà chắc đang nôn nóng chờ cơm chiều. Đúng như vậy quý vị ở nhà đang bực bội, xe dừng tại khách sạn để những người đang chờ đợi, vừa lên xe đã nghe tiếng la lối om xòm, nhưng xe cũng đã kịp đưa toàn đoàn dùng bửa cơm chiều tại một nhà hàng, đứng trước nhà hàng cũng có tiếng la ó như không hài long chuyện gì đó, yên vị người ta dọn ra chín món, nhưng lúc nào cũng thấy trứng chiên và rau luột. Bửa cơm nầy không ngon miệng lắm.
     Dùng cơm xong lên xe, xe chạy đến nơi xem diễn kịch smile Angkor, người nào xem thì xuống xe, người nào không xem thì theo xe về khách sạn.
Smile of Angkor
Hướng dẫn viên đã mua vé và dẫn đoàn vào vị trí xếp hàng, quá đông người, đa số là người Trung Quốc, bên kia có một số người tranh thủ chụp ảnh với diễn viên, vũ công, phải đứng xếp hàng khoảng 15 phút mới được vào bên trong. Nơi diễn kịch là loại nhà hát lớn, dạng sân khấu chuyên nghiệp hoành tráng, phối hợp giữa hình ảnh thật và hình ảnh trình chiếu, hiện đại với ánh sáng laser và màn hình led cỡ lớn, tạo cho chúng ta có một cảm giác sân khấu 3D. Tôi có xem bên Áo lần đầu tiên sân khấu loại nầy, đây là lần thứ  hai tôi gặp lại. Dãy ngồi khán giả hình vòng cung dốc từ thấp lên cao, sức chứa cở hơn 5-7 trăm người, đến 20g thì chương trình bắt đầu.
5 hình




     Các hoạt cảnh hùng tráng rực rỡ được tái hiện từ công cuộc tạo dựng kỳ quan Angkor Wat cho đến những biến cố lịch sử oai hùng của Đế chế Angkor. Có thể có tới hàng trăm vũ công tham gia show biểu diễn nầy, các tiết mục được hỗ trợ của đèn led, ánh sáng laser, màn phun nước, khói lửa, hệ thống âm thanh sống động và ánh sáng hiện đại, cho ta cảm nhận được nền văn hóa Angkor đích thực đang diễn ra sân khấu. Show diễn mang đậm chất sử thi, kết hợp nhuần nhuyễn giữa các loại hình nghệ thuật tái hiện lại chiều dài lịch sử – văn hóa của đất nước Campuchia khởi đầu từ đế chế Khmer. Người xem như bị lạc vào một thế giới cổ đại hàng ngàn năm trước công nguyên với cung điện, đấu trường voi, những bức tượng phật khổng lồ với những tâm trạng vui, buồn, suy tư, đau khổ khác nhau. Ngoài ra cũng có những vũ điệu mô tả cảnh lao động sản xuất, cảnh ứng phó với thiên nhiên, chiến tranh, hòa bình hưng thịnh.     Một show diễn dàn dựng quá công phu, xem rất xứng đáng đồng tiền bát gạo. Các show diễn múa Miên ở Sóc Trăng hoặc tại các nhà hàng tại Phnom penh, Siem Reap không có đẳng cấp để so sánh. Khoảng 9g15 thì show diễn kết thúc, toàn thể diễn viên vũ công ra chào khán giả, họ cầm cờ của rất nhiều nước trên thế giới dựng thành hàng ngang chấp tay chào rất tôn kính lịch sự. Trong lúc show diễn họ không cho chụp hình quay phim, nhân viên họ trực rãi đều các khu vực, ai chụp hình họ đến nhắc nhỡ ngay. Khi diễn trên cùng chính diện sân khấu có màn hình led phụ đề 3 thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Việt. Ra khỏi nhà hát xe đưa chúng tôi về đến khách sạn cũng đã hơn 9g30.
     Một số người không xem văn nghệ ngồi tán dóc tại sảnh tiếp tân, một nhóm đi chợ tham quan, tôi cũng đi ra chợ mua vài lọ cù là cho bà con làm quà, sẳn tiện mua vài lon bia nhăm nhi cho hết túm dế ăn không hết đã mua trên đường, Chợ về đêm đông vui tấp nập, đa số khách ngoại quốc, họ mua hàng trả giá, xí xô xí xào. Đặc điểm ở đây các tiệm mua bán chủ yếu bằng tiền đô, và tiền Ria không dùng VNĐ, đa số đều nói được tiếng Anh. Tôi xâm nhập vào các cửa hàng được các cô chào mời “Shút sà đây” Tôi biết dăm ba tiếng Miên cũng đáp lại cho vui “Shút sà đây ôl” “ôl ơi ôl, ol sà ạch ná” ( Chào em, em đẹp lắm ). Cô bé bán hàng cười vui và nói gì đó tôi không hiểu, tôi đoán chắc cô mời mình mua hàng và hỏi mình ở đâu chứ gì. Tôi vọt miệng nói Khơme Rôm và cầm hủ cù là chuyển sang tiếng Anh: How much money? Cô ta trả lời ngay 2 dolla (phát âm rất đúng giọng Ttru đó lờ). Tôi lắc đầu, tay bốc thêm một hủ nữa và nói 2 box 3 dolla, trong nhóm đi có người phụ đề thêm tiếng Khơme, cuối cùng cô ta chịu bán 2 hủ 3 đolla. Mọi người mua cháy hàng tôi phải đi các tiêm khác để mua nhưng người ta không bán giá đó, ghé tiệm bán bia, nước ngọt mua vài lon bia uống giải khát, ở đây bia Angkor 2 lon 1đô.
1.     Hành trình ngày thứ ba
Các khách sạn PhnomPeng và Siêm Reap đều có để dòng chữ cấm hút thuốc. Ở PhnomPeng ghi bằng tiếng Trung quốc, ở Siêm Reap ghi bằng tiếng Anh, hút thuốc phạt 100$. Khi nhận phòng tại Angkor Riviera Hotel chúng tôi mỗi người nhận 2 phiếu buffet sáng. Món ăn nhẹ đa dạng bánh mì thị lát, hoặc cháo trắng, cháo thịt, tráng miệng bánh, café, trà.     Bàn ăn lịch sự



Có lẻ món cháo thịt hoặc cháo trắng phù hợp với nhiều chị em, dùng buffet thì ít người chê khen vì do mình chọn, không thích thì không dùng.
Thu mất phiếu ăn mới nghiệt chứ, 2 đứa đứng ngay cửa không cho Thu vào, nó nói đi lên phòng kiếm lại, tôi đến can thiệp nói với thằng quản lý khách sạn, nó ghi liền 2 phiếu ăn cho Thu, tôi vọt miệng thật thà nói “only one” phải chi lấy luôn 2 phiếu cũng chả sao. Ăn sáng xong, mọi người ra xe, 7g khởi hành đi đền Angkor.
    Đi tham quan AngKor được HDV giới thiệu chi tiết, quần thể nầy có 3 cụm, thành hình tam giác là Angkor wat, AngKor Thom v à Ta Prohm
Angkor wat là một quần thể đền đài, di tích tâm linh, rộng 1,626,000 m2. Angkor Thom là thủ đô cuối cùng của đế chế Khơme xây dựng vào cuối thế kỷ 12, quần thể Hoàng cung đền đài chu vi 12 km. Ta Prohm là tên gọi của một ngôi đền, được xây theo phong cách Bayon xây dựng vào cuối thế kỷ 12
Đến Angkor wat,
      Cách trung tâm Tp Siêm Reap khoảng 6km. Con đường chính diện dẫn vào cổng đền bị ngăn lại, có lẻ để trùng tu sửa chữa, đoàn phải đi qua cầu phao, được lắp đặt song song, đi từ hướng tây, buổi sáng chụp ảnh bị ngược sáng, Angkor Wat có chu vi gần 6 km và diện tích khoảng 200 ha, với đỉnh tháp chính của ngôi đền có độ cao 65m.


        Cấu trúc hình vuông nhìn không ảnh từ trên cao xuống, về diện tích mặt bằng có thể phân làm 3 tầng:
      Tầng một: khu đền có nhiều gian phòng gian phòng với nghệ thuật chạm khắc đá trên trần phòng, hành lang, các lan can... điêu khắc trên tường của dãy hành lang tường rất dài nhiều hình ảnh thể hiện lịch sử chiến công, điển tích phật giáo khó hiểu .



       

        Tầng hai: Từ tầng 1 lên tần 2 bậc thang dốc như 60 độ, do đó đi lên phải cẩn thận. Tầng nầy có vô số những bức tranh Apsara nhảy múa với bộ ngực trần. Các cặp nhũ hoa của các bức tượng bóng loáng do du khách nghịch ngợm hoặc cầu may sờ vào lâu ngày.

Tầng ba: gồm hai hành lang chữ thập cắt nhau thẳng góc ở giữa. Ở điểm giao tiếp của hai hành lang là trung tâm đền Angkor Wat cao nhất. Xung quanh tháp là bốn hành lang hình vuông. Ở mỗi góc hành lang là ngọn cổ một tháp. Nghe nói  xưa kia trung tâm đền có tượng thờ bằng vàng thần Vishnu, nhưng nay đã bị mất.

          Lý giải cách về cách xây dựng: Xem trên google địa lý vùng nầy, ngược dòng lịch sử 1000 năm trước, theo tôi dự đoán người ta làm cái đền nầy tốn nhiều nhân lực và thời giàn, có thể khái quát như sau, các bạn mình tham khảo
-         Chuyển đá từ nhiều mỏ đá các vùng lân cận cự ly từ 50 – 70km, chuyển bằng thuyền theo đường thủy kênh đào, sức người hoặc voi phục vụ trung chuyển. Đá xây dựng là loại đá non có thể chặt, chẽ thành những tảng hình khối, điêu khắc dễ dàng.
-         Lượng đất đào hồ chung quanh hoành thành dùng đắp nền và đắp làm lỏi các tháp  đền cao
-         Cách xếp đá: Các đền đài cao được đắp lỏi bằng đất trước, sau đó mới xếp các tảng đá vuông đã được chặt chẽ theo kích thước quy ước, đá xếp trước, kết dính bằng nhựa cây hoặc vôi, thợ điêu khắc tiến hành chạm chỗ sau
-         Quần thể kiến trúc Angkor Wat xây dựng vào thế kỷ 12, đã bị bỏ rơi một cách bí ẩn trong thế kỷ 15 và phần lớn thành phố linh thiêng này đã bị rừng già che phủ, trước khi được phát hiện trong thế kỷ 19 và trở thành di sản thế giới nổi tiếng.
Angkor Thom - Đền Bayon
      Từ Angkor wat di chuyển đoàn đến Angkor Thom bằng 2 xe nhỏ, đoạn đường khoảng 2km chúng tôi tới nơi. Đây là thủ đô cuối cùng của đế chế Khơme xây dựng vào cuối thế kỷ 12, khá hoang tàn, chính quyền đang tôn tạo, quần thể Hoàng cung đền đài chu vi 12 km.

      Đường vào cổng thành trang nghiêm, có các tượng chư phật bằng đá mặt ngầu ngầu dọc 2 bên. Các tượng nầy một số bị sức mẽ, các con sư tử bể hàm, tôi đi cách 9 năm cũng y nguyên không hồi phục lại. Cổng thành uy nghi bề rộng vừa chiếc xe chạy qua.



      Đền Bayon có rất nhiều tháp mặt người chung quanh, các tháp nầy còn vị trí cứng rắn. Bên trong là Hoàng cung, các vị trí thuộc cung điện thì đổ nát nhiều, trong hoành thành có một quảng trường đấu voi. Angkor Thom là thủ đô của Vương quốc Khơme thời suy tàn trước khi nó bị bỏ hoang không người lui tới
Ta Prohm: Còn đường dẫn vào ngôi đền hai bên là rừng già, có những nhóm người đàn với nhạc cụ dân tộc hai bên đường, đoạn đường vào khoảng non 1 km. Hướng dẫn viên nói với đoàn chúng ta đi thẳng đến cổng quẹo trái, đi theo tường đền, cuối đền quẹo phải, sau đó đi theo hướng giữa đền xuyên trung tâm đền ra lối cũ. Đây là một ngôi đền đổ nát hoang tàn, có sự hiện diện của những cây đại thụ có bộ rễ ăn luồng, trường trên đá, tạo ra một hình ảnh rất đặc biệt của thiên nhiên. Những bộ rễ cây từ trên ăn luồng xuống chứ không phải từ đất chui lên. Nghe nói ngôi đền nầy được Hollywood chọn cảnh quay bộ phim”Bí mật ngôi mộ cổ”, bộ phim số 1, 2 hay là 3 tôi chưa xem qua về xem lại trên google. Ngoài các bộ rễ cây có đền vỗ ngực. Ai muốn trút bỏ những bực tức hoặc nổi lòng mình ai sẽ đáp lại thì vào trong đền vổ vào ngực mình sẽ có tiếng vang vọng đáp lại, mỗi người trong đoàn hăng hái vào thử, vổ xong đi ra cười cười….cảm nhận theo cách riêng của mình đố ai biết. 



      Một điều đặc biệt về sự tán sắc ánh sáng, những bức ảnh chụp từ trong mát không ánh sáng mặt trời xuyên qua, nhưng những đối tượng được ghi ảnh dường như phát ra hào quang, người phát ra nhiều, người phát ít khi đứng cùng một vị trí. Mọi người tham quan chụp ảnh lưu niệm rời khu vực nầy cũng quá trưa, lên xe dùng cơm trưa. Một tiệm ăn buffet quá đông người, hướng dẫn viên đã order  từ đủ đến dư ghế cho đoàn nhưng vẫn không có chỗ ngồi, lý do người mình không ngồi cũng dành chỗ, tôi ăn đứng suốt buổi…
          Lên xe về khách sạn nghỉ ngơi chiều tầm 4g chúng ta leo núi Bakheng cao 65 m và ngắm hoàng hôn sau đền Angkor vĩ đại
        Về  khách sạn tắm rữa nghỉ ngơi chiều hành quân leo núi, chị Yến, thầy Nhiếp, thầy Dũng không tham gia, mà đánh lẻ thuê xe tuk tuk chạy vòng quanh Siêm Reap sau đó ngồi tại một quán café sang trọng, tôi cũng rất muốn đi với 3 người nhưng phải đi cùng đoàn khám phá đỉnh Bakleng.


        Phía dưới chân núi nhiều hàng quán bán nước mía, nước dừa, thức uống chai lon, buôn bán các món hàng lưu niệm, một ly nước mía là 4.000 Ria. Mọi người tập hợp để nghe Cham Sóc giới thiệu về Bakkleng. Đó là một ngọn đồi nằm giữa Angkor wat và Angkor Thom, lên đỉnh chúng ta nhìn được toàn cảnh 2 đền đài nầy, trên nầy có mấy ngọn tháp được xây dựng sớm hơn Angkor wat và Angkor Thom mấy trăm năm, đoạn đường dốc khoảng non 1 km, đi lên bằng voi 20 đô, đi xuống 10 đô. Thôi trãi nghiệm đi rồi biết, tôi đi trước một mạch, cũng chẳng có gì là mệt, trong đoàn tôi còn thấy anh Sâm khỏe mạnh đi lên tới đỉnh rồi đi xuống chân đồi rão qua các hàng quán một cách khoan thai và nói: “nghe HDV nói tưởng ghê gớm lắm, nhưng đi rồi như cuộc dạo chơi”. Đến nơi phải xếp hàng, người ta ngắt từng cụm người cho đi lên đền ngắm hoàng hôn, nhiều quá trước hoàng hôn phải đi xuống. Người đông mà chờ đến mặt trời sắp lặn còn lâu quá, hiện giờ mới 5g mặt trời còn nắng. Nếu thưởng thức đầy đủ hoàng hôn phải chờ khoảng 45 phút nữa. Đoàn chụp ảnh lưu niệm sau đó di chuyển xuống chân đồi.
      Mọi người tập hợp lại lên xe về khách sạn, đi ăn chiều. Xe đậu tại bãi xe, đoàn di chuyển về hướng đó, kiểm quân số lại thiếu 1 người, đó là chị Tuyết. Mọi người lăng xăng ngó dáo dác nói rằng: “mới thấy đó mà”. Nứng Quan, nứng Ngôn đi ngược lại tìm kiếm, đoàn vẫn đi hướng về chổ xe đậu, đến nơi đã thấy chị ta ngồi trên xe từ lâu rồi, thôi đành chờ 2 người kia kiếm đã rồi quay lại. Xe về khách sạn, tập hợp đầy đủ và đi ăn chiều, đây là bưổi ăn ngon miệng, nhiều món để chọn lựa. Buổi tối mọi người được tự do, đây là buổi tối cuối tại Siêm reap. Tôi vẫn giống như hôm qua, ra chợ mua cù là, chọc 2 cô gái bán cù là, nói tiếng Anh, tiếng Miên lộn xộn và vẫn không quên câu “ôl sà-ạch na” cho vui, mua 8 lon bia về rũ Thầy Dũng, chị Yến vớt hết miếng mồi gà lôi của Henry Lee đưa hôm trước, chị Yến 1 mình 2 lon mà chưa đủ đô, có vài bạn đi chơi về cùng ngồi chơi, hết bia rồi đành thôi. Một giấc ngũ an lành, mọi người chuẩn bị hành lý, mai làm một chuyến chạy suốt, từ Siêm Reap về Sóc Trăng
      Ngày 26 tháng 2 năm 2018, buổi sáng tinh mơ, mát mẽ, không khí trong lành, thành phố không ồn ào. 6 giờ sáng mọi người đã mang hành lý tập hợp ở sảnh dưới, chuẩn bị vào bàn ăn sáng. Giống như hôm qua có bánh mì, trứng, thịt, cháo trắng, cháo thịt, café, trà, nói chung các món ăn nhẹ. Tôi tranh thủ 2 chén cháo thịt cho chắc bụng và thớt bánh mì, ly café nóng. Vài người ăn xong ra ngoài băng đá phì phà khói thuốc. Cham Sóc và Giao làm xong thủ tục trả phòng khách sạn, tất cả chuyển hành lý lên xe, chụp bôi ảnh lưu niệm, đến giờ phút nầy Giao mới lấy cái băng ron của đoàn Cựu học sinh Hoàng Diệu 68-75 ra, thôi muộn còn hơn, bôi ảnh nầy quang cảnh không xuất sắc lắm.

    Mọi người lên xe, tôi nói vài lời xin lỗi đoàn về sự phối hợp đưa rước, sự phối hợp với hướng dẫn viên chưa chặc chẽ trong lịch trình tham quan, sự phát sinh 2 tour riêng một số bực bội không vui. Nói chung mọi người đều bỏ qua không ai trách cứ gì.                                                         
          Khoảng thời gian nầy có một sự cố đáng tiếc xảy ra lúc khoảng 6g45 mọi người đã dùng bửa sáng gần xong, Thanh người tài xế suốt hành trình quá nhiệt tình đưa xe lên cửa chính khách sạn, để đoàn mang hành lý lên xe gần nhất, do xe quá cao sát trần nhà chạm vào bóng đèn mâm ốp trần bể nát.Mọi người đã lên xe nhưng Cham Sóc, Giao, tài xế vẫn còn đang giải quyết cái bóng đèn bể, thấy lâu quá tôi cùng anh Quan, Cường đi xuống, họ nói bằng tiếng Miên, người quản lý khách sạn đòi đền 500 đô, dằn co trả giá chỉ mất thì giờ, anh Quan nói tôi nên lên xe thông báo với đoàn, mỗi người góp một ít giúp anh tài xế, tôi cũng rất ngại vụ nầy, móc túi các bạn hoài kỳ, nói vậy nhưng tôi vẫn cầm micro nói vụ việc với mọi người và anh Quan phụ họa thêm. Mọi người rất vui vẽ, anh Quan cầm cái nón, chị Tuyết, Hương, Cường, anh Sâm, Ánh cũng sốt sắng góp sức, có tới 3 loại tiền, tiền đô, tiền ria, tiền VN, mọi người đếm chuyển ra bằng tiền đô và công bố được 430 đô và trao cho anh tài xế, anh ta xúc động rơi nước mắt, xe đang chạy mà anh ta muốn đứng dậy quay ra sau nói lời cám ơn với mọi người, Giao nói chút nữa ngừng chỗ nào anh Thanh cám ơn, còn xúc động, rơi nước mắt thì cứ rơi, anh mà đứng dậy cám ơn thì chết cả đoàn. Người Việt Nam mình có một tính tốt giúp đỡ nhau khi hoạn nạn là việc làm rất vô tư, hôm nay mọi người rất vui làm được việc giúp anh tài xế, anh Thanh rất phấn khởi, lời nói cám ơn ngập ngừng xúc động. Phải chan hòa niềm vui nầy, anh dừng xe lại và lôi trong thùng xe một giàn amply karaoke kẹo kéo có kết nối wifi 3G được, tiếng nhạc vang lên rất bén, khác cái giàn âm thanh trên xe hổm rày chỉ hát chay. Tôi ca dỡ nhưng mồi trước để làm phong trào, không ngờ phong trào dâng lên quá cao, mic lúc nầy phải đăng ký trước mới có cơ hội cầm, rất nhiều giọng ca vàng, Hồng Nhan chất giọng vẫn như xưa, dư âm một thời vang dội dưới mái trường đại học, đặc biệt là tiết mục tam ca của 3 nứng Ngôn, Cường, Quan được ghi hình ghi âm cẩn thận đóng gói đem về bán cho Hollywood. Ngày hôm nay là ngày vui nhất, mọi người như chan hòa đồng cảm nhau, thoải mái trình bày cảm xúc, hát hay hát dỡ ai cũng hát vui hát. Vui vậy làm đoạn đường như rút ngắn lại, xe đã đến Phnom Peng, đồng thời cũng đến giờ ăn trưa, xe ghé vào một nhà hàng lớn Tonle Bassac, tôi đoán chắc đây là một nhà hàng của người Trung Quốc, vì có một câu liểng chữ rất to trãi dọc bên phải cửa chính đi vào. Mọi người đã khen hôm nay có một buổi ăn rất ngon miệng.

    Đã đến lúc tập trung lên xe, mọi người chia tay Cham Sóc, anh ta phải đưa Minh Nguyệt ra sân bay về Sài Gòn để tham gia một tour qua Lào. Mọi người thân thiết ôm và chia tay Minh Nguyệt. Còn khoảng đường không xa thì đến biên giới. không khí lúc nầy lắng động, mọi người không ca nữa mà, tâm sự trao đổi riêng. Đến Tịnh Biên thì mặt trời đã ngã về tây, thủ tục về Việt Nam cũng mất nhiều thời gian như lúc đi, cả tiếng đồng hồ, mọi người không biết làm gì, chờ đợi, tranh thủ làm  tài xế lái chiếc xe lôi bự quá cở, ghi vài tấm ảnh ngồ ngộ. 

       Có một cô gái người Pháp. thuộc diện du lịch bụi, lở đường, hết tiền xin quá giang về Châu Đốc, với tư cách đại diện đoàn mọi người hỏi ý kiến, tôi suy nghĩ mãi, tôi hỏi anh Quan, anh Quan nói tùy tôi quyết định.Tôi nói:”Anh em trong đoàn có ai có lòng hảo tâm thì giúp cô ta chút tiền lộ phí, còn xe của đoàn có liên quan rất nhiều người, không thể cho quá giang”. Sau khi tôi nói mọi người đồng ý không bàn gì thêm, anh Quan đi về hướng cô ta, chắc có lẻ giúp cô ta chút ít.
     Xe đến Tp Long Xuyên trời cũng sụp tối, ghé nhà Đông Xuyên dùng cơm chiều, các món ăn bình thường không cầu kỳ như: canh, rau luột, trứng luột, cá kho cơm trắng nhưng ngon miệng vô cùng, có lẻ mọi người cùng cảm nhận đây là hương vị quê hương. Giao và tài xế có lẻ cảm động tình cảm của đoàn nên tự khao đoàn một thùng bia Angkor, mọi người hô “vô” vẫn nghe mạnh mẽ khí thế.
      Không khí lắng động vì sắp đến giờ chia tay, 11g xe về đến Sóc Trăng, ghé tại các điểm đã rước, mọi người về nhà an giấc sau một hành trình 4 ngày 3 đêm, vui là chủ yếu, ai buồn ai nho nhỏ bỏ qua, đường đời vạn nẽo cũng hiếm hoi có dịp gặp để buồn nhau. Các bạn từ nước ngoài về sau tour nầy có những hành trình riêng như: Minh Nguyệt sau tour Lào về Úc. Hương Cường, anh Quan Chị Tuyết, Toàn Ngôn đi Miama, sau đó đi ra ngoài Bắc và về Mỹ.  Hoài Lan cùng nhóm bạn thân thiết ở Sóc Trăng đi Côn Đảo, sau đó về Úc. Hồng Nhan Cần về Cần Thơ Rạch Giá thăm má và người thân, cùng những bạn bè thân thiết đi chơi Hà Tiên. gặp gỡ đồng nghiệp, thầy cô khoa công nghệ ĐHCT, gặp gỡ bạn 68-75 Sóc Trăng. Anh Sâm Ngọc Ánh ở Sài Gòn thăm người thân, làm một số việc về giấy tờ.
   Cuộc vui nào cũng đến thời chung cuộc, men đắng cuộc đời vị ngọt tình yêu chan hòa. Ở tuổi nầy đa số đã về hưu thong dong, không nặng nề bổn phận, trách nhiệm, lý tưởng, quy tắc cuộc sống, niềm vui số 1 là gia đình con cháu người thân, niềm vui số 2 là bạn bè. Có thể là một cơ duyên như triết lý nhà Phật đã luận “Tu trăm năm mới đi cùng thuyền, tu ngàn năm mới chung chăn gối”. Tôi xin phép được bổ sung cho đầy đủ: “Tu trăm năm mới đi cùng thuyền, tu ngàn năm mới chung chăn gối, tu vạn năm, kiếp sau mới có cơ hội gặp lại”. Chào các bạn hẹn gặp lại.
                                                                                             Hoàng Minh ghi lại 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  LỊCH SỬ VIỆT NAM 1. Thời kì nguyên sử ( 2879 – 111   CN • Năm 2819 trc CN : người Việt cổ hình thành (lấy tTtên Bách Việt) • Chiến t...