Thứ Năm, 26 tháng 10, 2017

Thầy Lê Đình Điểu

TIỂU SỬ LÊ ĐÌNH ĐIỂU (1939-1999)


      Lê Đình Điểu sinh năm 1939 tại Ngọc Hà, ngoại thành Hà Nội, nguyên quán ở làng Thanh Lâm, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Ông mồ côi mẹ từ năm lên 6 tuổi, và thân phụ ông là cụ Lê Đình Phán, đã qua đời, sau này được bà Hoàng Thị Nghiêm, kế mẫu nuôi dạy như con ruột của bà.
      Theo gia phả thì gia đình ông vốn họ Đặng Đình, gốc ở Hà Tĩnh, vị thủy tổ là một công thần theo Lê Lợi kháng chiến chống quân Minh cho nên đã được Lê Thái Tổ ban cho quốc tính, từ đó đổi thành họ Lê Đình.
       Ông Lê Đình Điểu đã học tiểu học tại Hà Đông, học trường Trung Học Ái Mộ, Gia Lâm và trường Nguyễn Trãi ở Hà Nội, trường Chu Văn An, Sài Gòn.
       Ông là Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn, mà chủ tịch là ông Lê Hữu Bội (đã bị sát hại năm 1968 ở Huế). Mùa hè năm 1964, ông tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm, ban Anh Văn, và được dạy tại các trường trung học ở Sóc Trăng, Ba Xuyên.
        Năm 1965, ông Lê Đình Điểu tham gia chương trình Công Tác Hè của Thanh Niên, Sinh Viên, Học Sinh cả miền Nam, với tư cách một Phó Tổng Thư Ký. Năm 1966, ông là một sáng lập viên của chương trình Phát Triển Sinh Hoạt Thanh Niên học đường, mà chính ông đề nghị tên viết tắt là CPS, một chương trình kéo dài nhiều năm của Bộ Giáo Dục VNCH. Ông cũng là một huynh trưởng Phong Trào Học Đường Phục Vụ Xã Hội, đồng thời ông cũng sáng lập Hội Tương Trợ Học Sinh nạn nhân chiến tranh hoạt động ở nhiều tỉnh. Từ năm 1965 ông dạy tại trường Trung học Chu Văn An, cho đến khi đổi qua Việt Nam Thông Tấn Xã.
       Ông Lê Đình Điểu đã làm thơ, viết văn từ thời niên thiếu với bút hiệu Y Dịch. Năm 1967, ông tốt nghiệp khóa Báo Chí học tại Viện Báo Chí Quốc Tế ở Kuala Lumpur, Mã Lai. Sau đó, ông làm đặc phái viên Việt Tấn Xã, và là Phụ Tá Học Vụ Ban Báo Chí học giúp ông Nguyễn Ngọc Linh ở Đại Học Chính Trị Kinh Doanh, Đà Lạt.
        Năm 1972, ông Lê Đình Điểu đứng đầu ngành Thông Tin Quốc Nội trong phủ Tổng Ủy Dân Vận, sau đổi thành Bộ Dân Vận-Chiêu Hồi, khi ông Hoàng Đức Nhã là Bộ Trưởng. Đến năm 1974 ông làm Phòng Báo Chí của Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Hảo.
        Từ 1975 đến 1981 ông Lê Đình Điểu là tù nhân cải tạo, qua các trại Trảng Lớn, Xuân Lộc, Bù Gia Mập, Bù Loi và Hàm Tân.
         Sau khi phụ thân qua đời, gia đình ông đã qua Pháp từ năm 1983. Ông làm Tổng Thư Ký báo Chiến Hữu và chủ bút báo Diễn Đàn Người Việt ở Paris.
        Từ năm 1985 gia đình ông qua Mỹ, và ông làm chủ bút nhật báo Người Việt, đến năm 1988 thì ông được bầu làm Tổng Giám Đốc Công Ty Người Việt, giữ chức vụ này trong 2 năm. Từ năm 1991 ông là chủ nhiệm tạp chí Thế Kỷ 21. Trong thời gian này ông cũng là một sáng lập viên Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) mà ông giữ chức chủ tịch nhiều năm cho đến khi lâm trọng bệnh.
Năm 1995, ông làm chủ tịch đài phát thanh VNCR mà ông là một sáng lập viên và phụ trách điều khiển chương trình. Ông Lê Đình Điểu cũng là chủ biên tạp chí Lê Hoa, là bản tin liên lạc của họ Lê ở hải ngoại. Năm 1967, ông là một trong ba tác giả cuốn Hướng Dẫn Sinh Hoạt Thanh Niên, do chương trình CPS thuộc Bộ Giáo Dục xuất bản. Ông đã dịch các cuốn sách "Kỹ Thuật Tòa Soạn", THN xuất bản ở Sài Gòn năm 1969, và "Ký Giả Chuyên Nghiệp", Hiện Đại xuất bản năm 1974, Người Việt tái bản năm 1977.
        Mùa xuân năm 1998 khi biết mình gặp những chứng bệnh nan y và bình thản chờ ngày từ giã cõi đời, Lê Đình Điểu đã viết thư tâm sự với các thân hữu. Tấm lòng thanh thản và thái độ bình tĩnh của ông đã mang lại niềm an ủi sâu xa trong lòng mọi người. Đêm 24 tháng 5, 1999 ông đã ra đi, trong nỗi tiếc thương và quí mến của mọi người ở lại.
Nguồn Việt báo online: https://vietbao.com/a29726/nha-bao-le-dinh-dieu-tu-tran ( Nhà báo Lê Đình Điểu từ trần )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  LỊCH SỬ VIỆT NAM 1. Thời kì nguyên sử ( 2879 – 111   CN • Năm 2819 trc CN : người Việt cổ hình thành (lấy tTtên Bách Việt) • Chiến t...