Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2011

Văn - Truyện ký

kohen
    Đã hơn ba mươi năm rồi, ít có dịp về lại ST, không biết những điều nhắc lại có còn giống như xưa hay không?! Nhưng N.H.Võ có gợi lại những con đường quen thuộc của thời còn đi học, trong đó có con đường mang tên Hai Bà Trưng (ngày xưa còn gọi là đường Giữa) đã gợi lại khá nhiều điều vui-buồn, hay-dở, nhưng dù sao nó cũng có một quá khứ khó quên.

    Không biết tên Đường Giữa có từ khi nào và lý do gì mang tên gọi đó, chỉ biết có thể là do là con đường có nhiều cửa hiệu mua bán sầm uất nhất, hay là con đường lớn nhất? Con đường xẻ đôi khu trung tâm? Con đường chính của Thị xã? v.v…nhưng có một điều là vào những buổi chiều, tối, hay thậm chí vào buổi sáng mọi người dễ tìm nhau khi cần, thấy nhau lúc tình cờ, hẹn nhau để uống cà phê, có thể là cà phê Thanh Tâm (gần nhà M.H. Sơn) hoặc bất cứ chỗ nào có thể ngồi được để xem mọi người đi….. qua, đi lại, có thể ngồi uống nước mía nhà Đặng Kỳ Quang (B pháp văn), tiệm sinh tố Thanh Thanh, hoặc như N.Đ. Lân, T.Q. Bảo, N.A.Kiệt thường hay hội ngộ nhà Tư Cồ để đánh cờ tướng sau khi dạo chơi hết một vòng mà chưa hề thấy mỏi cẳng. Ông đi qua, bà đi lại ai cũng có thể gặp mặt nhau tuốt ( ngoại trừ các ông Anh Bà Chị nào đi dạo mà không muốn ai thấy mình , thì mới đi các con đường khác hơi tôi tối, hơi âm u….cho đôi con tim đập thình thịch vì hồi hộp xen lẫn sợ ...ma) Và thật xui cho tay nào đang mải miết lòng vòng mà bị Thầy Cô thấy được thì chắc chắn ngày hôm sau được mời lên bảng ngay nếu có giờ. Không biết có ai bị chưa, chứ bản thân Bình tôi đã nếm mùi rồi (kết quả không tệ lắm : 10/20 do thuộc nửa bài, đọc tiếng mất tiếng còn, đôi khi phát âm có echo nữa) hoặc đôi khi có ai đó cũng được bạn nhờ vả do tình cờ đi ngược nhau hỏi một câu na ná như :

“Nãy giờ mầy có thấy thằng …..đi ngang dây không ?“

Trả lời :

“Tụi nó mới đi ngược lại phía bên kia đường“,v.v…

Hoặc : “Mầy đi đâu vậy ?“

Trả lời : “lòng vòng chơi!”

“Đi với tụi tao cho vui “

“Ừ, cũng được “……….

    Đó, con đường Giữa của chúng ta to và rộng như vậy đó, bạn bè, hoặc người quen gặp nhau đôi khi cũng hỏi những câu vu vơ không giống ai, như:

“Đi chơi hà?”

“Ừ, mày đi đâu vậy?”

“Đi lòng vòng chơi!”

    Nó lãng nhách giống như các chị các dì cùng xách giỏ đi chợ với nhau khi gặp nhau ngoái đầu hỏi : “Chị đi chợ hả?" Lãng nhách thiệt, thấy xách giỏ là biết đi chợ rồi mà còn hỏi! Nhưng bây giờ ngồi mà nghĩ lại, nó không lãng nhách như mình nghĩ đâu.

     Thường bắt đầu một cuộc dạo chơi có thể từ bất cứ con đường nào, xóm nhỏ nào, cũng đều đổ vào đường Giữa và thường thì dạo lên lượt một trên lề bên kia đường. Dạo về lựot hai trên lề bên đây đường, có thể vòng tua ngắn, hoặc dài, có khi lên đến bến xe Cần Thơ rồi quay lại, hoặc đi đến Chùa Samakum nơi có tiếng nhạc vang vang của Quán Quỳnh đối diện Nhà Thờ, và quay lại lượt về đi đến Sân Bạch Đằng ( ngày xưa là Sân Bạch Đằng thường dùng làm Lễ lớn không biết nay gọi là gì?) ngay trường Nữ Tỉnh Lỵ, ai gan thi đi xa hơn một chút-Bến xe Bạc Liêu.

    Ngày thường, vào mỗi buổi sáng, đường Giữa cũng dập dìu áo trắng học trò từ khắp nơi lũ lựot ngược xuôi đến trường, nào Lam Sơn, Hoàng Diệu, La San, Providence (có thời gian chuyển màu hồng ), Trần Văn, Tố Như.v.v… cho đến các màu áo khác như Bồ đề, Nông Lâm súc, và tất nhiên cũng có HS trường Nam-Nữ Tỉnh lỵ nữa.

        Gửi một chút gì quen thụôc của ngày xưa, mong rằng bi giờ Sóc Trăng vẫn còn thói quen đó ở Đường Giữa, Con đường không hẹn cũng gặp….. hoài. Tôi mong, nếu có ai từ nơi xa trở về Sóc Trăng, ngang qua con đường giữa thì bỗng đâu nghe tiếng kêu : “Ê! Võ..Võ...“ mang đậm giọng nam trầm của MHS ở một quán cà phê nào đó...
                                                                                                               SG – 12.12.2008
                                                                                                               Trịnh Việt Bình

1 nhận xét:

  1. Hình như bức ảnh nầy không phải là năm 1968???
    Tiệm vàng Nam Mỹ làm nhớ lại muốn khóc vể thầy HIẾU một người thầy được toàn học sinh trân trọng.
    TRAN3T(HD.61-68)

    Trả lờiXóa

  LỊCH SỬ VIỆT NAM 1. Thời kì nguyên sử ( 2879 – 111   CN • Năm 2819 trc CN : người Việt cổ hình thành (lấy tTtên Bách Việt) • Chiến t...