Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2011

Văn - Truyện ký


       Tôi có vài bạn học ở xa về chơi, gặp nhau trong lúc trà rượu tâm tình thường nhắc lại những kỷ niệm thời còn đi học, những mẫu chuyện không đầu không đuôi nhưng đứa nào cũng cảm thấy như có mình trong đó. Mào đầu thường là câu: “Mày còn nhớ...”, rồi thì nhớ nào là những con đường, những quán xá...rồi nhớ lại từng khuôn mặt bạn bè, đứa còn, đứa mất, đứa lâu rồi không gặp...thả sức cho kỷ niệm chen về. Đến tuổi U60 thì ai cũng một bầu kỷ niệm, chuyện gì nhớ thì ngày càng đậm nét, chuyện gì quên thì đã quên rồi; đáng nói là không có bạn bè thì cũng không có gì để nhắc, để gọi là kỷ niệm, cho nên tôi gom góp vài ý nghĩ tản mạn về những con đường, góc phố, quán xá của Sóc Trăng ngày trước để bạn bè xem coi có thấy mình trong đó không, xin coi như đây là món quà dành cho tình bạn.

Con đường đến trường
soctrang1
Góc đường Hai  Bà Trưng - Nguyễn Huỳnh Đức 1968
Con đường trước trường Hoàng Diệu, từ chợ đi trở xuống có tên đường là Mạc Đỉnh Chi, từ chợ đi trở lên có tên là Nguyễn Huỳnh Đức giáp với đường Hai Bà Trưng. Trên con đường này đời học sinh chúng ta đã có biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn. Tôi nhớ từ lớp 6 đến lớp 8 đi học vào buổi chiều trời thường hay mưa, mà trời mưa thì buồn 5’ vì không chạy ra sân chơi được; có những buổi chiều ngồi học ở dãy lớp kế bên nhà dân, mùi xào nấu thức ăn từ bên đó bay qua làm cho những tiết học thêm sinh động...đậy vì lũ học trò đói bụng. Còn những hôm trời nắng đẹp có giờ trống hay được nghỉ sớm là các trò nam hay tấp vào quán bi-da, banh bàn của 02 chị em chị Bảy, chị Tám (quán Phong Lan) cách trường chừng năm chục mét để so tài cao thấp. Các trò nữ khi tan trường thích ghé ăn nước đá đậu đỏ của cái quán ngay đầu chợ trước tiệm Xuân Ký, bạn nào đã từng ăn đá đậu ở đây chắc nhớ ông Tiều bào nước đá bằng dụng cụ có bánh xe quay bằng tay cho ra từng vốc nước đá trắng như tuyết. Thời lớp 6 - lớp 8 kỷ niệm chưa nhiều, chiều dài con đường vỏn vẹn có vậy: từ quán nước đá đậu đỏ đến quán bi-da, banh bàn đâu chừng hơn hai trăm mét. Nhưng sang những năm học từ lớp 9 đến lớp 12 (học buổi sáng) thì con đường như được nối dài thêm ra, từ trường đi lên thì phát hiện thêm bến xe lam Vũng Thơm, Trường Khánh – phát hiện ở đây không có nghĩa là nó mới hình thành, thực ra nó có từ lâu rồi nhưng ta không chú ý cho đến khi có một tà áo dài trắng nào đó đi đi, về về trên những chuyến xe làm ta vương vấn lúc đó ta chợt nhận ra bến xe này.
     Đi lên trên nữa thì có lò bánh mì điện Chánh Phong gần đó có quán cà phê Trang, hai địa điểm này làm tôi nhớ lại những buổi sáng hẹn nhau đi học sớm, tụi tôi mua bánh mì nóng hổi mới ra lò rồi qua quán Trang 03 thằng kêu 01 cà phê đen uống chung, chủ yếu lợi dụng hộp đường lúc nào cũng có sẵn tại bàn để rắc vào bánh mì ăn cho nó ngọt ngào. Lên gần tới đường Hai Bà Trưng có một ngã rẽ qua đường Gia Long, các nàng HL, LAN, MT (lớp 9A1) thường rẽ qua đường này để về nhà mà đàng sau các nàng lúc nào cũng có 03 “thằng khùng” (?) lẽo đẽo đi theo không biết để làm gì. Ngay đầu ngã ba này có chùa ông Bổn, trước 75 nữ sinh của các trường Hoàng Diệu, Lam Sơn, Phụ Huynh (3 trường đều tọa lạc trên con đường này) thích vô chùa xin xâm đoán chuyện tình cảm, học hành, thi cử của mình, của người. Bạn có thắc mắc vì sao tôi biết chuyện này chăng? Vì nhà tôi ở góc đường Hai Bà Trưng - Nguyễn Huỳnh Đức, nhìn xéo qua là chùa ông Bổn, cho nên trưa hay chiều đứng trên ban-cong nhìn suốt con đường là thấy dập dìu các tà áo dài trắng đi học về. Có lần tôi thấy một cô nàng mình ên rẽ vào chùa xin xâm cầu mong điều gì đó, mà chắc xin được lá xâm tốt nên thấy em bẻn lẻn dấu nụ cười sau môi; cũng có khi thấy 4, 5 chị xin xâm xong rồi xôn xao bàn tán như muốn cùng nhau chia sẽ số mệnh! Con đường từ trường đi trở xuống thời đó bọn tôi ít khi đi qua, chỉ là sau này do bạn tôi TVS có quen một nàng tên TH, nhà nàng nằm trên đoạn đường này nên nó trở nên quen thuộc đến nỗi bọn tôi nhớ từng cái ổ gà đọng nước (hổng nhớ là ban đêm đi lạng quạng lọt sình). Năm học lớp 9, tối nào TVS cũng rủ bọn tôi lội bộ từ nhà tôi đi xuống nhà TH mà chẳng để làm gì cả, chỉ đi ngang thôi để S nhìn vào ngôi nhà có một cửa sổ mà mơ mộng. Chắc chắn cả 02 anh chị không thể nhìn thấy nhau vì khoảng cách từ lộ vô tới nhà TH cả trăm mét, mắt em lại...cận thì làm sao mà thấy được, vậy mà bếp cứ đòi đi ngang nhìn vô nhà em một cái xong đi xuống quán gần đó uống xi rô sữa đá chanh rồi lội về, riết rồi quen mặt luôn cô chủ quán có 2 cái răng vàng. Đối diện trường học còn có quán cà phê nằm ngay góc đường ND – MĐC, các nam sinh thường tụ tập uống cà phê, hút thuốc ở đây (hồi đó trường cấm học sinh hút thuốc, muốn hút là phải vào quán hút cho kín đáo). Tôi còn nhớ lúc đó 5$ là được 01 ly phê đen và 03 điếu Capstan đủ cho 03 thằng ghiền (mà khói thuốc Capstan thơm lắm, đến nỗi sau này có đứa kể rằng có 02 người yêu nhau, lo lắng cho sức khỏe của chàng, nàng mới thỏ thẻ khuyên rằng: anh ơi đừng hút thuốc bệnh lắm mà có hút anh hút Capstan nghe anh!). Ngang cổng trường còn có một quán cà phê, phía sau có phòng cho học sinh ở trọ, quán này các thầy thường đến ăn sáng, uống cà phê nên học trò ít khi vào. Sẽ là thiếu xót lớn nếu không nhắc đến chùa Tịnh độ Cư sĩ lâm nằm đối diện trường, tôi nghĩ gần trường học mà có ngôi chùa cũng có cái hay. Trường học dạy người ta tri thức để mai sau trở thành người hữu dụng cho đất nước, còn nhà chùa dạy con người làm lành lánh dữ, góp phần hoàn thiện tâm hồn - nhưng với điều kiện là ta phải đến với chùa và tiếp chùa làm việc thiện. Sớm ngộ ra điều này nên lúc học lớp 9 tôi và LHK đã rũ nhau cuối giờ học 02 đứa qua chùa làm công quả bằng việc làm thiết thực là chặt cây thuốc Nam để chùa trị bệnh cho bá tánh; sau đó 02 thằng tôi còn thuyết phục được 02 tín nữ học trò cùng tham gia đó là TTNH và LTHL. Bốn đứa làm việc thiện đến hết năm lớp 9, qua lớp 10 do LHK học nhảy chuyển trường nên 04 đứa tôi đành giã từ chùa xưa - phải nói đấy là “những ngày tươi đẹp” nhất trong “những ngày tươi đẹp” trong đời học sinh của tôi (còn 03 bạn kia như thế nào thì phải hỏi lại).
* Tôi luôn nhớ cảm giác háo hức của những buổi sáng đi học, hẹn vài thằng bạn sáng sớm tinh mơ là cặp sách cầm tay, vội vã gặp nhau để đi đến một quán nào đó uống ly cà phê, hút điếu thuốc...rồi phơi phới bước vào sân trường có đầy hoa vàng, hoa tím đong đưa và dòng nhạc Trịnh Công Sơn với tiếng hát Khánh Ly vang vọng len qua từng dãy lớp học như rót thêm mật ngọt cho đời học sinh (phải nói lời cảm ơn muộn màng đến quý Thầy Cô nào đó đã chọn nhạc TCS cho chúng em nghe để chúng em thêm yêu người và yêu đời)

Con đường có nhà tôi, nhà em.
    Nhà tôi nằm ngay góc ngã tư đường Hai Bà Trưng - Nguyễn Huỳnh Đức, bạn tôi thường gọi là ngã tư quốc tế, nhà tôi là điểm hẹn để đám bạn tụ lại rủ nhau đi chơi, đi uống cà phê, hoặc chiều chiều, tối tối ngồi bậc thềm trước nhà ngó nhìn thiên hạ đi qua đi lại (TVL trước lúc đi Mỹ còn nhắc lại cảnh buổi chiều canh lúc Hoàng Diệu tan trường, bọn tôi tập họp ở đàng sau nhà chờ nữ sinh lớp 8 đi học về). Đường Hai Bà Trưng hồi đó là con đường chính của tỉnh Sóc Trăng, chạy suốt hai bên đường là những cửa hàng, cửa hiệu buôn bán đủ loại hàng hóa, dịch vụ, trong đó có những biển hiệu đã đi vào trí nhớ của nhiều người như: tiệm cơm Tân Huê, Quảng Châu chuyên phục vụ tiệc cưới; tiệm Đông Nam Hưng, Quyền Ký, Thanh Tâm bán cà phê, ăn sáng với nhiều món ăn như: mì, hoành thánh, bánh bao, xiếu mại, dầu chả quảy, bánh pa-tê-sô (đặc biệt các tiệm đều bán cà phê châm bằng vợt, ly cà phê đen đem ra còn bốc khói và lúc nào cũng kèm theo bình trà nóng, loại bình bằng sành to tổ chảng uống không bao giờ cạn); tiệm mì Á Đông ngon có hạng, tiệm thường mở cửa bán vào giác chiều cho đến tối; tiệm sinh tố Thành Nguyên có món chè thạch có thể nói là món ngon nhớ lâu làm nhớ luôn ông chủ tiệm mập lùn. Có 02 tiệm bán sách, báo là Thanh Quang và Trung Huê; nhà sách Thanh Quang chuyên bán báo ra hàng ngày, báo sắp đầy trên mặt tủ kiếng, còn phía trên người ta treo hàng dọc các bản nhạc để cho người mua dễ tìm; tiệm Trung Huê chuyên bán sách giáo khoa, truyện tiểu thuyết, thiệp Giáng sinh, chúc Tết thu hút nhiều học sinh (chắc trong chúng ta ai cũng đã có lần bước vào các tiệm sách này). Hồi đó không tuần nào là bọn tôi không đảo qua tiệm Trung Huê để coi có cuốn sách nào của tác giả mình thích? đến nỗi sau này bọn tôi có câu “chung vào là quê liền” (hàm ý vào coi mà không mua là quê độ với chủ tiệm). Đặc biệt có rạp Nhị Trưng (rạp Dân Ta) chuyên chiếu phim Pháp – Mỹ, hồi đó khi có phim cao bồi, phim có tài tử Alain Delon, Benmondo, Charles Bronson...là tụi tôi khó lòng bỏ qua. Bởi vậy cái khoản coi phim làm bọn tôi tốn bộn tiền, có khi kẹt quá phải dùng “mánh” mua vé trẻ em (vé trẻ em bằng nữa giá tiền vé người lớn) rồi năn nỉ chú Ba cho vào xem ½ xuất (nói xạo thôi chớ chú rất thông cảm cho vào xem tuốt). Nhờ vậy mà tụi tôi xem được rất nhiều phim hay: Romeo & Juliette, The Red Sun, The GodFather, Le Doctor Jivago...(đến giờ còn nhớ được 03 bài nhạc phim Romeo & Juliette, Love Story và Le Chanson de Lara). Ngoài ra, còn nhiều tiệm khác như: muốn mua đồ hộp, bánh kẹo thì vô tiệm Nguyên An, mua rượu bia, nước đá thì ghé Hải Quốc, mua thuốc Tây vào nhà thuốc Bảo Toàn v.v...kể không hết.
ST1Bây giờ thì nhiều tiệm cả chủ và bảng hiệu không còn nữa, một số tiệm thì đã chuyển nghề nhưng con đường vẫn là nơi mua bán tấp nập hơn cả ngày xưa. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy đường Hai Bà Trưng của ngày xưa lôi cuốn hơn bây giờ, con đường ngày đó có những hình ảnh đặc trưng như đêm rằm Trung Thu trên lầu hai bên dãy phố đều thắp đèn cầy sáng rực, đặc biệt trưa 30 Tết dù buôn bán cách nào thì mọi cửa tiệm đều ngừng hoạt động, lo trang hoàng nhà cửa sạch đẹp rồi bày mâm bàn cúng tất niên và rước ông bà. Hồi đó không hiểu sao tụi tôi lại thích đi rong trong chiều 30 Tết, có lẽ vì cảm giác được đi qua những đường phố êm êm dìu dịu, sạch sẽ tinh tươm hơn ngày thường. Có năm tôi với LHK thả bộ từ nhà tôi đi suốt đường HBT quẹo qua đường TQK thấy hai bên phố xá nhà nhà đều khép hờ cửa, đi ngang quán Lan Hương nghe loang thoáng nhà ai mở băng KL hát bài “Ta cùng lên đường...đi xây lại VN...bàn chân ta đi mau đi sâu vô tới rừng cao...”, đi xuống gần tới đường ĐT thấy trước nhà ai đang nấu nồi bánh tét mùi khói củi thơm nồng, quẹo lên đường PCT đi ngang nhà HL cho LHK liếc nhìn vào nhà nàng có hai cửa sổ mà không biết nàng đang ngồi bên cửa nào. Như vậy là bắt đầu ăn Tết rồi đó. Ôi cái không khí êm đềm chiều cuối năm mà bây giờ không tả được mà cũng không sao tìm lại được?!
     * Trên đường HBT, có một ngôi nhà cao tầng hơn những ngôi nhà khác, trước nhà kế bên có quán cà phê lề đường - những năm sau 75 có rất nhiều quán cà phê lề đường nhưng tôi với MHS chọn quán này để hàng đêm ngồi đếm thời gian; MHS tha hồ nói về ước mơ của mình (cho đến bây giờ thì ước mơ đó vẫn là ước mơ) còn tôi nghe mà vẫn không ngừng thắc mắc: đêm nay em có ngồi trước cửa?! Câu hỏi rất ít khi có lời đáp. Nhưng có một đêm, em ngồi cho đến khi tất cả quán cà phê đều dọn, tôi biết em buồn nhưng không hỏi, mà có hỏi thì em cũng không bao giờ nói. Câu trả lời đến nhanh sau đó vài đêm: nhà em bị niêm phong diện nhà vắng chủ - từ đó đến giờ tôi chưa gặp lại em. Nhớ về em tôi chỉ còn nhớ về một bông hồng trắng ngắt vội bên cổng nhà ai, không gặp được em tôi chỉ biết cài bông hoa lên khung cửa, hôm sau đến chơi đã thấy bông hoa đêm trước còn nụ nay khoe sắc tinh khôi trên bàn học của em. Em là “bông hồng trắng” của tôi.
                                                                                                                     Nguyễn Hồng Võ





1 nhận xét:

  1. đá đậu đỏ của cái quán ngay đầu chợ trước tiệm Xuân Kýông Tiều bào nước đá bằng dụng cụ có bánh xe quay bằng tay cho ra từng vốc nước đá trắng như tuyết. la ông ngoại con nè. hôm nay tình cờ con được đọc cua chú Nguyễn Hồn Võ hay qua

    Trả lờiXóa

  LỊCH SỬ VIỆT NAM 1. Thời kì nguyên sử ( 2879 – 111   CN • Năm 2819 trc CN : người Việt cổ hình thành (lấy tTtên Bách Việt) • Chiến t...