Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2011

Văn - Truyện ký

GÓP CHUYỆN DONG DÀI (II)




Những con đường thường được nhắc tên



Thời đi học ngoài con đường đến trường và đường có nhà tôi, nhà em còn có nhiều con đường tôi và đám bạn thường hay đi chơi hoặc đi tìm một nơi để ngồi nhìn trời xanh, mây trắng, hoa lá, cỏ cây...và từ đó có nhiều con đường thường được nhắc tên. Bọn tôi có nhiều cách gọi tên đường rất tùy hứng như đường vú sữa là đường có cây vú sữa; đường nhà Ánh, đường nhà Vạng là đường kêu theo tên đứa bạn có nhà ở đó; có đường lại được gọi tên theo đặc điểm như đường vườn đào (điều), vườn táo...nhưng đặc biệt trong đó có 02 con đường được đặt tên rất là thi ca, nhạc họa đó là đường Giao Hạ và đường Hoàng Thị.

Trước 75 tên đường Giao Hạ ít người biết vì nó chỉ truyền miệng trong một số học sinh HD khóa 68-75, tên này có lẽ do các cô nàng lớp 9A2 sau nhiều năm đọc báo Tuổi Hồng, Tuổi Ngọc, thích chuyện thơ văn, thích rong chơi trong những trưa nắng chiều mưa; bất chợt một buổi trưa hè nào đó, lúc lang thang trên con đường nằm dọc theo dinh tỉnh và khu hành chính của tỉnh lỵ (cũ), con đường mát rượi bởi 02 hàng phượng đỏ đang nở đầy hoa, dưới bước chân của nàng (hay các nàng) đầy những cánh phượng hồng làm thành con đường hoa phượng, vô tình một nàng ngước lên nhìn thấy những tàng phượng đỏ rực giao nhau báo hiệu một mùa hè, mùa chia tay bạn bè đang đến nàng bèn thở dài thốt nên lời: “con đường Giao hạ là đây”. Thế là từ đó ta có tên đường Giao Hạ (lâu quá tôi không nhớ tên đường chính thức của nó là gì, hiện nay đường có tên Trần Phú). Có thể nói Giao Hạ là con đường đẹp và rất yên tỉnh, gần bên có công viên Bạch Đằng nên mọi người nhất là bọn học trò thích đi chơi trên con đường này. Còn gì khỏe ru cho bằng 2, 3 đứa rủ nhau chạy xe đạp loanh quanh lên xuống đường Giao Hạ, mệt thì ghé vào công viên ngồi bên Đài tưởng niệm tán đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Hồi còn nhỏ lần nào đến công viên BĐ tôi cũng mắc nhìn qua cây đa có tàng lá um tùm với những chùm rễ loằng ngoằn vây chung quanh gốc, không biết cây được bao tuổi nhưng tôi đã thấy nó cao to từ lúc học lớp 5, gắn với nó có một câu chuyện mà lũ nhóc chúng tôi thường hay nhát nhau: người ta nói cây đa này có ma, lớn nhỏ đủ cả, đêm nào đúng 12 giờ chúng cũng hiện lên bám theo những rễ cây đánh đu đong đưa chờ ai đi ngang là chúng kéo vào; có đứa còn thêm thắc gần nhà nó có đứa con nít đi chơi chiều không thấy về, sáng hôm sau cha mẹ nó đi tìm thấy nó nằm trong bọng cây, ghê chưa. Chuyện ma làm đứa nào cũng sợ, không dám đến gần nhưng cứ ra đây chơi là đứng xa xa nhìn xem những rễ cây có dài thêm hay có đứa con nít nào kẹt trong đó không, đúng là chuyện trẻ con nhắc lại thấy buồn cười. Cây đa bây giờ vẫn còn, mùa mưa lá xanh hơn mùa nắng, thân cây phát triển cả chục người ôm chưa giáp, đi xa xa đã thấy dáng đa cổ thụ đứng nhìn bốn hướng như nhớ mong những đứa học trò sao lâu lắm rồi không thấy chúng đến chơi!?

Đường Giao Hạ ban ngày đã đẹp ban đêm đường lại có vẽ đẹp riêng, vì nằm trong khu hành chính không có nhà dân nên về đêm con đường trở nên im vắng với hai hàng cây và những ngọn đèn đường không đủ sáng (các bạn nhớ là tôi đang quây chậm đoạn phim được ghi hồi năm 1972 – 1974). Đường đẹp nhất vào những đêm có trăng, ánh trăng chiếu xuyên qua tàng phượng thả xuống mặt đường những chùm sáng dịu dàng, lay động theo từng cơn gió. Ngay góc đường, bên trong hàng rào dinh tỉnh có trồng nhiều cây sao, đi ngang đó trong bóng chiều chập choạng nhìn những hàng cây mờ mờ tối làm ta có cảm giác như đang có một khu rừng nằm trong thành phố. Đi dần về cuối đường ta sẽ cảm nhận hương thơm nhẹ nhàng từ những cây hoa sứ trồng trước các trụ sở hành chính để rồi đêm về mơ màng hương hoa hay hương tóc của em. Tôi nhận ra tất cả những điều này nhờ những lần hiếm hoi được đi bên cạnh nàng vào những đêm trăng sáng, từ đó thấy rằng đường Giao Hạ đúng là con đường tuyệt vời dành cho những ai cần tìm những khoảnh khắc tuyệt vời cho mình và cho người nào đi bên cạnh mình. Vì vậy trên con đường này nếu tình cờ bạn thấy cảnh hai người sánh bước bên nhau trong một buổi trưa hè, hoặc một sáng đầu xuân, hay là một đêm trăng tỏ nào đó, bạn cứ tin đi hai người đó đang hạnh phúc tuyệt vời vì họ đang đi trên con đường thơ mộng nhất của Sóc Trăng.

Hình như sự kiện con đường được đặt tên Giao Hạ cùng với thời điểm nhóm làm thơ, viết văn, sáng tác nhạc, vẽ tranh (gọi cho gọn là nhóm nhiều chuyện) của khối 9A từ 9A1 đến 9A5 cộng tác cho ra đời một tập san đặt tên Giao Cảm, làm đâu được 3 số rồi bị cảm nên...tịt. Qua những năm 90, thị xã xuất hiện một quán cà phê mang tên Giao Hạ, nữ chủ quán là bạn của các cô nàng lớp 9A2 và chắc có tham gia nhóm đặt tên đường nên đã lấy tên Giao Hạ đặt cho quán mà không thấy ai thắc mắc. Một thời gian dài quán Giao Hạ trở thành địa chỉ quen thuộc của nhóm bạn HD 68-75, bạn bè gần xa lâu lâu lại tổ chức gặp nhau để tán chuyện xưa, chuyện nay và để nghe giọng cười ai nghe cũng phải cười theo của nữ chủ quán. Tiếc là do gặp khó khăn về địa điểm nên Giao Hạ đã đóng cửa gần 2 năm nay làm cả nhóm không còn chỗ để gặp nhau mỗi khi LHM thấy nhớ bến sông xưa, hoặc lúc Thành - Kiệt – Lực ngồi buồn muốn...nhậu. Mai này khi nào MHS biến ước mơ mở quán cà phê sân vườn của hắn thành sự thật, tôi sẽ xúi hắn đặt tên quán là cà phê Giao Hạ, hoặc Giao Cảm để tha hồ cho nhóm chúng ta đến đó mà tán chuyện dong dài, tình thương mến thương.

Hoàng Thị, tên nghe quen quen, giống tên bản nhạc Ngày xưa Hoàng Thị. Chính xác. Đúng là có một con đường ở Sóc Trăng đã được đặt tên theo bản nhạc Ngày xưa Hoàng Thị nhưng lúc đặt tên đang ở thì hiện tại nên đã bị lượt bỏ 2 chữ Ngày xưa. Đường Hoàng Thị ở đây hoàn toàn không có cảnh “Em tan trường về, anh theo Ngọ về....theo nhau bụi đỏ đương mơ”, vì nó là con đường mòn trên đất giồng ở ngoại ô thành phố; càng không thể có cảnh em nữ sinh nào đó đi học về qua đây “ôm nghiêng tập vở, tóc dài tà áo vờn bay” để “anh theo Ngọ về gót giầy lặng lẽ đường quê”. Nhưng dọc theo đường này quả thật có hai hàng cây cao, loại cây sao, cây dầu đến mùa thay lá thì con đường đầy lá vàng rơi xem ra cũng đủ thơ mộng để ngân nga “Cây xưa còn gầy nằm phơi dáng đỏ - áo em ngày nọ phai nhạt mấy màu...”. Nói ra thì hơi dai dòng, nhưng chuyện kể thì phải có đầu có cuối để mọi người biết thêm nhiều chút. Số là hồi học lớp 9, lớp 10 do nhu cầu tìm địa điểm rộng rãi thoáng mát, hơi xa khu dân cư một tí để tổ chức picnic, cắm trại cho nhóm du ca nên bọn tôi đã mò ra một chỗ gồm 03 địa điểm nằm kề nhau: chùa Phước Nghiêm, vườn điều và khu vực có con đường Hoàng Thị. Phước Nghiêm là một ngôi chùa của người Hoa, khung cảnh ở đây ngày thường rất vắng lặng cho nên rất trúng ý những ai thích đi vãng cảnh chùa, mà đi chùa ít ai đi một mình, phải đi hai mình Phật mới vui nên ít khi nào bạn thấy người ta đi chùa một mình. Từ chùa Phước Nghiêm bước qua một cái cổng là đến vườn điều, nói chung khung cảnh vườn điều không có gì đặc sắc, trái điều ăn không ngon nên chúng ta chỉ lướt qua. Bước qua khỏi vườn điều vài bước chân ta thấy một con đường đất, con đường dài chừng 500m bắt đầu từ con lộ đi Trường Khánh chạy dài đến cuối đường giáp với một ao nước khá rộng, bên kia ao là đồng ruộng mênh mông. Như đã nói, con đường đẹp nhờ có 2 hàng cây sao, sau nó là những bụi tre gai, qua nhiều lần tìm tòi khám phá bọn tôi phát hiện phía sau những hàng cây là những sinh phần của người Hoa. Các bạn đừng lầm tưởng đấy là những khu mồ mã thấy ghê, không đâu, tất cả đều được chăm sóc cẩn thận, cỏ xanh được trồng phủ đều mặt đất, có khu còn xây hàng rào trồng hoa giấy, hoa ti-gôn cặp theo. Đặc biệt những khu đất nằm cuối đường, giáp ao nước có khung cảnh đẹp nhất, có lẽ do quá trình đào lấy đất đấp cao mấy sinh phần nên đã hình thành ao nước, còn các sinh phần cao lên nhìn giống như những gò đất có độ dốc thoai thoãi về phía ao. Cuối mùa mưa (gần tới Tết) ao cạn còn sót lại vài bụi hoa súng, trên bờ dốc nở đầy hoa soi nhái tím, vàng tạo nên khung cảnh lý tưởng cho những buổi picnic, những buổi họp mặt có từ 2 người trở lên, ngồi ở đây tha hồ cho các nàng bẻ hoa soi nhái rứt từ cánh cho rơi tự do, hết hoa này đến hoa khác, đến khi chung quanh hết hoa thì ta dời sang nơi khác, hoa nhiều lắm! Nhóm du ca nhiều lần tổ chức cắm trại, picnic ở đây (các ảnh HD29, HD28, HD3, HD2 trong hoangdieutruongxua.tk/album đã chụp tại đây). Ai đã chọn, đã đặt tên Hoàng Thị cho một con đường gần như vô danh? Chắc chắn không phải các cô nàng rồi, chỉ có gã nào quen hát bài “Em tan trường về, anh theo Ngọ về......theo nhau bụi đỏ đường mơ”, hơn thế nữa gã đã nhiều lần đến đây, đạp xe từ đầu đường đến cuối đường thấy con đường sao gần gủi với bài nhạc hắn thường tụng ca và ngẩu hứng hắn đã đặt cho con đường thân yêu của “tụi mình” một cái tên đầy nữ tính: Hoàng Thị. Nói thật với bạn là tôi cũng không nhớ chính xác gã nào đã đặt tên, nhưng chắc chắn hắn là một tên cũng lu..s..bu có hạng trong nhóm bạn tôi. Sau khi đặt tên nếu hắn không nói thì đến giờ cũng chẳng ai biết có con đường Hoàng Thị, chỉ có điều lúc hắn cho con đường có một cái tên thì đàng sau lưng hắn có một cô nàng đã nghe và im lặng (tức là tán thành) – từ đó cả nhóm HD 68-75 đều biết.



Con đường mang tên em





Đọc cái tựa này các bạn đừng cho là tôi sến, trước 75 tôi và đám bạn khi nghe Chế Linh, Giang Tử ca những bản nhạc bolero thường xì xồ cho là nhạc sến, nhưng bây giờ nhiều khi nghe lại những bài nhạc này cảm thấy nó cũng hay hay, bạn cứ đọc tiếp đoạn sau để xem tôi có sến không (mà lỡ sến chút đỉnh cũng đâu chết ai).

Có một con đường đã đem lại cho tôi nhiều tình cảm êm đềm thời niên thiếu, con đường này cũng giống như nhiều con đường khác, cũng là đường tráng nhựa hẳn hoi, có điều nhiều đoạn không còn chút nhựa nào; con đường nối liền thành thị với nông thôn vì ra khỏi nội ô là thấy ruộng đồng cò bay thẳng cánh; con đường có đoạn rợp bóng tre xanh, điểm xuyến vài con trâu nằm uể oãi nhai rơm, vài con gà đang bươi đất tìm mồi làm thành bức tranh cảnh làng quê yên bình; con đường gắn với hình ảnh những chiếc xe Lam chạy lắc lư mỗi ngày chở các cô, cậu học trò đến Trường HD. Diễn tả dài dòng văn tự cố gắng tạo sự nổi bật vì con đường này dẫn đến nhà một người, nếu kêu tên đường theo cách gắn với tên người thì đó là “con đường mang tên em”: NH, nhà ở Vũng Thơm (còn gọi là Phú Tâm). Nói không dấu diếm con đường này tôi đã đi không biết bao lần, có lúc đi chung với 2, 3 tên như LHK, TVS, LVQ, PVT, NTV...nhưng thường xuyên là đi một mình, thường chiều thứ 7 hoặc Chủ nhật, có lúc còn ngủ lại qua đêm ở nhà Trịnh Hiến Bình. Vì sao xứ này lại thu hút, quyến rũ tôi đến như vậy? Trước tiên là vì cái tên Vũng Thơm nghe đã có cảm tình. Nghe nói có một truyền thuyết về cái tên này: Thời xa xưa lắm có hai nhóm tiên ông và tiên bà, hai bên thách nhau đấp tháp đất, đấp từ lúc mặt trời lặn đến khi mặt trời mọc tháp của ai cao hơn thì bên đó thắng. Đám tiên ông do cái tật vừa làm vừa chơi uống vô chút xíu tiên tửu là ngủ quên tới sáng, khác với các tiên bà chăm chỉ lo đào đấp suốt đêm nên đến khi mặt trời mọc tháp của các tiên bà cao hơn. Bên các bà tiên thắng. Trong quá trình các tiên bà đào đấp tháp làm thành một cái ao to, trong ao có mạch nước ngầm trong vắt, đặc biệt do tay của các bà tiên tạo ra nên nước có mùi thơm bát ngát, đến nỗi người đời sau đã gọi nơi này “Vũng Thơm” . Tôi biết chỉ có vậy, còn vì sao từ “ao” biến thành “vũng”, vì sao tay các bà tiên làm cho nước có hương thơm thì các bạn cứ suy diễn thêm. Sau này có người còn nói rằng: dân ở xứ này nhờ tắm nước ao thơm nên thân thể có mùi thơm như hoa sen, hoa sứ. Có phải như vậy không thì phải nhờ những ai ở xứ Vũng Thơm trả lời giúp, riêng tôi nghe bấy nhiêu thôi đã thấy thích cả xứ, cả người Vũng Thơm rồi. Thứ hai tôi thích Vũng Thơm là vì người Vũng Thơm chân chất, hiền hòa, giản dị (như NH của tôi chẳng hạn). Nhớ cái lần đầu tiên tôi vào VT kiếm thăm nàng, mấy thằng bạn tôi bình thường miệng lưỡi toàn anh hùng hảo hán nhưng đến trước nhà nàng bọn chúng lẳng lặng lướt qua còn tôi lỡ trớn nên phải bước vào, may phước bên cạnh tôi lúc đó còn lại THB, tên này người địa phương có quen biết với nhà nàng nên tôi cũng đỡ run, nhưng có gì phải run vì Ba nàng làm ở văn phòng Trường Hoàng Diệu coi như tôi có quen trước, còn Má nàng thì cũng như Má của mấy đứa bạn tôi vậy thôi. Suy nghĩ trong tích tắc, tôi đã bước chân vào nhà nàng (có nghĩa là không còn gì để mất), tôi và THB gặp ngay má NH, nó lên tiếng hỏi liền không cần khách sáo: “có NH ở nhà không xiếm (xiếm kêu theo người Hoa là thím, dì), có bạn học cùng trường với NH vào chơi ghé thăm cho biết nhà”. Má nàng vui vẻ kêu hai đứa tôi ngồi chơi rồi gọi NH ra gặp chúng tôi, nàng lúc đó chắc hơi bất ngờ khi thấy mặt tôi nên vừa bước ra cười chào đã vội nói: để NH lấy nước uống (thấy người VT lịch sự và dễ thương chưa) rồi quay vào. Lát sau nàng bưng 02 tách nước trà ra mời hai đứa, thế rồi sự kiện đánh dấu lần đầu tiên hai đứa tôi gặp nhau đã xảy ra không như dự kiến, sự kiện đến giờ tôi vẫn còn nhớ thì bạn thấy nó đậm đà cỡ nào?! Số là lúc nàng bưng nước ra mời, tôi lo nhìn nàng không chớp mắt nên đâu nhìn tách trà, còn THB thì nhìn tôi, có trên 5’ tôi vẫn chưa hết hồi hộp, mà các bạn biết đó càng hồi hộp thì mình càng cảm thấy khát khô cả cổ, vậy nên nàng vừa để tách nước xuống bàn, vừa mời xong là tôi đã vội bưng lên uống liền không cần nghe THB nói, nó nói gì bạn biết không? Nó nói “coi chừng...nóng!!”. Vừa kịp hiểu ra thì tôi đã hớp một ngụm trà vào miệng, nóng muốn phỏng lưỡi nhưng không lẽ nhả ra làm mất mặt bầu cua nên tôi đành ngậm miệng nuốt luôn mà nghe trong lòng cháy bỏng, cháy bỏng thật sự, đến nỗi miệng lưỡi tôi trở nên im lìm quên cả chuyện rủ nàng đi chùa chơi. THB thấy tôi đau khổ quá nên nó nói lời từ giả hẹn khi khác sẽ đến chơi, hai thằng ra về khi hai tách trà chưa kịp nguội. Chắc có lẽ do tách trà nàng châm mời tôi có độ đậm đà cỡ 800C nên từ đó tôi mới quyến luyến con người VT mãi đến sau này. Thật ra tình cảm tôi dành cho người VT không chỉ có NH, trong VT tôi còn có nhiều bạn hiền, giản dị và thân thiện. Đứng đầu danh sách những bạn tôi ở VT là THB, Bình học chung với tôi từ lớp 6, đến lớp 11 hắn nghỉ học ở nhà làm nghề sửa xe, cứ vào VT là bọn tôi ghé nhà B, có lúc cả bọn kéo đến nhà hắn 4, 5 đứa, Má B thương con, thấy bạn con mình đến chơi, đứa nào cũng hiền lành Bà coi như con cháu trong nhà, cả ngày bọn tôi kéo nhau đi chơi đến buổi mới về ăn cơm, tối chị B. còn nấu chè cho cả bọn ăn, ở nhà B. chơi đến trưa trưa hôm sau tụi tôi mới về. Từ THB sau này quen thêm LXT, TQH, CVQ, NKT, TCT, DTHThạch... cho đến năm 75. Sau 75 một thời gian dài có trên 30 năm, do thời cuộc và hoàn cảnh khó khăn chung nên tôi gần như mất liên lạc với các bạn VT. Đến 2005, LVC từ Mỹ về tổ chức buổi họp mặt “Chung một mái trường – Riêng một góc trời” để bạn bè HD 68 – 75 có dịp gặp nhau nối lại tình thân, lần đó các bạn ở VT gần như đủ mặt chỉ thiếu THB vì không có địa chỉ liên lạc, từ đó đến nay hễ có tổ chức họp mặt, hoặc nhà có đám tiệc là các bạn ở ST – VT luôn nhớ đến nhau, mời nhau đến dự và thường thì các bạn VT dù nhà xa nhưng ít khi nào vắng mặt, thế mới thấy tình cảm của các bạn VT nó chân tình và nồng nhiệt như thế nào.

Còn chuyện NH thì sao? Đã nói về “con đường mang tên em” có lẽ phải nói cho đến đoạn cuối để mọi người hết thắc mắc. Chuyện tôi quen NH thời đó là một câu chuyện đẹp, chuyện tình tuổi học trò nó nhẹ nhàng và lãng mạn, đến với nhau chỉ hơn mức tình bạn chút xíu nhưng lúc nào cũng muốn gặp nhau dù gặp nhau chỉ để nói những chuyện bâng quơ, chủ yếu là để tôi được nhìn ngắm nàng với nhiều tư thế: đứng - cặp sách ôm trước ngực, ngồi - vân vê tà áo lâu lâu nhìn tôi cười, có vậy thôi nhưng cứ hẹn gặp nhau sau giờ tan học để luôn có cái cảm giác hồi hộp, sung sướng sau những hồi chuông để 2 đứa trốn mọi người, chờ mọi người về hết để trong trường chỉ còn lại tôi với nàng, đẹp và thơ như thế đó; rồi những buổi trưa hò hẹn, những buổi chiều chờ đợi ở Hoàng Thị, Giao Hạ; rồi vườn dưa, vườn đào, vườn táo...những tháng ngày tươi đẹp nhẹ nhàng trôi đi cho đến lần gặp ở vườn ngâu là có chuyện xảy ra. Năm đó học lớp 10, Trường tổ chức tập diễn hành ở Sân vận động tỉnh, ai tập cứ tập còn tôi với nàng trốn vào vườn ngâu ở phía sau SVĐ (có cả LHK – LTHL tham gia), bao nhiêu ngày diễn tập là bao nhiêu ngày tụi tôi hẹn gặp ở nơi này, cho đến ngày tập cuối cùng tôi bày đặt chụp hình nàng để làm kỷ niệm. Cách vài hôm sau tôi đưa hình cho nàng xem, hình nàng đứng vin cành hoa ngâu, hình nàng ngồi kéo nghiêng vành nón làm duyên, hình đẹp phải nói làm nàng thích lắm cười khoe hai cái răng cửa nghinh nhau. Nhưng chỉ hôm sau nữa không biết tại ai tác động mà vừa gặp nhau là nàng đòi hình, đòi luôn phim không cho tui giữ. Tôi vừa tức mình, vừa tự ái, đâu thèm suy nghĩ cặn kẽ, đòi thì đưa, không tin nhau thì thôi. Bởi vậy mới có thơ rằng:



Em ngồi bên bàn học

Anh đứng tựa cạnh bàn

Nhìn nhau mà không nói

Có nói cũng không cần.

Em đòi anh xin trả

Hai tấm hình kèm phim

Cộng thêm một quyển vỡ

Hơn chục bức thư tình.

(Xin trả hết cho nàng

Để nàng yên tâm học

Khỏi lo mất thời gian

Cho những lần hò hẹn)

Còn một chiếc khăn tay

Em tặng anh ngày đó

Cho anh xin giữ lại

Để gói kín chuyện tình

Cất vào ngăn ký ức

Cho ngày vui qua mau

Chuyện buồn còn ở lại

Cùng với một con đường

Lui dần vào dĩ vãng.

Rồi hai đứa tôi từ đó ít gặp nhau, cho đến năm 75 đầy biến động như phần trên đã nói. Rồi hay tin nàng có chồng, có lần gặp nàng ẵm đứa con đầu lòng đi khám bệnh, gặp nhau nàng vẫn cười tươi khoe hai cái răng cửa nghinh nhau, tôi cũng cười vui mà sau đó buồn ba bốn bữa. Sau này, gặp nhau trong những lần họp mặt bạn bè NH hỏi tôi: sao hồi đó V. không gặp H nữa vậy? sao tự nhiên mình quên nhau vậy? Tôi biết trả lời sao, không lẽ nói vì em làm tôi tự ái, còn quên em tôi đâu có quên, tôi vẫn lắng nghe tin về em trong suốt những năm tháng không gặp nhau? Nhưng có cần phải đính chính không? Cho nên tôi đành trả lời là lâu quá tôi cũng quên rồi không biết tại sao. Suy cho cùng tôi có lỗi với em, tôi giận em sau lần đó mà không nói nên em đâu có biết, để em mang nặng thắc mắc theo mình suốt 30 năm. Nếu em đọc được bài viết này thì xin em cứ trách tôi rồi sau đó hãy để gió cuốn đi mọi thắc mắc và hãy để cho một chút tình bạn còn ở lại. Một chút vĩ thanh cho câu chuyện - những năm gần đây vào dịp lễ, Tết nàng kêu con gái đem biếu gia đình tôi khi thì cốm dẹp, khi thì bánh tét, tôi ăn đâu được nhiều, phần còn lại vợ tôi cất vào tủ lạnh để sau đó lấy ăn dần cho đến hết; vợ tôi nói: đây là tình cảm người ta cho, ăn không hết là phụ lòng người ta. Nghe mà cảm động vô cùng.

Nguyễn Hồng Võ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  LỊCH SỬ VIỆT NAM 1. Thời kì nguyên sử ( 2879 – 111   CN • Năm 2819 trc CN : người Việt cổ hình thành (lấy tTtên Bách Việt) • Chiến t...